Thị trường trái phiếu, nỗ lực "cứu" niềm tin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần qua, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng như đơn vị trung gian đã có các buổi trao đổi, chia sẻ với nhà đầu tư để cung cấp thêm thông tin về hoạt động doanh nghiệp.
Để thị trường trái phiếu dần ổn định trở lại, cần nhiều nỗ lực của các bên liên quan. Để thị trường trái phiếu dần ổn định trở lại, cần nhiều nỗ lực của các bên liên quan.

Nỗ lực của các bên liên quan

Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Trung Nam Group đã xuất hiện trong cuộc gặp với các nhà đầu tư do Công ty Chứng khoán VNDirect tổ chức. Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, có nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tham gia, đồng nghĩa với nhu cầu tìm hiểu, cập nhật thông tin rất lớn ở các nhà đầu tư trước thông tin đồn đoán trên thị trường rằng Trung Nam Group đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán nghĩa vụ trái phiếu.

Theo ông Thịnh, Trung Nam hiện sở hữu 14 nhà máy điện, tổng sản lượng phát điện lên lưới đạt 4,3 tỷ kWh/năm. Trong 1,6 GW mà Tập đoàn đang vận hành, điện gió chiếm 700 MW, thủy điện chiếm 120 MW, còn lại là điện mặt trời.

Thông tin ồn ào về dòng tiền của Trung Nam xuất phát từ việc Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam vận hành nhà máy 450 MW bị cắt khai thác 40% sản lượng từ 1/9/2022 do chưa có giá điện với EVN. Đây là phần công suất ngoài 2.000 MW tại tỉnh Ninh Thuận (được hưởng giá FIT theo Quyết định 13/2020 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời).

Trước đó, EVN vẫn huy động và ghi nhận sản lượng điện của 172 MW này, chờ đến khi có giá điện được phê duyệt. Trung Nam đã kiến nghị cơ quan quản lý cho phép tiếp tục huy động phần công suất trên.

Ông Thịnh kỳ vọng, Thông tư 15 quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp do Bộ Công thương ban hành có hiệu lực từ ngày 25/11/2022 sẽ là cơ sở để các bên đàm phán giá thành điện cho 172 MW trên.

Theo thống kê, các thành viên thuộc Trung Nam Group đã huy động khoảng 26.100 tỷ đồng từ kênh trái phiếu từ tháng 5/2021-10/2022. Trong đó, 10.250 tỷ đồng trái phiếu của Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đăk Lăk thuộc Trung Nam Group là thương vụ tư vấn phát hành trái phiếu lớn nhất năm 2021 của Công ty Chứng khoán VNDirect. Đây là trái phiếu có tài sản đảm bảo, lãi suất 11,5%/năm, kỳ hạn 13 năm.

Trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư về việc riêng tiền lãi trái phiếu hàng năm lên tới 2.800 tỷ đồng có “quá sức” với Trung Nam Group, ông Thịnh cho biết, với dòng tiền bán điện thu về đều đặn 8.000 tỷ đồng/năm, chưa kể Tập đoàn còn có các nguồn thu khác, Trung Nam Group hoàn toàn đảm bảo các nghĩa vụ nợ.

Với góc nhìn của một tổ chức kinh doanh vốn, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch VNDirect cho rằng, trái phiếu Trung Nam với dòng tiền đều đặn thu từ điện, lãi suất và kỳ hạn như trên là sản phẩm hấp dẫn. Nhiều ngân hàng thương mại lớn đã mua tới 8.600 tỷ đồng trên 10.250 tỷ đồng của đợt phát hành.

Ông Thịnh cũng chia sẻ về thương vụ gọi vốn quốc tế đang triển khai, kỳ vọng sẽ chốt được trong quý I/2023.

Nhiều tập đoàn khác như Bitexco, Novaland, Hưng Thịnh… cũng có các buổi trao đổi với nhà đầu tư hoặc bố trí nhân sự trực tại trụ sở, chi nhánh để cung cấp thông tin, ghi nhận nhu cầu và trao đổi với nhà đầu tư.

Gần đây, SCB ra thông báo về việc Ngân hàng sẽ phối hợp với Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người mua trái phiếu. Theo đó, SCB cho biết, Ngân hàng đã giới thiệu đến các khách hàng có nhu cầu sản phẩm trái phiếu do TVSI là đại lý lưu ký, thanh toán.

Tại thời điểm giới thiệu, hồ sơ các mã trái phiếu doanh nghiệp trên đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép lưu hành và chào bán cho các nhà đầu tư riêng lẻ theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP, Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

SCB cho biết, Ngân hàng đang phối hợp với TVSI yêu cầu tổ chức phát hành thanh toán đầy đủ gốc, lãi khi đến hạn thanh toán cho nhà đầu tư và mở lại các giao dịch mua - bán để nhà đầu tư tự do chuyển nhượng theo nhu cầu.

Hiện nay, dưới sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan, ban ngành, hoạt động của SCB đã ổn định trở lại. Đồng thời, Ngân hàng đã có sự thay đổi về lãnh đạo cấp cao theo chủ trương từ Ngân hàng Nhà nước, nhằm hạn chế rủi ro và đảm bảo hoạt động của Ngân hàng an toàn và phát triển bền vững.

Chèo chống giữ niềm tin

Nỗ lực giải quyết những vấn đề của thị trường trái phiếu, theo ông Donald Lambert, chuyên gia kinh tế chính về phát triển khu vực tư nhân của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), là hết sức cần thiết, với cả nền kinh tế và các doanh nghiệp.

“Nếu doanh nghiệp cho thấy đang gặp nhiều trục trặc trên thị trường trái phiếu, bạn sẽ đánh mất niềm tin của các nhà đầu tư. Tại thời điểm đó, các tập đoàn sẽ mất đi một công cụ thực sự mạnh mẽ để huy động vốn chi phí thấp trong dài hạn. Giờ đây, họ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào ngân hàng và vốn chủ sở hữu, vốn là những hình thức vốn đắt đỏ hơn. Và khi chi phí vốn tăng lên, tăng trưởng kinh tế đi xuống”, ông Donald Lambert nhận xét.

Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu mà các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 200.000 tỷ đồng.

Với những doanh nghiệp lớn, không chỉ là chuyện niềm tin trên thị trường vốn mà phản ứng dây chuyền còn có thể tệ hại hơn. Đó là mất niềm tin vào sản phẩm, dịch vụ và năng lực hoạt động của doanh nghiệp. Bởi vậy, đảm bảo trả lãi và gốc đầy đủ cho các lô trái phiếu đang là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Đây cũng là dịp thể hiện năng lực tài chính vững mạnh ở những doanh nghiệp có khả năng mua lại trái phiếu trước hạn.

Nhiều nhà đầu tư đã nhận thông báo mua lại trái phiếu từ tổ chức phát hành. Đơn cử, Công ty cổ phần Năng lượng Thiên Niên Kỷ mới công bố mua lại 400.000 trái phiếu. Giá mua lại trái phiếu bằng tổng mệnh giá trái phiếu, các khoản lãi và tất cả các khoản tiền khác phát sinh nhưng chưa được thanh toán trên trái phiếu tính đến ngày mua lại trước hạn. Ngày mua lại từ 11/11/2022 đến ngày 18/11/2022, ngày chốt danh sách người sở hữu trái phiếu vào 27/10/2022.

Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu mà các doanh nghiệp mua lại đạt gần 200.000 tỷ đồng.

Nhìn nhận về thực tế thị trường trái phiếu hiện nay, giới chuyên gia cho rằng, cần nỗ lực của nhiều bên liên quan để thị trường có thể phát triển lành mạnh, bền vững hơn. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, cần phân loại trái phiếu thành các nhóm khác nhau để có đánh giá và ứng xử phù hợp.

Những giải pháp mang tính tổng thể và định hướng từ cơ quan quản lý cũng đóng vai trò quan trọng, thay vì để doanh nghiệp và nhà đầu tư loay hoay tháo gỡ. Kinh nghiệm từ các thị trường đi trước như Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ là những bài học tham khảo đáng chú ý.

Thủy Nguyễn – Trang Nhung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục