Thị trường trái phiếu Việt Nam là giấc mơ của người Thái

(ĐTCK) Là một trong những nhân sự chủ chốt tạo dựng Sở GDCK Hà Nội (HNX), bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Chủ tịch HNX được biết đến là người thể hiện và lan tỏa tư duy kết nối trong công tác xây dựng thị trường. Bà Lan cho hay, nhờ đặt mình vào vị trí của các thành viên, của “người khác” mà các sản phẩm của HNX dễ được đón nhận, không gặp nhiều vướng mắc khi vận hành.
Một trong những hoạt động gắn kết các chủ thể trên TTCK là thực hiện Cuộc bình chọn báo cáo thường niên tốt nhất, khích lệ các doanh nghiệp niêm yết minh bạch hơn Một trong những hoạt động gắn kết các chủ thể trên TTCK là thực hiện Cuộc bình chọn báo cáo thường niên tốt nhất, khích lệ các doanh nghiệp niêm yết minh bạch hơn

20 năm xây dựng ngành chứng khoán, bên cạnh nhiều dấu ấn đáng nhớ thì sự phát triển của thị trường trái phiếu là một dấu ấn đẹp trong nền kinh tế Việt Nam. Là người trực tiếp chỉ đạo thị trường này tại HNX, bà đã làm cách nào để giúp thị trường trái phiếu hoạt động suôn sẻ và hiệu quả? Dường như các thành viên, Sở và nhà quản lý luôn có sự ấm áp và chia sẻ trong các hoạt động liên quan đến thị trường?

Thị trường trái phiếu chính phủ là sản phẩm của một tập thể. Trước hết, tôi cho rằng, thành công của thị trường này nằm ở định hướng đúng đắn của Bộ Tài chính và UBCK.

Thực tế, khi bắt tay xây dựng, có rất nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người dựa theo kinh nghiệm quốc tế phản đối chúng tôi và cho rằng chẳng có ở đâu tổ chức thị trường trái phiếu tập trung ở Sở GDCK như vậy cả. Tuy nhiên, chúng tôi đã kiên định làm theo cách mà chúng tôi cho rằng phù hợp nhất với Việt Nam và mới đây, khi tổ chức cuộc họp Tổng giám đốc các sở GDCK trong ASEAN tại Hà Nội (tháng 10/2016), nhiều lãnh đạo sở bạn đã hỏi HNX kinh nghiệm tổ chức thị trường trái phiếu chính phủ. Thậm chí, Thái Lan gọi đó là giấc mơ của họ.

Chúng ta ý thức rằng không thể quá tự mãn bởi thị trường còn rất nhỏ, nhưng có thể nói, từng bước đi của Sở đã thể hiện được tư duy thông thoáng, cách đi chậm mà chắc chắn. 

Còn về những mắt xích kết nối thị trường thì sao, thưa bà?

Về câu chuyện kết nối, để kết nối được luôn cần nỗ lực từ hai phía. Trong tư duy tổ chức thị trường của HNX, việc tổ chức thị trường không phải hướng đến lợi ích của HNX, mà là của các thành viên, nhà phát hành, tổ chức trung gian và các nhà đầu tư phải được hưởng lợi.

Chính nhờ tư duy này mà từ khi thiết kế hệ thống cho đến khi thiết kế sản phẩm, thậm chí khi mới là ý tưởng về xây dựng thị trường, chúng tôi đều đưa ra lấy ý kiến, để phát huy trí tuệ tập thể. Khi các thành viên thị trường cùng góp sức và hưởng ứng, việc vận hành sẽ không gặp nhiều vướng mắc nữa.

Về phía cơ quan quản lý, sự kết nối với chúng tôi là rõ ràng khi thông tin luôn cập nhật. Rõ ràng, hiệu quả thị trường được nhìn thấy không chỉ ở giao dịch, phát hành mà hiệu quả cả về mặt thông tin.

Khi thị trường trở thành nơi thông tin đầy đủ minh bạch và cung cấp lại cho  cơ quan quản lý để phía này điều hành chính sách vĩ mô, do đó cơ quan quản lý càng kết nối với HNX và coi đây là nơi đưa ra thông tin thị trường đầy đủ. Chính vì vậy, cơ quan quản lý và tổ chức phát hành rất hỗ trợ cho HNX.

Dấu mốc 20 năm ngành chứng khoán năm nay thật đặc biệt khi TTCK bước sang tuổi 21, TTCK sẽ có nhiều diễn biến mới: TTCK phái sinh khai mở, sở GDCK sẽ hợp nhất về một mối... Bà cảm nhận như thế nào về tương lai thị trường?

Về câu chuyện hợp nhất hai sở, tôi hoàn toàn ủng hộ và cho rằng, đây là việc đương nhiên phải làm, nếu nghĩ đến mục tiêu chung về một thị trường chứng khoán phát triển chiến lược, phục vụ cho lợi ích quốc gia.

Bản thân tôi luôn cảm nhận rằng, dù có không hợp nhất, trong mọi việc chung về cơ chế, tình cảm, hai sở như là anh em trong một nhà, chia sẻ và giúp sức xây TTCK Việt Nam.  

Đối với sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh, đây là bước đi để hoàn thiện cấu trúc đầy đủ của một thị trường chứng khoán theo đúng trụ cột là cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh.

Phái sinh trước hết là sản phẩm tài chính, chứng khoán, nhưng chắc chắn sau này trên nền đó, chúng ta còn phát triển được rất nhiều sản phẩm khác về phái sinh hàng hóa. Đặc biệt, khi Việt Nam có nhiều sản phẩm lợi thế, đặc trưng như café, hạt tiêu, điều, gạo…

Chắc chắn chúng ta sẽ phải học hỏi rất nhiều, nhưng kinh nghiệm tạo dựng thị trường từ những gì sơ khởi, tôi có niềm tin chắc chắn chúng ta sẽ thành công. 

Trong công việc, bà thường vượt qua áp lực bằng cách nào khi thực tế nhiều mảng việc bà đang phụ trách đều mới, khó và phức tạp?

Triết lý sống hay có thể gọi là điểm tựa tinh thần đơn giản đến từ suy nghĩ “tôi muốn cuộc sống của mình có ý nghĩa”. Trong những giai đoạn khó khăn, tôi không nghĩ cho lợi ích của bản thân. Không lẩn quẩn với những mục tiêu cá nhân giúp tôi giải quyết mọi việc dễ dàng hơn.

Một động lực khác là tôi nghĩ mình cần cố gắng vì việc chung, vì mọi người. Nhiều lúc đón nhận những nụ cười, chứng kiến niềm hạnh phúc của các nhân sự trẻ, những thế hệ sẽ viết tiếp tương lai của TTCK Việt Nam, tôi cũng thấy đó như một động lực giúp tôi vượt qua áp lực, cân bằng công việc với cuộc sống. 


Theo Đặc san 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục