Ông nhận định như thế nào về thị trường trái phiếu năm 2014?
Nhìn chung, thị trường trái phiếu trong năm nay có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển mạnh hơn, hiệu quả hơn vì một số lý do. Thứ nhất, Chính phủ kiên định thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Với những kết quả bước đầu tích cực trong năm 2013, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào triển vọng dài hạn của nền kinh tế sẽ từng bước được củng cố, qua đó tích cực tham gia đầu tư trái phiếu.
Thứ hai, với kế hoạch bội chi ngân sách năm 2014 là 5,3% GDP, dự báo Chính phủ sẽ tiếp tục sử dụng kênh phát hành trái phiếu chính phủ để huy động vốn và tạo ra nguồn hàng hóa ổn định cho thị trường giao dịch và phát triển.
Thứ ba, việc tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định 261 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về lộ trình phát triển thị trường trái phiếu chính phủ đến năm 2020 sẽ tạo ra sự hợp tác tốt hơn, hiệu quả hơn giữa các cơ quan quản lý và các thành viên thị trường, tạo sự thay đổi về chất của thị trường.
Với tình hình vĩ mô ổn định, theo ông, liệu trong năm nay có một đợt cắt giảm lãi suất nữa hay không?
Gần đây nhất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã phát biểu trên báo chí rằng, nếu điều kiện thuận lợi thì lãi suất cho vay có thể cắt giảm 1 - 2%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động có thể duy trì ổn định ở mức hiện tại. Như vậy, với tình hình các yếu tố vĩ mô đều ổn định như hiện tại (lạm phát của tháng 1 chỉ tăng bằng một nửa so với mức tăng cùng kỳ năm ngoái, cán cân thương mại vẫn thặng dư...), thì khả năng lãi suất được điều chỉnh xuống mức thấp hơn để thúc đẩy nền kinh tế là có thể tính đến.
Nếu lạm phát trong 5 tháng đầu năm tiếp tục được kiểm soát và diễn biến ở mức thấp hợp lý, thì mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm.
Vậy có yếu tố rủi ro nào cho hoạt động kinh doanh trái phiếu?
Nếu tốc độ phục hồi kinh tế quốc tế và trong nước tăng nhanh hơn dự báo, bội chi ngân sách lên mức 5,3% GDP, giảm dần trợ giá các mặt hàng thiết yếu... thì có thể tạo áp lực lên lạm phát và tác động đến giá trái phiếu.
Năm nay, thị trường trái phiếu sẽ có sản phẩm nào mới, theo ông?
Theo tôi được biết, trong năm nay, có thể trái phiếu không lãi suất (zero coupon bond) sẽ được đưa vào vận hành. Ngoài ra, tôi vừa được làm việc với Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tại buổi gặp mặt đối thoại thị trường đầu năm do VBMA và Sở GDCK Hà Nội tổ chức ngày 10/2. Các cơ quan quản lý dự kiến, trong năm 2014 sẽ trình Chính phủ nghị định về các sản phẩm chứng khoán phái sinh, trong đó có các sản phẩm của thị trường trái phiếu. Nếu dự thảo Nghị định được phê duyệt thì đến năm 2015 hoặc 2016, các sản phẩm này sẽ được đưa vào áp dụng.
Đáng chú ý, trong buổi làm việc này, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng phát biểu “không nói không với các sản phẩm mới ở thời điểm này” và nêu quan điểm là có thể xem xét cho triển khai thí điểm một số sản phẩm trước khi Nghị định ra đời. Nếu các cơ quan quản lý đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, triển khai thì chúng tôi hy vọng có thể thí điểm một hoặc hai sản phẩm giao dịch trái phiếu phái sinh vào nửa cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015.
Về trái phiếu doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về nhu cầu đối với thị trường này?
Năm nay, có những yếu tố thuận lợi cho việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp: quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những kết quả nhất định; khối doanh nghiệp trải qua quá trình sàng lọc và nhiều doanh nghiệp tự nâng cao chất lượng hoạt động; các ngân hàng có nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm đầu tư.
Trong bối cảnh đó, nhu cầu đầu tư sẽ tập trung vào trái phiếu của những doanh nghiệp có khả năng vượt qua khủng hoảng. Bản thân những doanh nghiệp này có mức độ tín nhiệm tốt, nên khi phân loại nợ, trái phiếu của những doanh nghiệp này cũng sẽ không ảnh hưởng tiêu cực tới công cuộc xử lý nợ xấu hiện tại của các ngân hàng.