Thị trường tài chính phản ứng chưa từng có với cuộc gặp Trump - Kim

(ĐTCK) Có 2 từ để diễn tả tâm lý của nhà đầu tư tại thị trường châu Á sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un: Chấp nhận rủi ro (risk on). Rất hiếm khi thị trường tài chính phản ứng chỉ bởi một cuộc gặp, dù là thượng đỉnh giữa 2 nước.
Thị trường tài chính phản ứng chưa từng có với cuộc gặp Trump - Kim

Thị trường chứng khoán châu Á có xu hướng đi lên, trong khi đồng yên giảm giá nhẹ sau khi Nhà trắng chấp nhận lợi mời từ phía Triều Tiên, mở ra hy vọng gỡ bỏ xung đột kéo dài, thậm chí có thể tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo này.

Trước thông tin trên, trong phiên giao dịch ngày 9/3, chỉ số Kospi Hàn Quốc đã có mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2017, trong khi chỉ số Topix Nhật Bản tăng khoảng 1,8%. Các chỉ số chứng khoán chính tại Hong Kong và Sydney đều theo hướng leo dốc.

Thị trường tài chính phản ứng chưa từng có với cuộc gặp Trump - Kim ảnh 1

 Các chỉ số chứng khoán chính và giá của đồng USD so với yên tăng 

“Kế hoạch gặp gỡ giữa lãnh đạo 2 quốc gia là một lực đẩy tích cực, dù sẽ mất thời gian để thực sự đi đến mục tiêu. Nhờ yếu tố này, những rủi ro có liên quan tới xung đột Hàn Quốc – Triều Tiên tại thị trường Nhật Bản nói riêng và châu Á nói chung đã phần nào giảm đi, đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn”, Soichiro Monji, giám đốc Daiwa SB Investments Ltd (Tokyo) cho biết.

Trong khi giới đầu tư thể hiện sự lạc quan tại thị trường chứng khoán, đồng yên đã có phiên giao dịch giảm giá mạnh nhất so với đồng USD kể từ tháng 2/2018, khi giới đầu tư dần rời bỏ khỏi loại tài sản an toàn này. Tương tự, giá vàng cũng giảm nhẹ 0,17%, xuống 1.319,40 USD/ounce.

Thị trường tài chính phản ứng chưa từng có với cuộc gặp Trump - Kim ảnh 2

 giá của đồng yên so với USD giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2018

Một trong những đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ thông tin trên là nhóm cổ phiếu du lịch và mỹ phẩm Hàn Quốc, bởi giảm nguy cơ xung đột giúp gia tăng lượng khách du lịch và hoạt động buôn bán hàng hóa tại Hàn Quốc.

Mặc dù có những phản ứng ban đầu tích cực, nhưng trong dài hạn, vẫn chưa có chi tiết nào về cuộc gặp gỡ được công bố và kết quả là không có gì bảo đảm.

“Cuộc nói chuyện giữa lãnh đạo 2 quốc gia mang lại tác động tích cực trong ngắn hạn và là lý do để nhà đầu tư mua vào USD thay vì yên. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, các tác động là không rõ ràng và có ít ảnh hưởng tới thị trường”, Shigeki Yoshitoshi, người đứng đầu bộ phận ngoại hối và kinh doanh hàng hóa tại ANZ Banking Group cho biết.

Lam Phong (Theo Bloomberg)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục