Thị trường ứng dụng gọi xe: Cựu binh áp đảo, lính mới lao đao

Các ứng dụng gọi xe Việt gần như đã mất hút trong thời gian qua, nhường thị phần cho các “ông lớn” nước ngoài vừa mạnh về tài chính, vừa “khỏe” về công nghệ.
Grab đang thống lĩnh thị trường gọi xe Việt Nam

Grab thống lĩnh, ứng dụng Việt hụt hơi

Thị trường ứng dụng gọi xe là một cuộc đua đường trường vô cùng khốc liệt, mà nếu không có tài chính dồi dào, dịch vụ đa dạng, nền tảng công nghệ ưu việt, thì sẽ bị hất tung khỏi đường đua.

Sau gần 3 năm mua lại Uber, Grab đang thống lĩnh thị trường gọi xe Việt Nam. Theo báo cáo mới nhất của ABI Research, Grab dẫn đầu thị trường với 74,6% thị phần, tiếp theo là Be (12,4%) và Gojek (12,3%).

Năm 2019, khi Grab quyết định đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam lúc đó đã tiết lộ, một trong những mục tiêu của khoản “siêu” đầu tư này là mở rộng dịch vụ Grab đang triển khai tới 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc; mở rộng dịch vụ tài chính số; xây dựng các sản phẩm mới như giao thực phẩm, đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay… Grab đã thực sự đã trở thành siêu ứng dụng với hàng loạt dịch vụ, không còn là một ứng dụng gọi xe đơn lẻ.

Gojek cũng trên con đường trở thành siêu ứng dụng. Tháng 3/2021, Gojek đã hoàn thành triển khai ứng dụng quản lý đơn hàng dành cho các đối tác nhà hàng GoBiz, sau ứng dụng dành cho khách hàng và ứng dụng dành cho đối tác tài xế.

“Tiếp theo, thanh toán không tiền mặt sẽ được Gojek đẩy mạnh tại Việt Nam, bởi đây là mảng trong ‘tam giác vàng’ của một ứng dụng gọi xe, gồm: di chuyển, giao vận và thanh toán. Tại Indonesia, GoPay đã chiếm lĩnh thị trường và gần như không có đối thủ”, ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam cho biết

Trong khi đó, Be - ứng dụng gọi xe của người Việt - đến nay cũng đã đạt mốc 9 triệu lượt tải xuống trên kho ứng dụng với đội ngũ tài xế gồm 100.000 người, hoạt động ở mảng gọi xe 2 bánh, 4 bánh và giao hàng. Be đặt mục tiêu liên kết taxi truyền thống ở 27 tỉnh, thành phố và có lãi trong năm 2021.

Bà Nguyễn Hoàng Phương, CEO Be Group chia sẻ, không chỉ khó thu hút vốn đầu tư, các ứng dụng Việt Nam còn vấp phải thách thức lớn đến từ tâm lý “sính ngoại” của khách hàng.

Ngoài Be còn đủ sức cạnh tranh với 2 ông lớn nước ngoài là Grab và Gojek, các ứng dụng gọi xe Việt khác khởi nghiệp trong giai đoạn 2019 - 2020 đã “mất hút” trên bảng xếp hạng thị phần như FastGo, MyGo, Mai Linh, Futa (tên cũ là Vato)… Nguyên nhân của sự hụt hơi này có nhiều, song cơ bản nhất là năng lực tài chính của các doanh nghiệp nội không đủ để “chạy đường dài”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Học viện MVV, cổ đông tại FastGo thừa nhận, đầu tư vào FastGo là một thương vụ thất bại. “Khi đầu tư vào FastGo, tôi thích cách đặt vấn đề: tại sao mình không thể cạnh trạnh với các đối thủ ngoại, khi công nghệ của người Việt không hề thua kém. Nhưng phải thừa nhận, đó là cuộc chơi tốn tiền. Đây không phải cuộc chơi công nghệ, mà là cuộc chơi về tài chính. Và tài chính thì mình không thể cạnh tranh được với họ”, ông Sơn nói.

Chiến lược “đốt tiền” còn hiệu quả?

“Đốt tiền để giành thị phần” dường như đã trở thành một sự lựa chọn “không thể khác”. Song, khi cạnh tranh ở top 3, tiền chỉ là một yếu tố, bên cạnh nhiều yếu tố cạnh tranh khác.

Bà Nguyễn Hoàng Phương cho biết, hiện tại, Be có cách tiếp cận khác so với các đối thủ cạnh tranh. Thay vì chạy theo cuộc đua siêu ứng dụng, Be xây dựng nền tảng mở, trở thành một nhà cung cấp dịch vụ di động, cho phép người dùng lập kế hoạch, thanh toán nhiều loại dịch vụ trên một nền tảng.

Trên thực tế, để xây dựng siêu ứng dụng quy mô như hiện nay, Gojek phải đầu tư rất nhiều tài chính. Tuy nhiên, ông Phùng Tuấn Đức khẳng định, Gojek không coi đây là cuộc đua “đốt tiền” để giành thị phần.

“Quan điểm của Gojek từ trước đến nay luôn là phát triển bền vững, như một cuộc thi marathon, chứ không phải chạy thật nhanh. Và ‘đốt tiền’ để thuê thị phần không phải là chiến lược tốt cho dài hạn. Chúng tôi tự tin, ứng dụng của Gojek sẽ luôn tập trung mang lại những trải nghiệm tốt nhất, từ đó xây dựng lòng trung thành của người dùng”, ông Đức chia sẻ.

Theo vị CEO này, con số thị phần sẽ luôn thay đổi và đó không phải mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp. Nếu chỉ tập trung chiếm thị phần mà quên đi trải nghiệm, sự yêu quý của khách hàng, thì doanh nghiệp sẽ phải trả giá.

Tương tự, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cho rằng, vũ khí cạnh tranh tối thượng và không bao giờ lạc hậu là chất lượng dịch vụ. Sản phẩm công nghệ phải luôn tốt nhất, bắt kịp nhu cầu của thị trường, đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia, cùng với đó là những yếu tố “mềm”, là trải nghiệm mang lại cho khách hàng trên nền tảng.

“Yếu tố cạnh tranh đầu tiên này không nằm ở vấn đề tài chính, mà ở tầm quản lý cũng như tư duy của một doanh nghiệp. Họ quyết định đầu tư đến mức nào cho dịch vụ của mình, có kiên cường và kiên trì với quyết định này hay không…”, bà Vân nói.

Năm 2020, thị trường gọi xe công nghệ đã trải qua giai đoạn rất khó khăn, nhưng vẫn đón nhận thêm 2 tân binh là GV Taxi, viApp, nâng tổng số ứng dụng gọi xe đang hoạt động trên thị trường lên hơn 20 ứng dụng.

Ra đời sau, đầu tư nhỏ, tiềm lực yếu, trong khi thị trường đã nằm trong tay các “ông lớn” nước ngoài vừa mạnh về tài chính, vừa “khỏe” về công nghệ, không ít ứng dụng Việt đã phải đi vào thị trường ngách, về tỉnh lẻ... Nếu không muốn sống lay lắt và chìm dần, các doanh nghiệp nội không có cách nào khác là phải nỗ lực tìm hướng đi mới, liên kết, mua bán - sáp nhập (M&A), nhận vốn đầu tư nước ngoài…

Hai start-up giá trị nhất Indonesia là Gojek và Tokopedia đang hoàn tất các điều kiện cuối cùng trước khi sáp nhập, với mục tiêu cuối cùng là niêm yết công ty hợp nhất ở cả Jakarta (Indonesia) và Mỹ.

Grab đang đàm phán về việc niêm yết cổ phiếu thông qua thương vụ sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Thương vụ này có thể đưa giá trị Grab lên gần 40 tỷ USD. Grab được định giá khoảng 15 tỷ USD sau vòng gọi vốn gần đây nhất vào tháng 10/2019.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục