Triển vọng xây dựng thị trường vốn ASEAN vững mạnh

(ĐTCK) Tuyên bố hòa hợp ASEAN từ năm 2003 đã đặt ra mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN hội nhập và gắn bó. Liên quan đến thị trường vốn, từ năm 2009, lãnh đạo các thành viên ASEAN đã thống nhất rằng, các thị trường ASEAN cần hợp tác, sánh ngang với các thị trường phát triển, để thu hút nhà đầu tư, các tổ chức phát hành xem xét và lựa chọn các thị trường trong ASEAN.
Nhiệm vụ chung của các sở giao dịch chứng khoán trong ASEAN là xây dựng thị trường vốn khu vực vững mạnh hơn thông qua tăng trưởng, sáng kiến, hợp tác và nắm bắt tính đa dạng của các thị trường nội khối. Trong ảnh: lãnh đạo các sở giao dịch chứng khoán và công ty chứng khoán ASEAN hội tụ tại Hà Nội, tháng 10/2016  Nhiệm vụ chung của các sở giao dịch chứng khoán trong ASEAN là xây dựng thị trường vốn khu vực vững mạnh hơn thông qua tăng trưởng, sáng kiến, hợp tác và nắm bắt tính đa dạng của các thị trường nội khối. Trong ảnh: lãnh đạo các sở giao dịch chứng khoán và công ty chứng khoán ASEAN hội tụ tại Hà Nội, tháng 10/2016

Xin giới thiệu bài viết của bà Ong Li Lee, đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Malaysia quanh câu chuyện về xây dựng thị trường vốn ASEAN. Bài viết được bà chia sẻ trong cuộc họp Tổng giám đốc các sở giao dịch chứng khoán ASEAN tháng 10/2016 tại Hà Nội.

Một ASEAN kết nối trong tầm nhìn dài hạn

Với mức tăng trưởng thực tế hàng năm trung bình đạt 5,2%, giai đoạn 2007-2015, nền kinh tế ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và thứ 3 tại châu Á trong năm 2015. Về thương mại, tổng giá trị thương mại gia tăng 700 tỷ USD giai đoạn 2007-2015, trong đó thương mại nội khối trong ASEAN chiếm phần lớn nhất trong tổng giá trị thương mại.

Về đầu tư, năm 2015, ASEAN thu hút 120 tỷ USD tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dòng vốn nội khối ASEAN đóng góp nhiều nhất vào tổng vốn đầu tư FDI. ASEAN cũng là là khu vực có dân số đông thứ ba thế giới với hơn một nửa số dân dưới độ tuổi 30 và 47,7% sống tại khu vực thành thị.

Năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN đã chính thức tuyên bố thành lập, với sứ mệnh tạo nên một ASEAN cạnh tranh, sáng tạo, năng động. Một ASEAN tăng cường kết nối và hợp tác trên các lĩnh vực và một ASEAN gắn kết, bao hàm đầy đủ và hướng tới cộng đồng.

Tuyên bố này là kết quả của hàng loạt sáng kiến kết nối các nền kinh tế ASEAN, mà khởi điểm là Tuyên bố hòa hợp ASEAN từ năm 2003 khi xác định sẽ xây dựng một cộng đồng kinh tế chung, một ASEAN toàn cầu trong tầm nhìn đến 2020.

Triển vọng xây dựng thị trường vốn ASEAN vững mạnh ảnh 1

Bà Ong Li Lee, Sở Giao dịch Chứng khoán Malaysia

Liên quan đến thị trường vốn, năm 2009, Chủ tịch Diễn đàn thị trường vốn ASEAN, ông Thirachai Phuvanatnaranubala (Thái Lan) đã chia sẻ một quan điểm, các thị trường vốn ASEAN riêng lẻ là các thị trường quy mô nhỏ, phạm vi sản phẩm và dịch vụ hạn chế, tương đối thiếu thanh khoản, chi phí giao dịch cao và chênh lệch lớn giữa lợi suất đầu tư cổ phiếu so với lãi suất phi rủi ro, do khối lượng giao dịch bị phân lẻ. Các thị trường ASEAN cần hợp tác, sánh ngang với các thị trường phát triển, để thu hút nhà đầu tư, các tổ chức phát hành xem xét và lựa chọn các thị trường trong ASEAN.

Tại sao phải hình thành thị trường vốn ASEAN? Thực tế, mục tiêu này hướng đến 5 lợi ích chính. Với quốc gia, hình thành thị trường vốn chung sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế, tăng cả bề rộng và chiều sâu cho thị trường vốn và đa dạng nguồn cung tài chính, các kênh đầu tư, cơ sở nhà đầu tư. Với nhà đầu tư, họ có cơ hội cao hơn khi thị trường chung sẽ thúc đẩy các sáng kiến gia tăng sản phẩm và dịch vụ.

Cùng với đó, chi phí dịch vụ tài chính thấp hơn trong môi trường cạnh tranh và lợi thế nền kinh tế quy mô. Với tổ chức phát hành, đối tượng cần huy động vốn, việc có một thị trường chung ASEAN rõ ràng sẽ mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng khả năng tiếp cận gọi vốn cho tổ chức phát hành. Cùng với đó, quá trình hài hòa các tiêu chuẩn phát hành có thể giúp giảm thiểu rõ rệt những chi phí và gánh nặng hành chính.

Với tổ chức trung gian như khối công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, thị trường vốn ASEAN hình thành sẽ cung cấp dịch vụ chung chuyển vốn cho cơ sở nhà đầu tư lớn hơn, cung cấp dịch vụ cải tiến với chi phí cạnh trạnh, giúp các tổ chức này có cơ hội mở rộng thị trường khai thác. Với Chính phủ và nhà quản lý, khi thị trường vốn ASEAN được kết nối, sẽ giúp phân bổ dòng vốn tiết kiệm cho đầu tư hiệu quả hơn, dễ dàng hơn, với chi phí thấp hơn khi các rào cản được dỡ bỏ.

Trên bình diện khu vực ASEAN, việc hình thành thị trường vốn chung sẽ giúp gia tăng tính cạnh tranh toàn cầu của các thị trường ASEAN với các khu vực khác, đồng thời thúc đẩy tiến độ hội nhập của các thị trường vốn kém phát triển trong khu vực, để tiến tới một mặt bằng chung.

Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, việc kết nối, xây dựng thị trường vốn ASEAN cũng gặp không ít thách thức. Thách thức đầu tiên đến từ mức độ phát triển kinh tế và thị trường giữa các thị trường trong ASEAN là khác nhau, cùng với đó ưu tiên của các sở trong ASEAN hướng tới hội nhập khác nhau. Thứ hai, thực tế, các sở giao dịch ASEAN có cơ cấu tổ chức còn “lỏng lẻo”, kỳ vọng khác nhau khi tham gia Diễn đàn thị trường vốn khu vực.

Thứ ba, ngôn ngữ cũng như cách thống kê không đồng đều giữa các sàn giao dịch tại ASEAN gây khó khăn trong theo dõi tình hình thị trường. Cùng với đó, sự sự sẵn sàng của các tổ chức trung gian còn thấp, nhất là tại các nền kinh tế đang phát triển, khiến câu chuyện kết nối thị trường vốn ASEAN vẫn là một triển vọng đẹp, nhưng không dễ thực thi.

Hợp tác Sở Giao dịch chứng khoán ASEAN – khát vọng  xây thị trường vốn khu vực

Trong tầm nhìn trở thành một thị trường chung ASEAN, nhiệm vụ chung của các sở giao dịch chứng khoán là xây dựng thị trường vốn ASEAN vững mạnh hơn thông qua tăng trưởng, sáng kiến, hợp tác và nắm bắt tính đa dạng của các thị trường nội khối.

Để thực thi được, chiến lược chung được đặt ra là các sở giao dịch chứng khoán ASEAN sẽ phối hợp với các đối tác xuất sắc nhất trong từng lĩnh vực trên toàn cầu để gia tăng tính thanh khoản cho các thành viên.

Mục tiêu này sẽ đạt được thông qua tiếp cận thông suốt trong nội bộ khối ASEAN, giảm chi phí đồng bộ hóa các tiêu chuẩn phân định biên giới thị trường, tạo ra những sản phẩm tập trung của thị trường ASEAN và ứng dụng những sáng tạo thúc đầy quảng bá đã được đặt làm mục tiêu. Trên hết, việc cải thiện tính hiệu quả giữa các sở thành viên sẽ là nguyên lý hiện thực hóa các mối quan hệ hợp tác và thực hiện dự án.

Trong bước đầu tiến tới tạo dựng thị trường chung, nguyên tắc thực thi cần được thống nhất và phối hợp giữa các sở giao dịch chứng khoán là tạo ra những sản phẩm tập trung ASEAN, thực hiện hợp tác xuyên biên giới, thực thi các chính sách quảng bá mục tiêu và xây dựng văn hóa sáng tạo mới.

Thực tế, các nỗ lực này đang được tiến hành dần qua từng năm, với một số thành quả cơ bản. Đầu tiên, các sở đã thống nhất ra mắt bộ chỉ số mới FTSE ASEAN Index series (ASEAN All Share Index; ASEAN All Share Ex-Developed; các chỉ số ngành ASEAN như ngành tài chính, ngành xăng dầu, ngành xây dựng, hàng tiêu dùng…).

Thứ đến, các sở đã cải tạo mới website www.aseanexchanges.org (năm 2015) và thực hiện đến lần thứ ba việc kết nối các công ty chứng khoán trong khu vực (ASEAN Broker Networking). Lần kết nối thứ nhất năm 2011 thu hút 147 công ty chứng khoán đến từ 5 quốc gia (Malaysia, Việt Nam, Singapore, Philippines và Thái Lan) tham gia.

Lần thứ hai tại Bali vào năm 2015 với 116 công ty đến từ 6 quốc gia (Malaysia, Việt Nam, Singapore, Philippines, Thái Lan và Indonesia) tham gia.

Lần thứ ba tổ chức tại Việt Nam năm 2016, với khoảng 100 công ty chứng khoán đến từ 9 quốc gia (Malaysia, Việt Nam, Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia...) tham gia.

Những kết nối từ công ty chứng khoán có vai trò quan trọng trong tạo nên triển vọng hợp tác, kết nối thị trường vốn ASEAN.

Trên con đường xây dựng thị trường vốn khu vực, trong tương lai, các sự kiện Invest ASEAN cần tiếp tục tổ chức trong khối và ngoài khối ASEAN. Cùng với đó, cần cung cấp sàn kết nối thường xuyên đào tạo thành viên giao dịch, hướng đến mục tiêu thúc đẩy ASEAN như một phân lớp tài sản đối với nhà đầu tư ngoài khu vực ASEAN. Các sở giao dịch chứng khoán ASEAN cân nhắc kết hợp với tổ chức xây dựng chỉ số, xây dựng thêm các sản phẩm tài chính trong ASEAN mở rộng tới tầm toàn cầu. 

Ong Li Lee, Sở Giao dịch Chứng khoán Malaysia
Đặc san 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục