Thị trường vốn vận hành hiệu quả sẽ trợ giúp cho nền kinh tế

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam vận hành hiệu quả sẽ đem lại sự thịnh vượng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động và đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Sự phát triển của thị trường chứng khoán đem lại hình ảnh một nền kinh tế minh bạch, tiềm năng và có nhiều cơ hội đầu tư

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS).

Thị trường vốn của chúng ta đang phát triển ngày càng mạnh mẽ cả về chất và lượng.

Về chất, thị trường đang thể hiện rõ nét là kênh huy động vốn quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết.

Phần lớn các tập đoàn kinh tế trọng yếu, các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế đều đã niêm yết cổ phiếu cổ phiếu trên các sở giao dịch chứng khoán và họ tìm thấy lợi ích to lớn ở đó.

Thông qua thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp huy động được nguồn lực từ nhiều thành phần xã hội để đầu tư và phát triển mạnh mẽ và xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp vốn hóa hàng chục tỷ USD, đem lại sự thịnh vượng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động và đóng góp hiệu quả cho ngân sách nhà nước.

Mặt khác, sự phát triển của thị trường chứng khoán với quy mô ngày càng lớn còn đem lại hình ảnh một nền kinh tế minh bạch, tiềm năng và nhiều cơ hội đầu tư trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Trong 3 năm gần đây, lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường tăng đột biến, lượng tài khoản đầu tư chứng khoán hiện đạt hơn 5 triệu tài khoản với tỷ lệ số tài khoản/tổng dân số đạt gần 6%.

Sau 2 năm tăng trưởng mạnh, thị trường đã có đợt điều chỉnh giảm sâu. Tâm lý nhà đầu tư đang có sự thận trọng, thể hiện qua việc dòng tiền vào thị trường giảm. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, quỹ đầu tư đều cho rằng, mức định giá của thị trường Việt Nam hiện hấp dẫn để đầu tư.

Để thị trường phát triển bền vững, chúng tôi cho rằng, cần đẩy mạnh một số giải pháp. Thứ nhất, cơ quan quản lý bên cạnh việc tiếp tục hoạt động thanh tra, giám sát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi sai trái, cũng cần hỗ trợ hơn nữa về các quy trình thủ tục, hồ sơ để giúp các doanh nghiệp minh bạch sớm đẩy nhanh hoạt động phát hành cổ phần, trái phiếu, từ đó có được nguồn vốn phục cho hoạt động sản xuất - kinh doanh; tránh hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế theo đúng tinh thần Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh trong hội nghị phát triển thị trường vốn vừa qua.

Thứ hai, cần sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động hệ thống công nghệ thông tin, từ đó hỗ trợ cho việc triển khai các sản phẩm mới như giao dịch T-0, xem xét bỏ quy định ký quỹ 100% trước khi đặt lệnh mua chứng khoán…

Thứ ba, tiếp tục thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước để gia tăng hàng hóa cho thị trường.

Thứ tư, quyết liệt đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ năm, cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam tại các thị trường nước ngoài, qua đó tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có thêm thông tin về thị trường và doanh nghiệp Việt Nam.

Tính minh bạch, đầy đủ thông tin tạo nên thị trường lành mạnh

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Retail.

Từ năm 2020 đến nay, thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều biến động với nhiều đợt giảm mạnh, đặc biệt giảm kỷ lục trong tháng 3/2020.

Trong năm 2022, nhiều sự kiện trong và ngoài nước về dịch bệnh, chiến tranh, suy thoái kinh tế… ảnh hưởng đến doanh nghiệp, tâm lý nhà đầu tư và rộng hơn là thị trường chứng khoán thế giới.

Song đây cũng được xem là cơ hội để tích lũy cổ phiếu có nội tại tốt đối với những nhà đầu tư dài hạn. Tính minh bạch, đầy đủ thông tin là một trong những yếu tố tạo nên một thị trường lành mạnh.

Do đó, cần có thêm nhiều giải pháp để đảm bảo các doanh nghiệp niêm yết tuân thủ theo đúng hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Đối với FRT Retail, động lực tăng trưởng đến từ việc tiếp tục mở rộng các chuỗi cửa hàng hiện hữu và tìm kiếm phát triển các chuỗi mới nhằm xây dựng một doanh nghiệp phát triển vững mạnh, đảm bảo lợi ích tối đa cho các cổ đông, khách hàng, đối tác và Công ty.

Kể từ sau khi niêm yết năm 2018, FRT Retail chưa thực hiện phát hành riêng lẻ cổ phần hay các chương trình gọi vốn khác, song việc trở thành công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã giúp FRT Retail nâng cao vị thế trong quá trình làm việc với đối tác và các ngân hàng lớn, đóng góp đáng kể vào việc hiện thực hóa các mục tiêu kinh doanh đề ra.

Thị trường chứng khoán còn nhiều cơ hội bứt phá

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS).

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tròn 22 tuổi, bên cạnh những thành công như quy mô, chất lượng hàng hóa được nâng cao…, giới đầu tư vẫn quan tâm đến các giải pháp đột phá hơn.

Việc giảm thời gian thanh toán T+2 dự kiến áp dụng từ cuối tháng 8/2022 cho thấy thị trường đang ngày càng phát triển và tiến gần hơn với các chuẩn mực mới.

Để tiếp tục phát triển bền vững và nâng tầm, trước tiên thị trường chứng khoán Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chí để có thể được nâng hạng từ cận biên sang mới nổi như quyền sở hữu nước ngoài, bù trừ thanh toán T+2/T+3, nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về, thị trường giao dịch ngoại hối tự do, cho phép hoạt động bán khống, phát triển thêm nhiều sản phẩm phái sinh, công bố thông tin bằng tiếng Anh...

Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang giảm theo đà suy giảm chung của thị trường chứng khoán thế giới do lo ngại về các điều kiện vĩ mô liên quan đến lãi suất, lợi suất kỳ vọng và các chính sách kiềm chế tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, tình hình này sẽ được cải thiện trong 2 quý cuối năm khi chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh đã chiếm hết dư địa tăng lãi suất trong năm của các ngân hàng trung ương thế giới.

Chúng tôi mong chờ giao dịch T+0

Nhà đầu tư Lê Như An

Thị trường chứng khoán đã qua 22 năm nhưng thay đổi quá chậm, gần như không có gì mới. Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) nên chăng bỏ lấy giá đóng cửa phiên ATC và lấy giá đóng cửa là giá bình quân.

Chúng tôi mong chờ giao dịch T+0, nếu cơ chế này được áp dụng sớm thì dòng tiền sẽ hút rất mạnh vào thị trường chứng khoán và tạo ra thanh khoản lớn, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

Thêm một vấn đề chúng tôi muốn góp ý là việc phát hành tăng vốn quá dễ dàng, nhưng dường như không kiểm soát được vốn đó sử dụng ra sao. Nhiều doanh nghiệp trước khi lên sàn tăng vốn thần tốc.

Thiết nghĩ, nên có giải pháp kiểm soát chặt hơn các công ty niêm yết, đặc biệt là những công ty tăng vốn vài chục lần trước khi chào sàn cần bị từ chối đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán nếu không phải tăng vốn từ lợi nhuận để lại.

Khi những doanh nghiệp thực sự tốt lên sàn, cổ phiếu của doanh nghiệp đó sẽ tự vận hành theo cung cầu, đóng góp hàng hóa chất lượng cho thị trường.

Nâng room ngoại là rất cần thiết

Ông Choi Yun Sun, Giám đốc tài chính Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).

Thị trường chứng khoán thế giới nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng hiện đang đối mặt với các rủi ro mang tính vĩ mô như lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương đồng loạt nâng lãi suất, rủi ro suy thoái tại Mỹ hay cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài.

Những yếu tố trên đã và đang đè nặng lên tâm lý giới đầu tư và phần nào phản ánh vào nhịp điều chỉnh vừa qua của VN-Index.

Mặc dù vậy, nếu nhìn nhận một cách khách quan, đây đều là các yếu tố ngoại biên, không xuất phát từ nội tại của nền kinh tế.

GDP quý II/2022 của Việt Nam tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,48%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 3,37% - thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới.

Khi nhìn vào các số liệu vĩ mô khả quan cùng với định giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp niêm yết đang ở mức hấp dẫn, tôi cho rằng, thị trường chứng khoán ẩn chứa nhiều cơ hội đầu tư trong 2 quý cuối năm.

Trong giai đoạn 2020-2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô vốn hóa, thanh khoản lẫn số lượng tài khoản mới. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của các nhà quản lý trong việc hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý thị trường, trong đó có việc ban hành Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán mới cùng các nghị định và thông tư hướng dẫn cụ thể.

Việc rút ngắn thời gian thanh toán dự kiến từ cuối tháng 8/2022 cho thấy sự quyết tâm cải thiện hệ thống giao dịch của cơ quan quản lý, hướng đến việc triển khai cơ chế giao dịch T+0. Đây là một bước đi đúng đắn và phù hợp với xu thế chung của các thị trường phát triển trên thế giới.

Bên cạnh đó, nhằm cải thiện chất lượng thị trường cũng như hướng đến việc nâng hạng trong tương lai gần, việc nâng cao tính minh bạch trong công bố thông tin của doanh nghiệp và độ mở của thị trường, cụ thể là room sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài là hết sức cần thiết.

Liên tục cố gắng để song hành cùng sự phát triển của thị trường

Ông Nguyễn Tiến Thành, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI).

TVSI đã xây dựng chiến lược 5 năm (2021-2025) tập trung phát triển mô hình tổ chức hoạt động kinh doanh và đẩy mạnh, củng cố 4 yếu tố chính của doanh nghiệp là tài chính; sản phẩm, dịch vụ; công nghệ thông tin và đội ngũ nhân sự/văn hóa doanh nghiệp. Kế hoạch kinh doanh đặt ra cho mỗi giai đoạn luôn mang tính thách thức, thể hiện trách nhiệm cao với cổ đông, đối tác, khách hàng và nhân viên.

Chúng tôi sẽ liên tục cố gắng để song hành cùng sự phát triển của thị trường, nhưng không bao giờ cho phép mình có tư tưởng tự thỏa mãn hay ảo tưởng. Hiện vốn điều lệ của TVSI đạt 2.639 tỷ đồng, đảm bảo cho Công ty có năng lực cạnh tranh về tài chính, vấn đề được chúng tôi ưu tiên là đổi mới về quản trị, bao gồm sắp xếp, điều chỉnh lại mô hình tổ chức hoạt động, bổ sung nguồn nhân lực cần thiết cho khối quản trị; chia tách, chuyên môn hóa một số bộ phận; ban hành, nâng cấp hàng loạt quy chế nội bộ nhằm tạo ra một cơ chế quản trị thống nhất, xuyên suốt; nâng cao năng lực giám sát, đánh giá các hoạt động của Công ty, các khối, phòng ban một cách chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả hơn…

Trong đại dịch, thị trường chứng khoán bùng nổ đem đến nhiều cơ hội, nhưng cũng có thể là cạm bẫy nếu để những con sóng lớn cuốn đi. Bởi thế, TVSI luôn giữ cho mình một tâm thế “tĩnh”, một sự tỉnh táo cần thiết khi đưa ra quyết định về các chính sách, dịch vụ, sản phẩm, khẩu vị rủi ro, phân khúc khách hàng…

Trên hành trình phát triển cùng thị trường chứng khoán Việt Nam, TVSI không tự giới hạn mình sân chơi môi giới chứng khoán, mà đã mở rộng thêm những mảng kinh doanh khác và tương lai sẽ còn nhiều sản phẩm, dịch vụ tiềm năng, theo xu hướng của các định chế tài chính trên thế giới đang triển khai.

Đặt niềm tin vào các doanh nghiệp xuất sắc

Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital.

Những thăng trầm của thị trường là điều không tránh khỏi và mọi trường phái đầu tư sẽ đều phải trải qua những giai đoạn thử thách và đào thải khắc nghiệt.

Vai trò của quỹ đầu tư và các sản phẩm đầu tư chuyên nghiệp sẽ ngày càng quan trọng trong việc tạo lập sự ổn định và nâng cao hiệu quả của việc phân bổ vốn trên thị trường.

Mặt khác, việc nâng cao các yêu cầu về minh bạch thông tin, tiêu chuẩn niêm yết, phát hành, nghiêm minh trong các xử lý vi phạm… rất cần thiết cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường.

