Thị trường tài chính tiền kỹ thuật số: Cuộc chiến CeFi và DeFi - (Bài 2) - Big Tech Finance - Khi đại công ty công nghệ lấn sân dịch vụ ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
Với lợi thế vượt trội về dữ liệu khách hàng và ứng dụng dịch vụ tài chính qua blockchain, các đại công ty công nghệ đang ngày càng lấn sâu vào mảng dịch vụ ngân hàng.
Dữ liệu lớn và blockchain tạo nhiều lợi thế cho các đại công ty công nghệ thâm nhập dịch vụ tài chính - ngân hàng. Ảnh: shutterstock Dữ liệu lớn và blockchain tạo nhiều lợi thế cho các đại công ty công nghệ thâm nhập dịch vụ tài chính - ngân hàng. Ảnh: shutterstock

Thị trường tài chính dựa trên thị trường tiền mã hóa (crypto currencies) - một phần của một hệ sinh thái đặc biệt đang dần hình thành, với đủ loại thành phần trên đó, từ các định chế tài chính tập trung (CeFi - centralized finance) cho đến định chế tài chính phi tập trung (DeFi - decentralized finance).

Thật ra, DeFi là gì và vì sao người ta muốn có một hệ thống tài chính phi tập trung? Trong khi DeFi đang trở thành một trào lưu mạnh mẽ trong nền kinh tế tiền mã hóa, tiền số của ngân hàng trung ương phát hành và do Facebook phát triển cũng dự kiến ra đời trong năm nay. Xu thế thị trường tài chính dựa trên tiền mã hóa nói riêng và tiền kỹ thuật số nói chung trong tương lai sẽ như thế nào?

Bài 2: Big Tech Finance - Khi đại công ty công nghệ lấn sân dịch vụ ngân hàng

Với lợi thế vượt trội về dữ liệu khách hàng và ứng dụng dịch vụ tài chính qua blockchain, các đại công ty công nghệ đang ngày càng lấn sâu vào mảng dịch vụ ngân hàng, trở thành mối đe dọa lớn đối với những ngân hàng không kịp thời chuyển đổi số.

Đại công ty công nghệ lấn sân dịch vụ ngân hàng: Lợi thế của những bộ dữ liệu lớn về khách hàng

Vào cuối năm 2020, một trong những tin tức khiến giới ngân hàng và công nghệ trong khu vực Đông Nam Á chú ý là Singapore đã cấp phép ngân hàng số cho một số công ty công nghệ hàng đầu châu Á, trong đó có những cái tên đình đám như Sea và Ant Group. Một liên doanh giữa Công ty công nghệ Grab và Tập đoàn viễn thông Singtel cũng được cấp giấy phép ngân hàng số đầy đủ (Digital Full Bank).

Xu thế công ty công nghệ lấn sân các dịch vụ ngân hàng thật ra không mới. Trong vài năm trở lại đây, không ít công ty công nghệ đã lấn sân các dịch vụ ngân hàng như chuyển tiền, cho vay ngang hàng…

Thế nhưng, trong giới công nghệ ngân hàng và người làm nghiên cứu về dịch vụ tài chính, có một xu thế nổi lên mà ai cũng đang quan sát với thái độ dè chừng: sự tham gia của các đại công ty công nghệ vào thị trường tài chính.

Những cái tên như Amazon (Mỹ), ứng dụng Kakao (Hàn Quốc), nền tảng đấu giá và thương mại điện tử Mercado Libre (Mỹ La-tinh) và 2 ông lớn Alibaba và Tencent (Trung Quốc) là những cái tên như vậy. Thị trường này dự kiến tiếp tục nóng hơn với việc Google đang lập liên minh ngân hàng số của mình với sự tham gia của Citi, Bank Mobile và BMO Harris. Trong khi đó, trong những ngày đầu tháng 5/2021, Apple Pay tiếp tục kết nạp thêm nhiều ngân hàng thành viên ở châu Phi và châu Âu vào mạng lưới thanh toán của mình.

Các đại công ty công nghệ này khác các công ty công nghệ nhỏ hơn ở chỗ nào? Câu trả lời là dữ liệu.

Các đại công ty công nghệ có một sự am hiểu sâu sắc với khách hàng của mình vượt xa các ngân hàng vì họ nắm được dữ liệu di chuyển, tiêu dùng, thói quen sinh hoạt, đi lại, thậm chí là các hoạt động mua bán, thanh toán của công ty nhỏ và vừa với các công ty trong chuỗi cung ứng. Đây là thứ mà các ngân hàng không có nguồn lực để nắm bắt. Các nhân viên tín dụng, chăm sóc khách hàng của ngân hàng chỉ tập trung chăm sóc khách hàng lớn và không thể dành nhiều thời gian cho một khách hàng nhỏ của mình. Trong khi đó, Google, Apple am hiểu hoạt động hàng ngày, gần như là theo sát khách hàng 24/24h với các công cụ “truy vết” thông tin của mình.

Vì vậy, dữ liệu về khách hàng tạo ra một lợi thế rất lớn cho các ông lớn về công nghệ khi tham gia thị trường dịch vụ tài chính. Hiện tại, Amazon đã cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Alibaba và Tencent đều thể hiện tham vọng cung cấp gói dịch vụ tài chính toàn diện ở Trung Quốc trước khi bị Chính phủ “nhắc nhở” mấy tháng trước. Tuy nhiên, một vài động thái gần đây cho thấy, một số dịch vụ tài chính của các công ty công nghệ này vẫn sẽ được triển khai ở Trung Quốc, chỉ là với một khung pháp lý chặt chẽ hơn.

Các ngân hàng truyền thống đang phải đối mặt với một đối thủ mới. Các đối thủ này không chỉ mạnh về công nghệ và không gặp phải những trở ngại do các di sản của quá khứ (phải duy trì các chi phí cao cho các dịch vụ tài chính truyền thống, trong khi doanh thu của các dịch vụ này đã chững lại), lại có nguồn vốn dồi dào (Apple và Google là những ông vua tiền mặt của thế giới). Trên hết, họ sở hữu một lợi thế cạnh tranh đặc biệt mà ngân hàng không có, đó là những dữ liệu 24/24 về thói quen tiêu dùng và những chỉ dấu về tình trạng tài chính của khách hàng, nhất là khách hàng cá nhân.

Dịch vụ tài chính qua blockchain không nhất thiết phải là DeFi

Trong một buổi hội thảo trình diễn về công nghệ tài chính, người viết được nghe một câu chuyện về Amazon và hệ thống sản phẩm dựa trên nền tảng blockchain của mình. Công ty này cho thấy, không phải cứ sản phẩm tài chính qua blockchain là phải đi theo xu thế DeFi đình đám. Mục tiêu của ứng dụng blockchain, suy cho cùng, là để phục vụ khách hàng tốt hơn, hiệu quả hơn và chi phí thấp hơn. Lựa chọn mạng blockchain tập trung hay phi tập trung hóa phải nhắm tới mục tiêu hiệu quả cho người sử dụng.

Ví dụ, một sản phẩm của Amazon đã thiết kế cho khách hàng của mình là Contura Energy, một trong những công ty cung cấp than lớn của Mỹ. Trước đây, công ty này sử dụng các thư tín dụng để đảm bảo thanh toán quốc tế, một dịch vụ rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Đánh giá hệ thống này là “chậm chạp, cần nhiều nhân công và cực kỳ kém hiệu quả”, Amazon đã thiết kế cho khách hàng một mạng blockchain để tự động hóa nhiều khâu và số hóa quy trình thanh toán với đối tác nước ngoài của mình. Vấn đề lớn nhất trong thanh toán quốc tế là độ tin cậy và xác định giao nhận chính xác giữa người mua với người bán. Amazon thông qua dịch vụ đám mây AWS đã thiết kế một mạng blockchain giữa khách hàng của Contura Energy và công ty này, giúp số hóa các giấy tờ, tăng độ minh bạch và giúp hoạt động xác nhận giao dịch diễn ra gần như ngay lập tức với các bên.

Có hai chi tiết có thể nhận ra từ câu chuyện này.

Thứ nhất, Amazon đã “cướp” được một trong những vụ làm ăn lớn của ngân hàng Mỹ qua dịch vụ thư tín dụng (LC) bằng cách cung cấp một giải pháp nhanh gọn, minh bạch và tiết kiệm hơn.

Thứ hai, ứng dụng dịch vụ tài chính qua blockchain không cần phải là phi tập trung cho đại chúng như DeFi, mà nó có thể là một ứng dụng hỗn hợp, mang tính phi tập trung cho những công ty trong mạng lưới đối tác của Contura Energy, nhưng lại do một đại công ty công nghệ như Amazon kiểm soát công nghệ và cách thiết kế luật chơi.

Trong khi các dịch vụ DeFi của thị trường tiền mật mã đang loay hoay thoát ra khỏi thị trường tài chính chỉ xoay quanh những “đồng coin” của mình, thì các dịch vụ tài chính trên nền tảng blockchain do các đại công ty như Amazon triển khai đã thu về hàng trăm triệu USD và đóng góp vào tăng trưởng trên 30% của mảng kinh doanh đám mây của tập đoàn này (có tổng doanh số quý I/2021 đạt 13,5 tỷ USD).

Nhiều sáng kiến tài chính trên thị trường DeFi tiền mã hóa đang được các đại công ty công nghệ và công ty trò chơi điện tử nghiên cứu triển khai cho các nền tảng có sẵn nhiều triệu người dùng của mình. Bản thân các công ty này đã có sẵn những nền kinh tế game, thể thao điện tử, kinh tế thương mại điện tử của Amazon, mạng lưới người dùng sản phẩm Apple, người dùng thiết bị chơi game của Microsoft, Sony hay một lượng người dùng mạng xã hội khổng lồ của Facebook, Twitter và Snapchat. Cái họ cần chỉ là ghép những mảnh ghép lại với nhau. Và nếu có nhu cầu, họ sẽ có thể phát hành một “đồng tiền” chung cho một mạng lưới dịch vụ tài chính rộng lớn đó, làm đơn vị thanh toán và thực thi các hợp đồng thông minh, như cách mà mạng lưới Ethereum đang làm cho thị trường tài chính tiền mã hóa. Tham vọng của Facebook với đồng tiền điện tử của mình có thể cũng là như thế mà thôi.

Nhưng đừng quên, khi các tổ chức tư nhân như đại công ty công nghệ và cộng đồng tiền mã hóa thể hiện rõ tham vọng phát triển một thị trường tài chính số của riêng mình, thì chính phủ cũng sẽ không ngồi yên. Các đồng tiền kỹ thuật số của chính phủ cũng sẽ là những tay chơi hy vọng kiểm soát một phần miếng bánh này (mà không cần thông qua các ngân hàng truyền thống).

Đối tượng đang bị kẹp lại giữa những trào lưu này là những ngân hàng truyền thống đang loay hoay không biết phải chuyển đổi số như thế nào. Họ là những trung gian thanh toán và trong thế giới của tiền mã hóa, dịch vụ tài chính của đại công ty công nghệ hay tiền số của ngân hàng trung ương, vai trò của họ đã bị thu nhỏ từ vai trò trung gian thanh toán chính thành “đối tác” trong mạng lưới. Từ vai chính thành vai phụ, nếu không khéo, các ngân hàng có thể sẽ bị mất luôn vai.

(Còn tiếp)

Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol (Anh)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục