Hướng đến sự phát triển bền vững của thị trường vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường vốn và thị trường bất động sản sẽ có các giải pháp phát triển phù hợp, giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra.
Thị trường vốn Việt Nam có quy mô, sản phẩm, thanh khoản, số lượng nhà đầu tư tăng nhanh. Thị trường vốn Việt Nam có quy mô, sản phẩm, thanh khoản, số lượng nhà đầu tư tăng nhanh.

Quy mô thị trường tăng nhanh và rủi ro tiềm ẩn

Cần có sự đánh giá, nhìn nhận sự phát triển của thị trường vốn và thị trường bất động sản để có các giải pháp phát triển phù hợp, giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra. Đó là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Thống kê cho thấy, quy mô thị trường vốn Việt Nam tăng trưởng bình quân 28,5%/năm trong giai đoạn 2016 - 2021. Đến cuối quý I/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,57% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015. Trong đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP, quy mô thị trường trái phiếu tương đương 40,7% GDP (trái phiếu chính phủ là 22,7% GDP và trái phiếu doanh nghiệp là 16,4% GDP).

Với vai trò là kênh dẫn vốn, thị trường vốn đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản khi phù hợp với tính chất đầu tư của các dự án.

Trong đó, hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp địa ốc tăng nhanh về quy mô, nhưng cũng phát sinh không ít rủi ro khi có những lô trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc không có thông tin về tài sản bảo đảm, một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trước khi phát hành...

Trong 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2021 có 57 doanh nghiệp thua lỗ.

Mới đây, Bộ Tài chính đã thanh tra 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, phát hiện 57 doanh nghiệp thua lỗ và 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cao, có doanh nghiệp phát hành gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu.

Trước đó, một số sai phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã bị cơ quan chức năng phát hiện, nổi bật là trường hợp 3 công ty con của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh thực hiện 9 đợt phát hành với tổng số tiền 10.030 tỷ đồng. Ngày 3/4/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định hủy bỏ các đợt phát hành trái phiếu này do doanh nghiệp có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu. Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp vẫn chưa thể hoàn trả tiền mua trái phiếu cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, mặc dù nền kinh tế chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền liên tục tăng kể từ đầu năm 2021, mức tăng bình quân từ 5 - 7% với phân khúc chung cư, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15 - 20%, giá đất nền tăng 20 - 30%.

Trong quý I/2022, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ đạt 20.325 giao dịch thành công, chỉ bằng 45,5% quý IV/2021 và bằng khoảng 80% cùng kỳ năm 2021.

Trên sàn chứng khoán, kể từ đầu tháng 4/2022 đến nay, thị trường có một số đợt điều chỉnh mạnh, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu bất động sản.

Đáng lưu ý, trên thị trường cổ phiếu xuất hiện các hiện tượng thao túng ngày càng tinh vi, giá không ít mã chứng khoán được đẩy lên cao không gắn với tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều giải pháp sẽ được triển khai

“Cần thiết phải có các giải pháp nhằm phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản lành mạnh, từ hoàn thiện khung khổ pháp lý gồm Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn, đến triển khai các giải pháp điều hành và quản lý, giám sát thị trường”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả các biện pháp cấp bách nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán ổn định trở lại. Đối với những điểm còn tồn tại, hạn chế, cần nhanh chóng khắc phục, hoàn thiện để đảm bảo công tác quản lý điều hành thị trường đạt hiệu quả cao hơn, tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định, thông suốt, an toàn.

Thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn được đánh giá sẽ có sự hỗ trợ từ các yếu tố nền tảng vĩ mô, cũng như yếu tố nội tại của thị trường, nhưng bối cảnh chung trên toàn cầu đang gặp nhiều thách thức và biến động khó lường. Do đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến liên quan, đồng thời tăng cường công tác dự báo để chủ động hơn các giải pháp hỗ trợ thị trường.

Trong thời gian tới, ngành chứng khoán cần rà soát, nghiên cứu các quy định pháp lý và các cơ chế, chính sách để kịp thời đề xuất Bộ Tài chính trình các cấp sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo phù hợp với thực tế thị trường.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đảm bảo các tổ chức này hoạt động lành mạnh, đúng quy định pháp luật, từ đó phát huy tích cực vai trò là đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên thị trường chứng khoán; đẩy mạnh công tác giám sát thị trường, nâng cao vai trò giám sát các tuyến, nhất là các đơn vị giám sát tuyến đầu để kịp thời phát hiện các giao dịch có dấu hiệu bất thường; tăng cường giám sát về công bố thông tin, đặc biệt là thông tin tài chính, báo cáo tài chính kiểm toán của các công ty đại chúng; rà soát, giám sát, kiểm tra và có biện pháp thúc đẩy, xử lý sai phạm đối với các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về cổ phần hóa gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trên thị trường chứng khoán, khi phát hiện các dấu hiệu sai phạm có yếu tố hình sự cần chủ động và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Yêu cầu đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam là đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, sớm hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin KRX để đưa vào vận hành, tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới cho thị trường; nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tiêu chí giám sát, xây dựng hệ thống cảnh báo đối với các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường; nghiên cứu, đề xuất để sửa đổi một số tiêu chí của chỉ số VN30.

Về công tác nâng hạng thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoàn thiện các tiêu chí, chủ động đề xuất với Bộ Tài chính để trao đổi, làm việc với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để thị trường sớm được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí truyền thông chính xác, đầy đủ, kịp thời những thông tin liên quan đến thị trường vốn; phát hiện, đề nghị và phối hợp Bộ Công an xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin thiếu kiểm chứng, không chính xác, ảnh hưởng đến thị trường. Chỉ đạo các cơ quan báo chí phối hợp các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác thông tin truyền thông bài bản, kịp thời, liên tục, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về các quy định của pháp luật, kiến thức, kỹ năng, minh bạch hóa thông tin của các chủ thể tham gia thị trường để bảo vệ, giảm thiểu rủi ro và nâng cao niềm tin nhà đầu tư với thị trường tài chính; đồng thời, phải cân đối hàm lượng thông tin phù hợp, chủ yếu là hướng dẫn.

(Trích ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị thị trường vốn ngày 22/4/2022)

Thu Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 28.21 2.34% 188,561 tỷ
HNX 227.87 5.24 2.3% 1,608 tỷ
UPCOM 88.31 0.8 0.91% 381 tỷ