VN-Index tiếp tục phục hồi
Mở cửa phiên sáng, thị trường rung lắc và có những nhịp điều chỉnh nhẹ, nhưng lực cầu được kích hoạt tại nhóm bluechip, đã tiếp sức giúp VN-Index bật tăng trở lại và vượt qua mốc 955 điểm.
Bước sang phiên chiều, nhóm bluechip vẫn là trụ cột dẫn dắt thị trường. VN-Index từng bước nhích nhẹ, tiến sát 960 điểm khi “ông lớn” VNM tăng vọt cùng sự đảo chiều của VHM khi kết phiên.
VNM tăng 2,9% lên 133.900 đồng, VHM tăng 1,2% lên 85.000 đồng. Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng được kéo lên cao như BVH tăng 3,8%, HVN tăng 2,6% ROS tăng 6,3%...
Ở nhóm ngân hàng không có nhiều đột biến khi hầu hết đều duy trì sự khởi sắc, ngoại trừ STB và EIB vẫn đứng dưới tham chiếu.
Trái lại, nhóm dầu khí thiếu tích cực như GAS giảm 1,2%, PLX giảm 0,8%, PVD giảm 0,7%, cùng Một số nhân tố hạ độ cao như VCB, TCB, SAB, MSN
Nhóm cổ phiếu thị trường phân hóa với HQC, DXG, HVG, HBC… giảm, trong khi ITA, FLC, HSG, SCR, ASM… giao dịch trên tham chiếu, đáng chú ý OGC tăng 6,8%. Trong khi VHG giảm 6,3% xuống mức giá sàn, là phiên giảm sàn thứ 6 liên tiếp.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 18,43 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 428,43 tỷ đồng, tăng mạnh 162,16% về lượng và 105,27% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (bán ròng 208,72 tỷ đồng).
Kết thúc phiên giao dịch 13/5: VN-Index tăng 5,99 điểm (+0,63%), lên 958,54 điểm; HNX-Index giảm 0,24 điểm (-0,23%), xuống 105,61 điểm; UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,1%), lên 55,25 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Căng thẳng leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sau khi Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc khiến phố Wall chủ yếu chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch cuối tuần.
Tuy nhiên, vào cuối ngày, sau khi vòng đàm phán kéo dài 2 ngày tại Washington kết thúc, Tổng thống Trump và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, cuộc đàm phán mang tính xây dựng và Mỹ cho Trung Quốc 1 tháng để kết thúc đàm phán nhằm kết thúc cuộc chiến thương mại đã giúp phố Wall đảo chiều tăng trở lại và cùng chốt phiên trong sắc xanh.
Dù hồi phục trong phiên cuối tuần, nhưng Dow Jones vẫn không thoát khỏi tuần giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm mạnh hơn nhiều tuần trước đó do lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, còn S&P 500 và Nasdaq có mức giảm phần trăm theo tuần lớn nhất trong năm.
Cụ thể, trong tuần Dow Jones giảm 2,12%, S&P 500 cũng đảo chiều giảm 2,18% sau 2 tuần tăng liên tiếp và Nasdaq chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp bằng tuần giảm mạnh 3,03%.
Kết thúc phiên 10/5, chỉ số Dow Jones tăng 114,01 điểm (+0,44%), lên 25.942,37 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,68 điểm (+0,37%), lên 2.881,40 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 6,35 điểm (+0,08%), lên 7.916,94 điểm.
Thị trường châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi hầu hết cổ phiếu theo chu kỳ bị mất đà sau cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 giảm 0,7% xuoongs 21.191,28 điểm. Topix giảm 0,5% xuống 1.541,14 điểm.
Mỹ và Trung Quốc bế tắc trong các cuộc đàm phán thương mại khi Washington yêu cầu những thay đổi cụ thể đối với luật pháp Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh nói rằng họ sẽ không nuốt bất kỳ "trái đắng" nào có thể gây hại cho lợi ích quốc gia.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã leo thang vào thứ Sáu, với việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, sau khi Tổng thống Donald Trump nói rằng Bắc Kinh đã phá vỡ thỏa thuận bằng cách từ bỏ các cam kết trong nhiều tháng đàm phán trước đó.
Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu giảm điểm nhiều nhất là vận tải và máy móc với Kawasaki Kisen giảm 1,7%, Yaskawa Electric giảm 3,6% và Komatsu Ltd giảm 1,9%.
Cổ phiếu đáng chú ý là DeNA Co, tăng 14% sau khi cho biết, sẽ mua lại 26,14% cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, trị giá khoảng 50 tỷ yên.
Chứng khoán Trung Quốc giảm và đồng nhân dân tệ suy yếu xuống mức thấp nhất trong 4 tháng do lối thoát cho một thỏa thuận thương mại với Mỹ đi vào ngõ cụt sau những tuyên bố cứng rắn không nhượng bộ từ 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,21% xuống 2.903,71 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip mất 1,7% xuống 3.668,73 điểm.
Kể từ đầu tháng, Shanghai Composite giảm 5,7%, trong khi CSI300 đã mất 6,2%.
Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu tài chính mất 2%, ngành tiêu dùng giảm nhẹ 0,06%, bất động sản mất 0,43% và y tế giảm 0,58%.
Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng nước này sẽ không bao giờ đầu hàng trước sức ép của Mỹ, nhưng từ chối bình luận về những biện pháp mà Bắc Kinh đã lên kế hoạch để đối phó với việc tăng thuế của Mỹ.
Nỗi lo về tình trạng bế tắc thương mại cũng ảnh hưởng đến đồng tiền Trung Quốc, vốn bị kéo xuống thấp hơn bởi nhu cầu gia tăng của công ty đối với đồng USD.
Về cuối ngày đồng nhân dân tệ mất 0,8% so với USD, xuống 6,904 NDT đổi một đôla Mỹ. Đây là giá thấp nhất kể từ cuối tháng 12/2018. Một số nhà phân tích cho biết đồng tiền này có thể phá vỡ mốc 7 nhân dân tệ một USD trong vài tháng tới.
Dù vậy, Trung Quốc có thể sử dụng dự trữ ngoại hối khổng lồ để ngăn chặn việc này. Vì nhân dân tệ lao dốc sẽ châm ngòi cho làn sóng đầu cơ, và dòng vốn sẽ ồ ạt rút khỏi Trung Quốc.
Chứng khoán Hồng Kông nghỉ bù ngày lễ Phật đản
Kết thúc phiên 14/5: Chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 153,64 điểm (-0,72%), xuống 21.191,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 35,50 điểm (-1,21%), xuống 2.903,71 điểm.
Thị trường vàng và ngoại tệ
- Vàng SJC nới đà giảm. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.400 đồng/USD
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 30.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,20 - 36,39 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 30.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 23.047 đồng/USD, giảm 10 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.280 - 23.400 đồng/USD.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Trăn trở không riêng của doanh nghiệp ví điện tử
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN về trung gian thanh toán quy định hạn mức giao dịch của một ví điện tử tối đa là 100 triệu đồng/tháng, 20 triệu đồng/ngày đang là nỗi lo lắng của các bên có liên quan..>> Chi tiết
- Lòng kiên nhẫn của nhà đầu tư bị thử thách
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng hơn khi Mỹ chính thức nâng thuế quan từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc..>> Chi tiết
- Thị trường chứng khoán khó bó kế hoạch tăng vốn của doanh nghiệp
Mùa đại hội cổ đông 2019, nhiều doanh nghiệp công bố chưa thực hiện được kế hoạch phát hành cổ phiếu được thông qua từ năm ngoái. Khó khăn của thị trường đang “bó chân” doanh nghiệp thực hiện tăng vốn..>> Chi tiết
- Sàn phái sinh: Tâm lý tích cực dần
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, mức độ rủi ro đang càng ngày thu hẹp, vùng đáy ở các chỉ số đang chứng tỏ sự hiệu quả bởi lực bán đang cạn kiệt dần. Điểm yếu là lực mua quay trở lại chưa thực sự quyết liệt..>> Chi tiết
- Những thương vụ M&A được chờ đợi
Tuy quy mô giá trị giao dịch M&A được công khai còn thấp so với khu vực ASEAN, nhưng với những tín hiệu khả quan từ thị trường thời gian gần đây, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng, giá trị thị trường M&A tại Việt Nam sẽ diễn biến tích cực hơn trong thời gian tới..>> Chi tiết
- Mỹ đánh thuế hàng hóa Trung Quốc: Ai phải chịu chi nhiều hơn?
Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra thỏa mãn khi đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với suy nghĩ phía Trung Quốc sẽ phải chịu khoản chi phí này..>> Chi tiết