Thị trường tài chính và “đặc sản” tin đồn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ lâu, tin đồn luôn tồn tại trên thị trường chứng khoán, nhưng đã tham gia “chứng trường”, các chứng sĩ cũng phải học cho mình cách đối mặt với điều này một cách bình thản nhất.
"Tin đồn" là đặc sản của thị trường chứng khoán. Ảnh: Shutterstock. "Tin đồn" là đặc sản của thị trường chứng khoán. Ảnh: Shutterstock.

“Đặc sản” của thị trường tài chính

Những ngày qua, thị trường liên tục xuất hiện các tin đồn “tiêu cực” về nhiều doanh nghiệp niêm yết, từ các tin đồn về cấm xuất nhập cảnh, bắt bớ lãnh đạo, cho đến tình hình tài chính doanh nghiệp. Trong bối cảnh thị trường đang chịu nhiều áp lực tăng trưởng, những tin đồn tiếp tục gieo nỗi hồ nghi, thậm chí hoang mang với các thành viên thị trường.

Trao đổi với phóng viên về tác động của tin đồn tới thị trường, bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Công ty Chứng khoán DNSE cho biết, thị trường chứng khoán có đặc tính ảnh hưởng lớn bởi kỳ vọng đến từ đánh giá triển vọng tương lai của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh. Điều này cũng được thể hiện qua tính ảnh hưởng của các tin đồn trên thị trường đặc biệt trong các giai đoạn mang tính nhạy cảm và vùng trống tin tức và tác động lớn đến cảm xúc và tâm lý nhà đầu tư.

Các tin đồn này thường có tác động trong ngắn hạn là gia tăng tâm lý lo lắng ảnh hưởng đến cung cầu và quyết định của nhà đầu tư. Mặc dù tính xác thực thấp nhưng tính lan tỏa của thông tin nhanh trên các mạng xã hội và truyền miệng tạo nên hiệu ứng cộng hưởng và làm méo mó thị trường đặc biệt trong giai đoạn thanh khoản thị trường thấp đi kèm biến động rộng, như hiện tại.

Còn theo ông Đình Chương, Giám đốc DC Stock, tin đồn có thể xem là “đặc sản” của thị trường chứng khoán không chỉ tại Việt Nam, mà gần như các thị trường khác trên thế giới đều tồn tại. Tuỳ vào từng thời điểm mà mức độ ảnh hưởng của tin đồn đến thị trường nhiều hay ít. Bởi lẽ tin đồn sẽ tác động chính đến tâm lý và đánh vào lòng tham nỗi sợ của nhà đầu tư từ đó ảnh hưởng đến toàn thị trường. Như trong thời điểm hiện tại khi thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn giảm điểm, tâm lý nhà đầu tư rất yếu và nhạy cảm nên tin đồn càng ảnh hưởng mạnh đến thị trường.

Cùng với tin đồn, tin giả, tin gây nhiễu (không dễ để phân định rõ ràng hai loại tin này với tin đồn) cũng là một tồn tại thường thấy song hành cùng thị trường. Trong một trao đổi cùng phóng viên, ông Lê Quốc Vinh, CEO Le Group cho biết, thông tin bị làm giả, làm nhiễu thường là thông tin về tranh chấp quyền lợi của doanh nghiệp với các đối tượng liên quan như tranh chấp với người dân sở tại, với khách hàng…, hay các nguồn tin về bí mật hoạt động kinh doanh. Thông tin về câu chuyện đầu tư của các lãnh đạo của doanh nghiệp cũng hay bị làm giả, làm nhiễu một cách khó kiểm soát. Với nhóm này, tin giả thường sẽ phục vụ cho lợi ích một bên, thường chỉ đưa ý kiến một chiều và gạt bỏ ý kiến của các bên liên quan khác.

Theo ông Vinh, với nhà đầu tư, người đọc, để xác nhận chính xác chất lượng thông tin, cần tìm đến nguồn tin có độ tin cậy cao, như cơ quan báo chí chính thống xem có đăng tải các thông tin này không và kiểm tra chéo. Với một luồng thông tin mà nó phục vụ cho đối tượng phía bên kia của cuộc tranh chấp, thì phải tìm hiểu thông tin từ cơ quan quản lý, đối tác để xác minh tính chính xác của thông tin, vụ việc.

Còn với các “khổ chủ”, nếu thông tin giả xuất hiện với doanh nghiệp, thì có thể thông qua truyền thông để chia sẻ, làm đối tượng liên quan, cộng đồng, cơ quản quản lý hiểu chân tướng vấn đề.

“Phải “giải độc” tin giả bằng cách chủ động đưa thông tin của mình lên. Có thể thông qua nhiều hình thức để thể hiện cái nhìn đa chiều, góc nhìn khách quan, trung lập về thông tin trước đó để “giải độc” dần”, ông Vinh nói và cho biết thêm rằng, trong nhiều trường hợp, có thể dùng đến sự can thiệp về pháp lý – đưa vụ việc ra toà án, bởi đây là hình thức văn minh và giúp bảo vệ tốt quyền lợi hợp pháp của các nạn nhân.

Các "khổ chủ" cần chủ động hơn trong việc minh bạch thông tin để "giải độc" tin đồn. Ảnh: Shuttersotck.

Các "khổ chủ" cần chủ động hơn trong việc minh bạch thông tin để "giải độc" tin đồn. Ảnh: Shuttersotck.

“Giải độc” tin đồn ác ý thế nào?

Quay trở lại câu chuyện tin tồn và tâm thế của nhà đầu tư, theo bà Linh, trước tin đồn, các doanh nhân - doanh nghiệp cần nhanh chóng có phản hồi kịp thời, thông qua các giải pháp đồng bộ. Đầu tiên là việc minh bạch hóa thông tin, điều này sẽ mang lại lợi ích cho số đông nhà đầu tư, ngăn chặn việc thêu dệt sai sự thật từ tin đồn này cũng như hướng nhà đầu tư đến kênh thông tin chính thống từ doanh nghiệp. Trước tin đồn, giữ được niềm tin và ngăn chặn việc đổ vỡ niềm tin dây chuyền là việc thiết yếu xây dựng nguồn lực cho doanh nghiệp quan trọng hơn hết các mục tiêu phải tìm ra thủ phạm, hay nguyên nhân.

Tiếp theo đó, doanh nghiệp, doanh nhân cần sử dụng hiệu quả các kênh truyền thông, là yếu tố chính giúp nhà đầu tư tương tác theo sát doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp hiểu biết hơn về mong muốn của nhà đầu tư. Cùng với đó, theo bà Linh, phía “nạn nhân” cần trực tiếp đi sâu và gốc rễ nhu cầu của cộng đồng đầu tư. Các cuộc họp báo và cuộc trao đổi với cộng đồng đầu tư là cần thiết nếu mức độ ảnh hưởng của tin đồn gây tổn hại lớn. Việc cho các nhà đầu tư bằng chứng và cầu thị của doanh nghiệp giúp gia tăng kỳ vọng và niềm tin vào con đường và hành động của doanh nghiệp. Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, cần mời các cơ quan điều tra vào cuộc. Điều này sẽ cho thấy mức độ mạnh mẽ và quyết liệt trong xử lý tin đồn bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư của doanh nghiệp.

“Điều đặc biệt là cần lắng nghe và hợp tác, các tin đồn thường mang tính định hướng dư luận mà không đưa ra toàn diện về vấn đề làm nhà đầu tư hiểu sai về hệ quả. Đôi khi cùng một sự việc nhưng điều này rất tai hại bởi việc thao túng tâm lý dư luận. Do đó thấu hiểu sẵn sàng lắng nghe cộng đồng là điều quan trọng để xử lý tốt và phòng ngừa các tin đồn có thể xảy ra trong tương lai trong môi trường cạnh tranh phức tạp”, bà Linh bình luận.

Còn theo ông Chương, khi có tin đồn, điều đầu tiên nhà đầu tư cần làm là đánh giá cẩn thận và làm rõ tin đồn này tác động như thế nào đến doanh nghiệp, có tiêu cực hay không. Nếu các tin đồn này không ảnh hưởng đến doanh nghiệp thì không cần quan tâm thêm nữa vì dù tin đồn này có thành sự thật thì cũng không tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Sau khi đã đánh giá các tin đồn này, cần kiểm chứng lại qua các mối quan hệ với các nhà đầu tư khác hoặc với doanh nghiệp. Tuy nhiên với một nhà đầu tư cá nhân thì chỉ cần đánh giá lại các tin đồn này ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp là đủ để phản ứng với tin đồn mặc.

Với các “nạn nhân” của tin đồn ác ý, theo ông Chương, chủ doanh nghiệp cần phải có những cách để xử lý khủng hoảng truyền thông hiệu quả. Đầu tiên với những tin đồn vô căn cứ hoàn toàn chủ doanh nghiệp có thể trấn an nhà đầu tư bằng cách đính chính những thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng. Cách này dễ làm và hiệu quả bởi sức mạnh của truyền thông như hiện tại là vô cùng lớn. Vì là một chủ doanh nghiệp thì thông tin đó là sai sự thật hoàn toàn có thể bác bỏ để ổn định lại tâm lý nhà đầu tư. Mặt khác cũng giúp chủ doanh nghiệp tạo dựng được niềm tin đối với cổ đông.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục