Thị trường tài chính 24h: Tiềm năng của nhóm cổ phiếu thép còn lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng mạnh trong phiên chiều; Cổ phiếu vua còn lực đẩy; Sôi động cổ phiếu đấu giá; Cổ phiếu thép có sóng dài; Goldman dự báo giá dầu sẽ đạt 90 USD/thùng vào cuối năm... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua. 
Thị trường tài chính 24h: Tiềm năng của nhóm cổ phiếu thép còn lớn

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 28/9 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,45 – 57,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 0,5 USD xuống 1.749,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục xu hướng giảm và về gần 1.740 USD/ounce vào cuối giờ chiều nay.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,25% lên 93,62 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 28/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.145 đồng/USD, tăng 4 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.670 – 22.870 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,81 USD (+1,07%), lên 76,26 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,69 USD (+0,87%), lên 80,22 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về quanh 42.200 USD thì sang ngày hôm nay vẫn chưa thể hồi phục và xoay quanh 41.800 USD/BTC vào cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index hồi phục gần 15 điểm

Áp lực bán mạnh từ sớm xuất hiện khiến VN-Index lùi gần về 1.315 điểm. Lúc này, dòng tiền bắt đáy bắt đầu nhập cuộc, giúp VN-Index thu hẹp dần đà giảm, trước khi quay đầu tăng điểm nhẹ.

Bước vào phiên chiều, đà tăng được củng cố, áp lực bán cũng giảm, kéo VN-Index tăng một mạch hơn 14 điểm khi đóng cửa.

Trong số các bluechip, nổi bật có +5,7%, BVH +5,9%, HPG +3,5%, PLX +2%, PNJ +2,2%.

Nhóm dầu khí vẫn hút mạnh dòng tiền với PVD, PGD, CNG, PGC, ASP, TDG đều đã tăng trần.

Ngược lại, các mã QBS, CSV, SAM, ABS hay nhóm Louis với TGG, AGM, APG, TDH… cùng giảm sàn.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 14,95 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 473,12 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 28/9: VN-Index tăng 14,32 điểm (+1,08%), lên 1.339,31 điểm; HNX-Index tăng 3,02 điểm (+0,86%), lên 353,73 điểm; UPCoM-Index tăng 0,25 điểm (+0,26%), lên 96,01 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall khởi đầu tuần mới với phiên giao dịch ảm đạm vào thứ Hai (28/9) khi cổ phiếu công nghệ bị kéo lùi bởi lợi suất trái phiếu.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm kho bạc Mỹ tăng vọt, vượt mốc 1,5%, mức cao nhất kể từ tháng 6/2021 và tăng mức 1,3% vào cuối tháng 8/2021.

Lợi suất trái phiếu tăng làm tổn thương một số cổ phiếu dẫn dắt thị trường, vốn được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp. Microsoft, Amazon.com, Alphabet và Apple đều đóng cửa giảm từ 0,6% đến 1,7%.

Kết thúc phiên 27/9, chỉ số Dow Jones tăng 71,37 điểm (+0,21%), lên 34.869,37 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,37 điểm (-0,28), xuống 4.443,11 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 77,73 điểm (-0,52%), xuống 14.969,97 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, do đà đi xuống của nhóm cổ phiếu sản xuất chip và vận tải biển.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,19% xuống 30.183,96 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,29% xuống 2.081,77 điểm.

Mặc dù vậy, chỉ số Nikkei 225 đã tăng hơn 7% trong tháng này, khi giới đầu tư hào hứng với việc Nhật Bản chuẩn bị cho cuộc bầu cử lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do, gián tiếp chọn Thủ tướng mới.

Phiên hôm nay, cổ phiếu các nhà sản xuất chip suy giảm, với Advantest mất 3,57%, Tokyo Electron giảm 1,05% và Shin-Etsu Chemical mất 1,47%.

Các cổ phiếu vận tải biển cũng bị chốt lời, với chỉ số phụ theo dõi ngành mất 8,61%, trong đó, Kawasaki Kisen Kaisha giảm 14,45%, Nippon Yusen mất 8,18% và Mitsui OSK Lines giảm 7,04%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, dẫn đầu bởi nhóm cổ phiếu bất động sản, sau khi ngân hàng trung ương cam kết bảo vệ người tiêu dùng trong thị trường nhà ở.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,54% lên 3.602,22 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,13% lên 4.883,83 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành Bất động sản tăng 5,6% sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tuyên bố sẽ bảo vệ những người tiêu dùng là nạn nhân của vụ China Evergrande nguy cơ vỡ nợ, và đã tăng cường bơm tiền vào hệ thống ngân hàng.

Tin tức khiến thị trường không thể tăng mạnh hơn đến từ tăng trưởng lợi nhuận tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc đã chậm lại trong tháng thứ sáu, do các nhà máy chống chọi với giá hàng hóa cao, dịch Covid-19 bùng phát và cuộc khủng hoảng thiếu điện năng đang diễn ra.

Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cho năm 2021 từ 8,2% xuống còn 7,8%, vì tình trạng thiếu năng lượng và sản lượng công nghiệp suy giảm gây thêm "áp lực giảm đáng kể".

Chỉ số phụ về than tăng 4,3%, trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, dẫn đến việc cắt điện ở các hộ gia đình và các khu công nghiệp ở Trung Quốc.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhờ đà đi lên của nhóm cổ phiếu bất động sản và công nghệ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,2% lên 24.500,39 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,59% lên 8.720,30 điểm.

Chỉ số Bất động sản của Hang Seng và của Hang Seng China Enterprises lần lượt tăng 2,8% và 6,4%, sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ bảo vệ người tiêu dùng thị trường nhà ở và bơm thêm tiền vào hệ thống ngân hàng.

Cổ phiếu Sunac China Holdings Ltd đã tăng hơn 14% khi làm rõ các báo cáo cho biết, các dự án xây dựng và hoạt động của tập đoàn trên khắp đất nước vẫn bình thường và doanh số bán hàng tốt.

Chỉ số Công nghệ Hang Seng tăng 2,1%, trong đó tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba tăng 6,3%, nhờ bắt đầu cung cấp dịch vụ thanh toán từ WeChat của đối thủ Tencent Holdings Ltd trên một số ứng dụng của mình, sau khi chính phủ yêu cầu các công ty công nghệ lớn ngừng chặn các dịch vụ và liên kết của nhau.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do lo ngại kéo dài về số phận của China Evergrande Group và tác động tiềm tàng của tình trạng thiếu điện ngày càng gia tăng ở Trung Quốc.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 1,14% xuống 3.097,92 điểm..

Các cổ phiếu lớn đều giảm với Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt mất 1,80% và 0,96%. Còn Naver và Kakao lần lượt giảm 2,61% và 2,08%.

Kết thúc phiên 28/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 56,10 điểm (-0,19%), xuống 30.183,96 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 19,39 điểm (+0,54%), lên 3.602,22 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 291,61 điểm (+1,20%), lên 24.500,39 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 35,72 điểm (-1,14%), xuống 3.097,92 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Cổ phiếu vua còn lực đẩy

Cổ phiếu ngân hàng không tăng, thậm chí giảm giá suốt quý III, các thông tin về hoạt động ngân hàng dường như đang xấu hơn thực tế..>> Chi tiết

- Sôi động cổ phiếu đấu giá

Cùng với sự sôi động của thị trường thứ cấp, hoạt động bán đấu giá cổ phần bắt đầu vào mùa và thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia..>> Chi tiết

- Cổ phiếu thép có sóng dài

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngành thép có nhiều lần dậy sóng, một số mã có mức tăng giá tính bằng lần..>> Chi tiết

- Goldman dự báo giá dầu sẽ đạt 90 USD/thùng vào cuối năm do nguồn cung thắt chặt

Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu Brent vào cuối năm lên 90 USD/thùng từ 80 USD/thùng do nhu cầu nhiên liệu phục hồi nhanh hơn sau biến thể Delta và cơn bão Ida ảnh hưởng đến sản lượng dẫn đến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,204.97 -0.64 -0.05% 141,739 tỷ
HNX 227.57 -0.3 -0.13% 1,224 tỷ
UPCOM 88.33 -0.04 -0.04% 488 tỷ