Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Kết hợp xây và chống

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động tăng cường kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ giúp thị trường này minh bạch hơn để tiếp tục phát triển bền vững.
Nhìn từ hiệu quả đầu tư, lãi suất trái phiếu 11 - 13,5%/năm có thể chấp nhận được nếu dự án có khả năng sinh lời cao. Nhìn từ hiệu quả đầu tư, lãi suất trái phiếu 11 - 13,5%/năm có thể chấp nhận được nếu dự án có khả năng sinh lời cao.

Nỗi lo với trái phiếu doanh nghiệp

Câu chuyện đáng chú ý gần đây trên thị trường trái phiếu là Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup và Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xử phạt về hành vi chào bán trái phiếu ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCK. Các hành vi này được xác định vi phạm quy định tại Điều 13, Luật Chứng khoán năm 2006 và Điều 16, Luật Chứng khoán năm 2019.

UBCK đang phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu để xem xét xử lý vụ việc đối với trường hợp của VsetGroup.

Ngoài việc bị xử phạt số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng, UBCK yêu cầu cả 2 doanh nghiệp phải thu hồi các trái phiếu phát hành và trả lại tiền cho các nhà đầu tư đã tham gia mua trái phiếu.

Không những vậy, UBCK đang phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) để xem xét xử lý vụ việc đối với trường hợp của VsetGroup.

Theo thống kê của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm 2021, tổng cộng có 826 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, với tổng giá trị đạt 495.000 tỷ đồng, bao gồm 803 đợt phát hành riêng lẻ và 23 đợt phát hành ra công chúng, 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế (tổng giá trị 1,425 tỷ USD).

Khối doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu với tổng giá trị phát hành 187.160 tỷ đồng, chiếm 38%. Trong đó, khoảng 30% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu, tỷ lệ này có xu hướng tăng lên so với tháng trước. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 4,5 - 13%/năm. Nhóm ngân hàng đứng ở vị trí thứ hai với tổng khối lượng phát hành 169.600 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, một nửa các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ không có tài sản đảm bảo (trong đó, trái phiếu do các tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán phát hành chiếm 76%), chỉ một số ít là có tài sản đảm bảo, chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, loại trái phiếu doanh nghiệp này có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế.

Với những trường hợp trái phiếu doanh nghiệp được đảm bảo bằng cổ phiếu, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinGroup cảnh báo, việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa nếu doanh nghiệp phát hành có hành vi vi phạm pháp luật hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, bởi giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành có nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm…

Đây là chỉ đạo nhằm ngăn chặn, phát hiện sớm những rủi ro, tránh đổ vỡ dây chuyền trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Kết hợp xây và chống

Trên thị trường, không ít trái phiếu doanh nghiệp đã và đang được chào bán với lãi suất/lợi suất ở mức gấp đôi lãi suất tiền gửi ngân hàng, nên thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, trước đây, khi thị trường thuận lợi, doanh nghiệp ăn nên làm ra, việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp không khiến nhà đầu tư phải tính toán quá nhiều.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đang khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, ảnh hưởng tới khả năng thanh toán lãi trái phiếu. Vì thế, cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp để hạn chế rủi ro.

Đồng tình quan điểm với ông Hiếu, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) cho rằng, gia tăng giám sát phát hành trái phiếu doanh nghiệp là rất cần thiết để giảm thiểu các rủi ro về dài hạn.

Tuy nhiên, việc đẩy mạnh các cơ chế giám sát và quản lý cũng cần song song với thực thi các quy định, quy trình xét duyệt hồ sơ phát hành để các chủ đầu tư linh hoạt trong huy động vốn dựa trên đánh giá hiệu quả kinh doanh.

Một thực tế cho thấy, trái phiếu là kênh hút vốn chủ động, thậm chí sáng tạo của các chủ đầu tư trong bối cảnh vốn tín dụng bất động sản bị kiểm soát chặt, dự án khó có thể ra mắt để đủ điều kiện bán sản phẩm hình thành trong tương lai nhằm hút vốn từ người mua nhà.

Đại diện một doanh nghiệp bất động sản cho biết, đa dạng hóa dòng vốn kinh doanh, giảm lệ thuộc vào vốn tín dụng là điều cơ quan quản lý từng kêu gọi ở các chủ đầu tư địa ốc. Hiện tại, kênh trái phiếu doanh nghiệp khiến cơ quan quản lý quan ngại về khả năng thanh toán khi khối lượng phát hành trái phiếu lớn và có lãi suất cao.

Nếu nhìn ở góc độ khác, đặc biệt khi so sánh với nguồn vốn tín dụng, có thể hiểu được lý do các doanh nghiệp chọn huy động vốn qua kênh trái phiếu. Lãi suất cho vay trung và dài hạn hiện nay từ 9 - 12%/năm, cộng thêm các chi phí khác có thể lên tới 15 - 16%/năm.

Không những thế, vay được vốn ngân hàng rất khó khăn, ngân hàng phải thẩm định toàn bộ hồ sơ dự án với yêu cầu về mức độ hoàn thiện pháp lý rất cao.

Trong khi đó, mức lãi suất phổ biến trong những đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp gần đây là 11 - 13,5%/năm, mặc dù cao so với mặt bằng chung, nhưng nhìn từ hiệu quả đầu tư một số dự án cụ thể là có thể chấp nhận được khi nguồn vốn huy động kịp thời. Khi những vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án chưa được giải quyết, thì việc doanh nghiệp cần dòng tiền nhanh, không phức tạp như vay ngân hàng nhằm tăng hiệu quả đầu tư được doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn.

“Nếu chậm trễ triển khai, khả năng bị cảnh báo, thậm chí thu hồi dự án là có thể xảy ra”, đại diện một doanh nghiệp phát hành trái phiếu chia sẻ.

Gần đây, việc “quả bom nợ” Evergrande tại Trung Quốc là nhân tố thổi bùng lên mối lo ngại trên thị trường trái phiếu địa ốc tại Việt Nam.

Dẫu vậy, dù có những điểm lo ngại đáng kể trên thị trường nhưng báo cáo gần đây của FiinGroup nhìn nhận, về tổng thể, tình trạng tài chính của các chủ đầu tư bất động sản dân cư đã niêm yết tại Việt Nam ở mức tốt hơn tương đối so với

Evergrande, với mức đòn bẩy tài chính thấp hơn, tỷ suất sinh lời cũng như khả năng luân chuyển hàng tồn kho tốt hơn.

Mặt khác, theo Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, việc so sánh Evergrande với các doanh nghiệp Việt Nam không thật sự phù hợp. Một trong những khác biệt có thể thấy rõ nhất là tỷ lệ nợ vay của tập đoàn này ở mức rất cao, cao hơn hẳn so với tất cả các doanh nghiệp bất động sản hiện nay tại Việt Nam.

Thực tế, ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, không ít doanh nghiệp bất động sản đã thực hiện tăng vốn chủ sở hữu trong suốt thời gian qua. Điều này giúp hạ tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu bình quân xuống 0,3 lần vào cuối tháng 9/2021, từ mức 0,9 lần của một năm trước.

Một số doanh nghiệp có mức độ phát hành trái phiếu lớn như TNR Holdings, Vingroup, Novaland… có tỷ lệ an toàn tài chính được đánh giá ở mức tốt. Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp này duy trì ở mức cao.

Chẳng hạn, TNR Holdings ước đạt gần 10.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2021, tăng mạnh so với năm 2020. Việc trả lãi và gốc cho các trái chủ được các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, chưa có trường hợp tranh chấp nào xảy ra.

Chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, cần khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và phát hành trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn.

Các chủ đầu tư cũng mong muốn một hành lang pháp lý minh bạch để thị trường trái phiếu trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn kịp thời, hiệu quả.

Ninh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,179.32 -13.69 -1.16% 59,368 tỷ
HNX 222.92 -3.28 -1.47% 770 tỷ
UPCOM 87.75 -0.4 -0.45% 181 tỷ