Cổ phiếu bất động sản “lội” ngược dòng
Các chỉ số chứng khoán trong những phiên giao dịch vừa qua nằm trong xu hướng giảm điểm. Tính từ thời điểm Thông tư 36/2014/TT-NHNN được ban hành (ngày 20/11) cho đến nay, VN-Index đã giảm 3,4% giá trị, rơi xuống phía dưới ngưỡng hỗ trợ cho xu hướng tăng trưởng trung hạn, nằm tại vùng 582 - 585 điểm. Các chỉ số chứng khoán khác như VN30, HNX-Index ghi nhận mức giảm lần lượt 2,1% và 2,7%.
Chúng tôi cho rằng, những dữ liệu kinh tế vĩ mô trong 1 - 2 tuần gần đây vẫn tương đối tích cực, thể hiện ở diễn biến giảm của giá xăng dầu, cũng như lãi suất huy động kỳ hạn ngắn ở các ngân hàng thương mại. Do đó, TTCK giảm điểm chủ yếu do nhà đầu tư lo ngại tác động tiêu cực của Thông tư 36 nói trên đến xu hướng trung hạn của thị trường.
Trong nhịp sụt giảm lần này, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình tăng “nóng” trong giai đoạn vừa qua điều chỉnh giảm khá mạnh. Những cổ phiếu như VIX, GTN, VHG, KLF, FIT… có mức giảm trung bình từ 15 - 20%, thậm chí có cổ phiếu giảm hơn 50% giá trị so với mức giá cao nhất.
Tuy vậy, thị trường vẫn xuất hiện những cổ phiếu đi ngược xu hướng chung. Ngày 25/11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó mở rộng điều kiện và đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Chúng tôi đánh giá, đây là một bước tiến rõ rệt so với Luật Nhà ở năm 2005, sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, giải quyết một phần hàng tồn kho và nợ xấu bất động sản hiện nay. Nhóm cổ phiếu bất động sản như DIG, NTL, SJS, DXG, SCR, VRC… đã phản ứng khá tích cực với thông tin này và là những điểm sáng của hai sàn HOSE và HNX trong bức tranh giảm điểm của thị trường.
Tuy nhiên, Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015 và tác động tích cực của nó đến thị trường bất động sản mang tính chất dài hạn. Do đó, chúng tôi cho rằng, sự phản ứng của nhóm cổ phiếu bất động sản trong những phiên gần đây mang tính chất tức thời và chưa thể tạo ra xu hướng. Trong trường hợp TTCK kéo dài xu hướng điều chỉnh giảm thì sớm hay muộn, nhóm cổ phiếu này cũng sẽ bị cuốn theo xu hướng chung của thị trường.
Trên thực tế, xu hướng tăng điểm trung hạn của thị trường đang có dấu hiệu bị phá vỡ với ngưỡng kháng cự hiện tại đối với chỉ số VN-Index là vùng 582 - 585 điểm, tạo bởi đường trung bình động 200 ngày (MA200). Trong ngắn hạn, VN-Index có thể sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ tại 560 điểm.
VN-Index có thể hồi phục từ vùng hỗ trợ 560 điểm
Sau khi phá vỡ vùng hỗ trợ 582 - 585 điểm, VN-Index đã có hai phiên giảm điểm liên tiếp; đặc biệt, trên đồ thị phân tích kỹ thuật, phiên giảm điểm ngày 26/11 diễn ra với một nến đen dài và khối lượng giao dịch lớn cho thấy lực break-out ra khỏi vùng hỗ trợ của chỉ số rất mạnh mẽ. Trong phiên ngày hôm qua (27/11), VN-Index đã có thời điểm tiến gần vùng hỗ trợ tiếp theo tại 560 điểm khi ghi nhận mức điểm thấp nhất trong phiên tại 567,36 điểm, trước khi phục hồi trở lại và đóng cửa tại 572,89 điểm.
Chúng tôi đánh giá, ngưỡng hỗ trợ tại vùng 560 điểm là khá mạnh. Ngưỡng này được hình thành bởi cận dưới của kênh xuống giá của chỉ số, kéo dài từ tháng 9/2014 cho tới nay (xem đồ thị); đồng thời là vùng hỗ trợ của đường trung bình động 300 ngày (MA300). Đáng chú ý, MA300 chính là đường trung bình động đã chặn đà giảm điểm của VN-Index sau “sự kiện Biển Đông” hồi tháng 5/2014. Cùng với việc VN-Index giảm điểm khá nhanh trong thời gian gần đây và rơi vào vùng quá bán, chúng tôi cho rằng, khả năng tăng điểm trở lại của chỉ số từ vùng 560 điểm này là khá lớn.
Thị trường đã hồi phục trở lại vào cuối phiên hôm qua và hình thành nên một nến dạng Hammer, phản ánh lực cầu tham gia bắt đáy sớm của nhà đầu tư khi chỉ số tiến gần vùng hỗ trợ. Chúng tôi quan sát thấy các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình phục hồi tốt hơn nhóm vốn hóa lớn, cho thấy dòng tiền đầu cơ của thị trường vẫn đang hoạt động khá tích cực. Đây là tín hiệu phục hồi ban đầu của VN-Index. Tuy vậy, chúng tôi dự báo, chỉ số sàn HOSE nhiều khả năng diễn ra một nhịp giảm nữa vào đầu tuần tới để kiểm tra lại vùng hỗ trợ 560 điểm.