Có một điều rất rõ ràng, thị trường chứng khoán đang là nơi hội tụ được những doanh nghiệp tốt nhất Việt Nam trong nhiều ngành nghề quan trọng, với khả năng chống chịu tốt và tận dụng được cơ hội do khủng khoảng mang lại. Phần lớn thành tựu trên thị trường chứng khoán của tôi và SGI Capital tới từ việc mạnh dạn đặt niềm tin vào các doanh nghiệp xuất sắc, đặc biệt ở những thời điểm thị trường bi quan nhất.

Cơ cấu cổ đông của những doanh nghiệp tốt thường khiến diễn biến giá cổ phiếu ổn định, thậm chí nhàm chán vì ít khi xuất hiện trong danh sách cổ phiếu tăng và giảm mạnh nhất hàng ngày hoặc hàng tuần.

Nhưng sau nhiều năm nhìn lại, các cổ phiếu có mức tăng giá vượt trội nhất so với thị trường chung luôn thuộc về những doanh nghiệp tốt, tăng trưởng mạnh, góp phần vào quá trình đi lên của ngành và toàn xã hội.

Cần định hướng nhà đầu tư tốt hơn

Ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cổ phần, Phát triển năng lượng Sơn Hà (SHE).

Trải qua 22 năm phát triển, thị trường chứng khoán đã tạo ra được nhiều mặt tốt, đó là thị trường cho người dân đầu tư, các tổ chức trong và ngoài nước, quỹ đầu tư nước ngoài tham gia, nhưng cũng tồn tại những hạn chế như thiếu minh bạch, chịu sự tác động của nhiều vấn đề liên quan làm méo mó thị trường...

Vừa qua, Chính phủ đã có động thái làm minh bạch thị trường, khuyến khích các công ty kinh doanh tốt, hoạt động kinh doanh hiệu quả, xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư.

Truyền thông để nhà đầu tư nắm thông tin rõ hơn cũng là vấn đề cần chú ý.

Ở Việt Nam hiện nay, nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu theo tin đồn hoặc thông tin không chính thống.

Để thị trường chứng khoán phát triển bền vững, cần có định hướng cho nhà đầu tư, phát triển ngành nào cần đưa tiêu chuẩn, thu hút nhà đầu tư vào ngành đó với chính sách phù hợp, nhờ đó doanh nghiệp có thêm nguồn vốn từ nhà đầu tư, phát huy nguồn lực toàn dân....

Để nhà đầu tư và doanh nghiệp có niềm tin, thị trường chứng khoán cần phải minh bạch hơn. Đối với SHE, kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, chúng tôi luôn có ý thức xây dựng hệ thống quản trị tốt, soi chiếu Công ty qua các tiêu chí đánh giá để ngày một hoàn thiện hơn.

Cần có nhiều chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài

Ông Hoàng Anh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS)

Một trong những thành tựu lớn nhất của các thị trường chứng khoán, các thành viên xây dựng thị trường chính là sự thay đổi nhận thức của người dân về chứng khoán, từ một kênh đầu tư ít phổ biến trở thành kênh đầu tư dành cho số đông, hiệu quả trong dài hạn và số lượng nhà đầu tư mới gia nhập thị trường tăng đột biến trong 2 năm qua là minh chứng rõ nét nhất.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều điều để chúng ta hướng tới, hy vọng hệ thống giao dịch mới như KRX sẽ sớm được đưa vào triển khai để có thể hiện thực hóa mong mỏi về giao dịch T+0, hệ thống cho vay cổ phiếu để có thể có các sản phẩm như bán khống...

Ngoài ra, là một công ty có thế mạnh về nhà đầu tư quốc tế, chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều chính sách phát triển thị trường hơn, giúp tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn yêu cầu công bố thông tin bắt buộc bằng tiếng Anh…

Hiện nay, thị trường chứng khoán chưa có sức bật rõ nét trong 2 quý cuối năm, mà sẽ biến chuyển linh hoạt theo các yếu tố khách quan.

Tôi nhận thấy thị trường chứng khoán đang đứng trước “ngã 3 đường” với những tác động vĩ mô đan xen giữa áp lực lạm phát, triển vọng tăng trưởng toàn cầu đang suy giảm. Tuy nhiên, với những điểm mạnh nội tại, thị trường có thể quay về vùng điểm hồi đầu năm nay.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục