Trái phiếu của Ấn Độ sẽ được thêm vào Chỉ số trái phiếu chính phủ JPMorgan vào tháng 6/2024. Đây cũng là lần đầu tiên Ấn Độ được đưa vào chỉ số trái phiếu toàn cầu.
Đầu tháng này, Bloomberg Index Services cũng thông báo sẽ bổ sung trái phiếu chính phủ Ấn Độ vào Chỉ số Emerging Market Local Currency Government Index từ ngày 31/1/2025.
Các nhà phân tích lưu ý rằng những động thái như vậy có thể dẫn đến dòng vốn trị giá hàng tỷ đô la chảy vào trái phiếu chính phủ bằng đồng rupee của Ấn Độ. Khi nhu cầu tăng lên, lợi suất trái phiếu giảm, hỗ trợ đồng nội tệ.
Deepak Agrawal, Giám đốc đầu tư tại Kotak Mutual Fund cho biết, ông kỳ vọng những động thái này sẽ tạo ra “dòng vốn ổn định khoảng 25 tỷ USD đến 30 tỷ USD” trong 12 đến 18 tháng tới sau giai đoạn tái cân bằng bắt đầu từ tháng 6/2024.
“Nhìn chung, chúng tôi xem đây là một bước đi đúng hướng”, ông cho biết.
Goldman Sachs kỳ vọng thị trường trái phiếu Ấn Độ sẽ chứng kiến dòng vốn vào “lên tới 40 tỷ USD kể từ thời điểm công bố cho đến khi kết thúc giai đoạn mở rộng quy mô, hoặc khoảng 2 tỷ USD mỗi tháng”.
JPMorgan cho biết việc đưa trái phiếu Ấn Độ vào chỉ số sẽ được thực hiện trong vòng 10 tháng, bắt đầu từ mức 1% vào tháng 6/2024 đến tỷ trọng tối đa 10% trong chỉ số vào tháng 4/2025.
Cú hích lớn cho sự tăng trưởng
Việc trái phiếu Ấn Độ được thêm vào chỉ số của JPMorgan đã được Invest India - cơ quan xúc tiến đầu tư quốc gia của chính phủ - ca ngợi là một “sự kiện quan trọng”.
Cơ quan này cho biết: “Việc đưa vào sẽ giúp Ấn Độ hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền kinh tế quy mô 5.000 tỷ USD vào năm 2030”, đồng thời sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ ba châu Á hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.
Invest India cho biết: “Nhờ những khoản đầu tư toàn cầu dài hạn ổn định này, các ngân hàng Ấn Độ, nhà đầu tư chứng khoán chính phủ lớn nhất, sẽ có thể cho vay trong nước nhiều hơn, dẫn đến việc tạo ra cơ sở hạ tầng và tạo việc làm”.
Theo Invest India, thị trường trái phiếu chính phủ của Ấn Độ được định giá 1.200 tỷ USD và chủ yếu do các nhà đầu tư tổ chức trong nước thống trị.
Điều này có làm cho việc đầu tư vào Ấn Độ dễ dàng hơn không?
Ấn Độ đang nhanh chóng trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và chính phủ nước này đã thực hiện các bước trong năm nay để thúc đẩy nền kinh tế hơn nữa, đặc biệt là với các kế hoạch tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, các tầng lớp của chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm cả những hạn chế nhập khẩu nhất định, đã làm nổi bật những khó khăn trong hoạt động kinh doanh ở Ấn Độ.
Kenneth Akintewe, người đứng đầu bộ phận nợ quốc gia châu Á tại công ty đầu tư Abrdn cho biết: “Bản thân việc đưa vào chỉ số không làm cho việc đầu tư ở Ấn Độ trở nên dễ dàng hơn”.
Nhưng việc bổ sung trái phiếu Ấn Độ vào các chỉ số toàn cầu sẽ khuyến khích một lượng lớn các nhà đầu tư đầu tư vào quốc gia này.
Fitch Ratings cho biết trong một báo cáo tháng 9 rằng, việc thêm vào chỉ số trái phiếu của JP Morgan có thể tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn thụ động trị giá khoảng 24 tỷ USD từ tháng 6/2024 đến tháng 3/2025.
“Điều này có thể giúp giảm nhẹ chi phí tài trợ và hỗ trợ phát triển hơn nữa thị trường vốn trong nước, nhưng tác động tích cực trực tiếp đến hồ sơ tín dụng của Ấn Độ sẽ không đáng kể trong thời gian tới”, báo cáo cho biết.
Được thúc đẩy bởi sự lạc quan rộng rãi, thị trường chứng khoán Ấn Độ đã nhiều lần đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, với chỉ số Nifty 50 đã ghi nhận năm tăng thứ tám liên tiếp vào năm 2023.
Goldman Sachs cho biết, dòng vốn hàng tháng đổ vào các quỹ đầu tư trong nước của Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 23 tháng là 3,2 tỷ USD trong tháng 2. Theo ngân hàng đầu tư, Ấn Độ cũng chứng kiến dòng vốn nước ngoài 2,2 tỷ USD trong tuần từ ngày 9/3 đến ngày 15/3.
Radhika Rao, nhà kinh tế cấp cao của DBS cho biết trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ cũng sẵn sàng thu lợi nhờ dòng vốn nước ngoài mạnh mẽ.
Những người mua nợ chính phủ lớn nhất của Ấn Độ cho đến nay là các nhà đầu tư tổ chức như ngân hàng, quỹ tương hỗ và công ty bảo hiểm - nhưng việc đưa trái phiếu chính phủ Ấn Độ vào các chỉ số toàn cầu có nghĩa là nước này giờ đây sẽ có thể mở rộng các kênh huy động vốn.
“Điều này sẽ đa dạng hóa các nguồn tài trợ của Ấn Độ, giảm áp lực buộc các nhà đầu tư trong nước phải hấp thụ nguồn cung, giảm chi phí tài trợ, hỗ trợ vị thế tài chính, loại bỏ nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ bằng đô la Mỹ và khuyến khích phát triển thị trường vốn hơn nữa”, nhà phân tích Kenneth Akintewe cho biết.