Nhóm cổ phiếu blue-chips có sự giằng co khá quyết liệt, tuy nhiên, sắc xanh của những cổ phiếu như VNM, MSN, BMP, PPC… chưa đủ để đối trọng lại sự điều chỉnh của những cổ phiếu còn lại, đặc biệt là các mã ngành tài chính như BVH, BID, CTG, SSI, hay ngành dầu khí như GAS, PVD.
Thông tin số lượng giàn khoan tại Mỹ tăng lên đã gây tác động tiêu cực lên giá dầu thô thế giới, khiến giá của loại vàng đen này điều chỉnh giảm khá mạnh sau khi chạm ngưỡng kháng cự gần 42 USD/thùng. Nhóm cổ phiếu dầu khí dù đóng vai trò tích cực trong việc dẫn dắt nhịp tăng điểm vừa qua của thị trường, nhưng đà tăng có dấu hiệu suy yếu trong những phiên gần đây, do vậy, không đi ngược lại xu hướng giảm chung của thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Khi VN-Index vẫn đang dao động trong biên độ 570 - 580 điểm và không cho tín hiệu xu hướng rõ ràng, dòng tiền đầu cơ đã chảy mạnh vào một số cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu ngành ô tô gồm HAX, TMT, HTL, SVC, nhóm cổ phiếu nhiệt điện gồm NT2, PPC, BTP và nhóm cổ phiếu khoáng sản gồm BMC, KSB, FCM, BGM thu hút được sự chú ý khi diễn biến giá của các nhóm cổ phiếu này tích cực hơn thị trường chung và khối lượng giao dịch tăng đột biến. Ngoài ra, một số cổ phiếu trên sàn UPCoM cũng đã tăng giá khá mạnh, một vài cổ phiếu liên tục tăng trần, tiêu biểu như VEF, SWC, GEX, MSR, VGC.
Như chúng tôi đã đề cập, sự trỗi dậy của các cổ phiếu đầu cơ trong khi động lực tăng nhóm cổ phiếu dẫn dắt đã suy yếu rất có thể là tín hiệu kết thúc sóng tăng điểm của thị trường kéo dài từ giữa tháng 1/2016 đến nay.
Không có nhiều thông tin vĩ mô trong nước và quốc tế quan trọng được công bố trong tuần qua để giúp thị trường định hình xu hướng. Do vậy, biến động ngắn hạn của VN-Index được xác lập một cách kỹ thuật theo quan hệ cung cầu.
Sau nỗ lực chinh phục ngưỡng kháng cự 580 điểm không thành công trong tuần trước đó để quay trở lại xu hướng giá lên, chỉ số sàn HOSE đã ghi nhận 5 phiên giảm điểm và 1 phiên tăng điểm xen kẽ, với nền tảng thanh khoản khá lớn.
Đây có vẻ như là cấu trúc cảnh báo cho sự giảm điểm tiếp theo của VN-Index, khi mà chỉ số này đã đóng cửa ở phía dưới tất cả các đường trung bình động ngắn hạn như MA5, MA10 và MA20 ngày để phát ra tín hiệu kỹ thuật tiêu cực cho xu hướng ngắn hạn. Chỉ báo RSI cũng đưa ra dấu hiệu phân kỳ âm và giảm xuống phía dưới ngưỡng hỗ trợ 70 từ vùng quá mua, góp phần củng cố cho sự suy yếu của xu hướng tăng trước đó.
Do vậy, chúng tôi dự báo, VN-Index nhiều khả năng có xu hướng giảm điểm trong những phiên giao dịch tới và có thể kiểm tra ngưỡng hỗ trợ của đường trung bình động MA50 ngày đang nằm tại 558 - 560 điểm.