Thị trường tiếp tục tăng với thanh khoản nhỏ giọt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất chấp dòng tiền tham gia khá yếu và sự cản trở của những mã lớn như VIC, VCB, chỉ số VN-Index vẫn tăng tốt và lấy lại mốc 1.135 điểm, với diễn biến sôi động ở nhóm cổ phiếu chứng khoán.
Thị trường tiếp tục tăng với thanh khoản nhỏ giọt

Thị trường đã trải qua đợt giảm khá mạnh gần 120 điểm, tương ứng gần 10% chỉ trong gần 1 tháng qua và nhiều cổ phiếu đã về lại vùng giá hấp dẫn để kích hoạt dòng tiền bắt đáy. Tuy nhiên, thực tế dòng tiền tham gia vào thị trường ngày càng thận trọng hơn với mức thanh khoản chỉ cầm chừng hơn 10.000 tỷ đồng trong những phiên giao dịch gần đây và chỉ số VN-Index cũng biến động khá thất thường. Điều này cho thấy, những tín hiệu tạo đáy vẫn chưa rõ ràng và VN-Index vẫn cần tích lũy để tiếp tục đi lên.

Phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 10/9 cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Chỉ số VN-Index có chút rung lắc đầu phiên rồi duy trì đà tăng nhẹ trong suốt thời gian còn lại và đã tạm dừng phiên sáng trong trạng thái xanh nhạt với tâm điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu dầu khí.

Động lực chính cho các mã dầu khí tăng tốc chính là hiệu ứng từ giá dầu thế giới tăng vọt sau khi xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas bùng lên vào cuối tuần qua. Trong đó, GAS là điểm tựa chính, đã đóng góp gần 1,5 điểm cho chỉ số chung, đủ sức để “gánh” VCB.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn giao dịch cầm chừng và chỉ số VN-Index duy trì đà tăng nhẹ. Tuy nhiên, sau khoảng 40 phút mở cửa giao dịch lình xình, áp lực bán có chút thắng thế đã đẩy VN-Index về sát mốc tham chiếu, nhưng lại kích thích dòng tiền tham gia, giúp chỉ số này bật hồi thành công.

Thị trường tịnh tiến trong thời gian còn lại và đã đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày, lấy lại mốc 1.135 điểm với trạng thái thị trường khá tích cực khi số mã tăng gấp hơn 2 lần số mã giảm. Tuy nhiên, phiên tăng điểm vẫn chưa thuyết phục nhà đầu tư khi thanh khoản thị trường vẫn ở mức khá thấp.

Đóng cửa, sàn HOSE có 352 mã tăng và 145 mã giảm, VN-Index tăng 8,82 điểm (+0,78%) lên 1.137,36 điểm. Thanh khoản đi ngang so với phiên cuối tuần trước ngày 6/10, với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 602,2 triệu đơn vị, giá trị 13.769,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 57,6 triệu đơn vị, giá trị 1.466,05 tỷ đồng.

Nhóm VN30 là động lực chính của thị trường khi đóng cửa tăng hơn 10 điểm lên mức 1.150 điểm, với 20 mã tăng và chỉ còn 9 mã mất điểm. Trong đó, các mã tăng tốt là ACB tăng 3,2%, FPT tăng 3,1%, GAS tăng 2,9%, HPG tăng 2,2%, VHM tăng 2,1%..., với GAS vẫn đóng góp lớn nhất đạt xấp xỉ 1,4 điểm cho chỉ số chung, tiếp theo là VHM đóng góp hơn 1 điểm.

Ngược lại, cặp đôi còn lại của nhà Vin là VIC và VRE giật lùi, với VIC đóng cửa giảm 1,6% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 45.200 đồng/CP, đã lấy đi gần 0,7 điểm của chỉ số chung. Tuy nhiên, VCB vẫn là gánh nặng lớn nhất khi lấy đi gần 1,1 điểm của chỉ số chung, đóng cửa giảm 0,9%.

Xét về nhóm ngành, diễn biến khởi sắc của thị trường chung khiến nhóm cổ phiếu chứng khoán trở nên tích cực hơn. Sắc xanh lan rộng toàn ngành khi không còn mã nào giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Top 3 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trên thị trường với khối lượng giao dịch hơn 20-25 triệu đơn vị, đều thuộc các thành viên của nhóm cổ phiếu chứng khoán, gồm VIX, VND và SSI. Cả 3 mã này đều đóng cửa khởi sắc với VND tăng 3,3%, VIX tăng 2% và SSI hồi nhẹ tăng 0,8%. Các cổ phiếu khác trong ngành như VCI tăng 3,85%, BSI tăng tốt nhất đạt hơn 5,1%, FTS, HCM và VDS cùng tăng hơn 2%, còn lại đều tăng trên dưới 1%.

Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn duy trì đà tăng tốt. Ngoài GAS và PLX, các mã khác trong ngành như PVD tăng 2,71%, PVS và PVB đều tăng hơn 3,5%, PVC tăng 6,75%...

Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu phân bón, thủy sản, thép, cảng biển cũng duy trì diễn biến khởi sắc. Ở nhóm phân bón, VAF vẫn giữ vững sắc tím, DCM tăng 5,4%, DPM tăng 3,85%, BAF tăng 2,8%, DGC tăng 2,1%...; trong khi nhóm thép có HPG tăng 2,2%, NKG tăng 4,2%, HSG tăng 3,2%...

Trên sàn HNX, sau “điểm nhún” giữa phiên, thị trường đã nhận tín hiệu lạc quan trên sàn HOSe và cũng nới rộng đà tăng trong nửa cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 122 mã tăng và 51 mã giảm, HNX-Index tăng 3,1 điểm (+1,34%) lên 233,55 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 77,89 triệu đơn vị, giá trị đạt xấp xỉ 1.508 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,7 triệu đơn vị, giá trị 33,76 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 tăng tốt hơn phiên sáng khi đóng cửa tăng gần 10 điểm khi có tới 24 mã đóng cửa tăng. Trong đó, đáng chú ý vẫn là các mã trong nhóm dầu khí và phân bón. Cụ thể, PVC tăng 6,7%, LAS tăng 4,5%, PVS tăng 3,8%..., và tăng tốt nhất là cổ phiếu CEO khi đóng cửa đạt 7% lên mức 19.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 7,76 triệu đơn vị..

Trái lại, TAR tiếp tục bị xả bán mạnh sau khi “cầm chừng” vào cuối phiên sáng. Đóng cửa, TAR giảm 10% xuống mức giá sàn 12.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh thuộc top 5 trên thị trường, đạt xấp xỉ 5 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu chứng khoán đua nhau khởi sắc trong phiên chiều, với SHS tăng 1,7% lên mức 17.600 đồng/CP cùng thanh khoản vượt trội lên mức 23,4 triệu đơn vị khớp lệnh; ngoài ra, MBS tăng 1,8%, VIG tăng 2,6%...

Trái với diễn biến tích cực ở sàn niêm yết, hệ thống UPCoM vẫn duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,35%) xuống 86,89 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 32,4 triệu đơn vị, giá trị 511,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,7 triệu đơn vị, giá trị 101,15 tỷ đồng, trong đó TCI thỏa thuận 3,77 triệu đơn vị, giá trị gần 39,6 tỷ đồng; NAB thỏa thuận hơn 2,4 triệu đơn vị, giá trị 28,35 tỷ đồng và DGT thỏa thuận 4 triệu đơn vị, giá trị 21,6 tỷ đồng.

Dù không lấy lại được mức giá cao nhất ngày, nhưng cổ phiếu dầu khí BSR cũng ghi nhận phiên khởi sắc cùng nhóm dầu khí. Đóng cửa, BSR tăng 5,1% lên mức 20.600 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt hơn 10,6 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, OIL đóng cửa tăng 5% lên mức giá cao nhất ngày 10.500 đồng/CP và khớp lệnh 1,16 triệu đơn vị.

Cổ phiếu trong nhóm phân bón là DDV vẫn duy trì đà tăng tốt, đạt 3,6% và đóng cửa tại mức giá 11.500 đồng/CP, khối lượng giao dịch chỉ thua BSR với hơn 2,14 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, trong đó hợp đồng đáo hạn gần nhất là VN30F2310 tăng nhẹ 4,9 điểm, tương đương tăng 0,4% lên mức 1.143,3 điểm, khớp lệnh đạt 216.557 đơn vị, khối lượng mở 46.607 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm ưu thế hơn, với CVPB2307 phiên này khớp lệnh cao nhất, đạt 2,78 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 5,7% lên 370 đồng/cq.

Tiếp theo là CHPG2308 khớp 2,04 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 8,6% lên 880 đồng/cq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục