Kỳ vọng tạo làn sóng “Make in Vietnam”

(ĐTCK) “Make in Vietnam - Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh thông điệp về công nghệ, cũng như khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường.
Vingroup công bố chuyển đổi mô hình phát triển, mục tiêu trở thành một tập đoàn công nghệ hàng đầu khu vực trong vòng 10 năm tới. Vingroup công bố chuyển đổi mô hình phát triển, mục tiêu trở thành một tập đoàn công nghệ hàng đầu khu vực trong vòng 10 năm tới.

Doanh nghiệp dám làm

Tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tổ chức ngày 9/5, công nghệ được nhìn nhận là con đường nhanh, hiệu quả nhất, thậm chí là duy nhất tạo nên sự phát triển đột phá cho bất kỳ nền kinh tế nào. Một ví dụ dễ thấy là hơn 10 năm trước, trong số 10 công ty lớn nhất thế giới chỉ có 1 công ty duy nhất chuyên về công nghệ là Microsoft, thì hiện nay có tới 9/10 doanh nghiệp Top đầu thế giới thuộc lĩnh vực công nghệ.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã chuyển hướng theo dòng chảy này. Bà Lê Thu Thủy, Phó chủ tịch Vingroup cho biết, tháng 8/2018, Vingroup đã chính thức công bố chuyển đổi mô hình phát triển với 3 trụ cột chính là công nghệ, công nghiệp và thương mại dịch vụ, tiến tới trở thành một tập đoàn công nghệ hàng đầu khu vực trong vòng 10 năm tới.

Vingroup tiếp cận lĩnh vực công nghệ bằng 4 chiến lược. Thứ nhất, lập bộ phận nghiên cứu, đầu tư công nghệ mới, có tính ứng dụng cao và áp dụng vào sản phẩm của mình. Thứ hai, hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới để học hỏi, tiếp cận công nghệ lõi và rút ngắn thời gian. Thứ ba, góp sức đào tạo nhân lực tinh hoa và thu hút nhân tài công nghệ về làm việc. Thứ tư, mở rộng mạng lưới tại các nước có công nghệ phát triển.

Bà Thủy cho biết, ngoài ô tô, điện thoại, xe máy, Vinsmart sắp cho ra đời máy tính bảng và đang nghiên cứu sản xuất điều hòa, TV, tủ lạnh, thiết bị kết nối internet (internet of things - IoT), camera và đang hợp tác với đối tác Mỹ để sản xuất điện thoại 5G.

Trong khi đó, ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Misa lại nuôi giấc mơ ứng dụng thành công các công nghệ mới mang lại hiệu quả cao cho xã hội. Giải pháp hóa đơn điện tử mà doanh nghiệp đang phát triển được kỳ vọng giúp tiết kiệm mỗi năm 10.150 tỷ đồng chi phí trên toàn quốc. Tương tự, việc ứng dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) giúp tự động nhập liệu và hạch toán kế toán làm tăng năng suất gấp 10 lần.

Lấy ví dụ tại Juno để thấy công nghệ có thể đem lại hiệu quả kinh doanh vượt trội cho doanh nghiệp, ông Phạm Hải Văn, Giám đốc miền bắc Công ty cổ phần Công nghệ Haravan cho biết, số hóa dữ liệu khách hàng giúp Juno giảm 40% chi phí marketing, tăng trưởng gần 300% trong 3 năm qua. Mỗi ngày 100 cửa hàng thuộc hệ thống Juno phục vụ được 35.000 khách hàng, trong khi hệ thống online phục vụ tới 40.000 lượt khách.

Tuy nhiên, hiện tại, chưa có một làn sóng tập trung cho công nghệ mà chỉ là những cố gắng lẻ tẻ. Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ hiện nay không dám chạy hết tốc độ. Họ rất muốn làm, đầy đủ nguồn lực và thừa quyết tâm để làm, nhưng những rào cản về chính sách, quy định khiến họ không thể thực hiện, không dám chạy hết tốc độ và cũng không huy động được lực lượng xã hội. 

Tạo không gian để đảo ngược bất lợi

Ðặt câu hỏi về tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, sánh vai cường quốc năm châu, khát vọng về một Việt Nam hùng cường, đâu là câu trả lời chung cho những trăn trở ngàn năm đó của Việt Nam? Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời, đó là công nghệ.

Bộ trưởng cho rằng, ngày nay, bất kỳ công ty nào, dù là cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, đều liên quan đến công nghệ. Các công ty sẽ không thể sản xuất và marketing hiệu quả nếu không sử dụng công nghệ, nhất là các công nghệ mới. Những doanh nghiệp áp dụng công nghệ để thay đổi sản phẩm, thay đổi cách tạo ra sản phẩm, cũng như mô hình kinh doanh thì chính họ sẽ góp phần định hình lại thế giới.

Trong khi đó, các công ty công nghệ, dù là phát triển hay sản xuất, cung cấp công nghệ đều là nhân tố quan trọng nhất để đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ vào tất cả các doanh nghiệp, vào toàn bộ nền kinh tế và xã hội. Chính vì thế mà phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được coi là ưu tiên số 1.

Xác định ưu tiên này, Việt Nam sẽ tạo ra điều kiện để nhân tài hội tụ, cho phép thử nghiệm các công nghệ, mô hình kinh doanh mới, với cách tiếp cận Sandbox (mô hình quản lý thử nghiệm): Cái gì chưa biết quản lý thế nào thì sẽ cho phép thử nghiệm trong một không gian và thời gian giới hạn. Những “đặc khu công nghệ”, “đặc khu đổi mới sáng tạo” với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ có thể được chính phủ xem xét.

Từ góc độ những người làm trực tiếp, bà Lê Thu Thủy cho rằng, kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, các chính sách ưu tiên về thuế, thủ tục hành chính… cho công nghệ rất cởi mở bởi giới chức các nước xác định, đây là nền tảng phát triển kinh tế. Hiện tại Việt Nam vẫn thiếu chính sách nhằm đẩy mạnh các công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế chương trình Fulbright, Việt Nam cần có khung pháp lý thông thoáng cho hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; hoạt động tài trợ vốn qua kênh quỹ đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư cổ phần tư nhân; khuyến khích về thuế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp; quy hoạch để thu hút đầu tư tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng nhằm đẩy nhanh sự quy tụ các doanh nghiệp công nghệ tại các đô thị lớn.

Với sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn, những kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia trong và ngoài nước sẽ được lắng nghe và xem xét. Thủ tướng chỉ đạo, Chính phủ cùng các bộ liên quan sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ. Ông đồng ý với chủ trương thí điểm xây dựng khu công nghiệp, công nghệ sáng tạo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ sẽ đưa các vấn đề cụ thể như liên kết, kêu gọi các doanh nghiệp hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm, nghiên cứu và ban hành cơ chế chính sách thu hút nhân lực nước ngoài, thúc đẩy doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số...

Thủ tướng giao lại các vấn đề này cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm chỉ thị, chiến lược về phát triển doanh nghiệp công nghệ để trình Chính phủ trong tháng 6, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai phát triển công nghệ.

"Nếu nắm bắt thời cơ, phát huy tiềm năng, Việt Nam sẽ tiến cùng thời đại. Nhận thức này cần được biến thành hành động, tháo gỡ rào cản cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Tiến sỹ Choi Youngrak, Viện Chính sách khoa học và công nghệ Hàn Quốc

Hàn Quốc đã chuyển mình thành công từ quốc gia nhập khẩu công nghệ thành cường quốc đi đầu về công nghệ; có đủ nguồn lực con người từ các kỹ sư cho đến chuyên gia R&D, có nhiều cơ sở nghiên cứu có năng lực, cạnh tranh như viện nghiên cứu, đại học, sau đại học, các doanh nghiệp tư nhân; nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh; có năng lực chế tạo và nắm bắt, làm chủ phương thức sản xuất.

Mấu chốt cho thành công này là động lực tự thân của các doanh nghiệp tư nhân, đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ và thuê ngoài dịch vụ công nghệ; thúc đẩy quá trình học hỏi, nắm bắt công nghệ để làm chủ và theo kịp công nghệ nhập khẩu. Giai đoạn sau, các kỹ sư bản địa sẽ là người đứng đầu các dự án phát triển sản phẩm, quy trình mới; các lãnh đạo doanh nghiệp cam kết dài hạn và quyết định duy trì đầu tư quy mô lớn liên tục. 

Về phần chính phủ, phải có chính sách phát triển các cơ sở R&D, tăng cường đầu tư R&D và phát triển nguồn nhân lực; chọn lựa lĩnh vực ưu tiên để dồn lực đầu tư; ưu đãi tài chính như trợ cấp, vay chính sách, ưu đãi thuế…

Anh Việt - Thành Trung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục