Thị trường tài chính 24h: Thanh khoản đang hỗ trợ cho xu hướng tích cực của thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tiếp tục tăng; Mãi lực vàng của người Việt giảm mạnh trong quý III/2021; Thị trường chứng khoán: Bao giờ cung hàng tăng mạnh?; Doanh nghiệp niêm yết tìm động lực vực dậy; Các nhà máy lọc dầu đang được hưởng lợi...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Thanh khoản đang hỗ trợ cho xu hướng tích cực của thị trường

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 29/10 giảm 150.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng trở lại đúng 150.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 57,80 – 58,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 2,1 USD lên 1.799,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng lùi nhẹ về 1.795 USD/ounce và đi ngang cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 93,50 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 29/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.131 đồng/USD, giảm 14 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.650 – 22.850 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,29 USD (+0,35%), lên 83,10 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,32 USD (+0,35%), lên 84,64 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng ở 60.500 USD, thì sang ngày hôm nay đã có thời điểm lên 62.000 USD, nhưng đã hạ nhiệt về cuối ngày tại 60.700 USD/BTC.

Chứng khoán trong nước

Thanh khoản đang hỗ trợ cho xu hướng tích cực của thị trường

Diễn biến phiên hôm nay cũng không khác nhiều so với những phiên gần đây khi về phiên chiều, lực cầu tăng tốt đã kéo VN-Index đi lên và gần như đóng cửa tại mức cao nhất trong ngày.

Bên cạnh việc VN-Index tiếp tục nới rộng đà tăng và ngày càng tiến gần ngưỡng 1.500 điểm, thanh khoản đang hỗ trợ khá tốt cho xu hướng tích cực của thị trường khi liên tục tăng mạnh.

Nhóm VN30 có VHM vẫn là điểm tựa chính khi +5,6%, BID +4,1%, ACB +3,6%.

Hàng loạt mã thuộc top vừa và nhỏ như HQC, PHC, TEG, HAR, DRH, HTN, HBC, SGR… đua trần; DPG tăng 6,3%, KDH tăng 3%, DIG tăng 3,9%, ITC tăng 5,8%...

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 11,08 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 175,99 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 29/10: VN-Index tăng 6,26 điểm (+0,44%), lên 1.444,27 điểm; HNX-Index tăng 1,05 điểm (+0,26%), lên 412,12 điểm; UpCoM-Index tăng 0,99 điểm (+0,95%), lên 105,38 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall khởi sắc trong phiên ngày thứ Năm (28/10) khi kết quả kinh doanh khả quan của các công ty lớn giúp giảm bớt lo ngại về việc kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Cổ phiếu Ford là điểm sáng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, tăng vọt 8,7% sau khi báo cáo đạt lợi nhuận khủng trong quý III, đồng thời nâng dự báo triển vọng cả năm.

Cổ phiếu Caterpillar đóng cửa tăng 4% và cổ phiếu Merck tăng 6% sau khi công bố kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng.

Cổ phiếu Apple và Amazon lần lượt tăng 2,5% và gần 1,6% trước thềm công bố báo cáo vào cuối ngày. Cổ phiếu Tesla vọt 3,7%, tiếp tục đà tăng mạnh sau kết quả lợi nhuận tích cực trong tuần trước.

Về dữ liệu kinh tế, Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Năm cho biết, nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tăng trưởng 2% trong quý III do nhiễm làn sóng Covid-19 bùng phát, thấp hơn so với ước tính 2,7%.

Kết thúc phiên 28/10, chỉ số Dow Jones tăng 239,79 điểm (+0,68%), lên 35.730,48 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 44,74 điểm (+0,98%), lên 4.596,42 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 212,28 điểm (+1,39%), lên 15.448,12 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, do sự lạc quan về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp trong nước, nhưng các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước cuộc tổng tuyển cử trong ngày cuối tuần.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,25% lên 28.892,69 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số này đã nhích 0,3%. Chỉ số Topix tăng 0,08% lên 2,001,18 điểm.

Chỉ số Nikkei 225 lên trên tham chiếu vào giữa phiên, sau khi Denso – một đơn vị của Toyota báo cáo lợi nhuận vượt trội trong quý vừa qua, kết phiên Denso tăng 1,72%, Toyota tăng 0,33%.

Đáng chú ý khác là cổ phiếu của Keyence tăng 5,03%, sau khi nhà sản xuất thiết bị ứng dụng điện tử này báo cáo lợi nhuận ròng nửa đầu năm tăng 67%.

Cổ phiếu Các hãng vận tải biển tăng 7,22%, khi dự báo lợi nhuận trong năm của Mitsui OSK Lines đánh bại con số của các nhà phân tích.

Nhưng mức tăng thị trường bị hạn chế do các nhà đầu tư kiềm chế đặt cược trước cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào cuối tuần.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, nhờ cổ phiếu tiêu dùng, công nghệ và chăm sóc sức khỏe đều tăng, nhưng bất động sản có ​​tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2018 do kế hoạch áp thuế của Bắc Kinh.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,82% lên 3.547,34 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,92% lên 4.908,77 điểm.

Trong tuần, chỉ số CSI300 mất 1%, Shanghai Composite giảm 1%.

Hỗ trợ thị trường hôm nay đến từ nhóm cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin và chăm sóc sức khỏe tăng từ 1,6% đến 2,2%.

Cổ phiếu của các công ty bất động sản Trung Quốc giảm phiên thứ năm liên tiếp, với chỉ số phụ theo dõi mất 3,5% và trong cả tuần, giảm 11,5%, mức lớn nhất kể từ tháng 2/2018.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, do các công ty công nghệ kéo xuống lùi và các công ty bảo hiểm.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,7%, xuống 25.377,24 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 1,% xuống 8.961,73 điểm.

Trong tuần, chỉ số Hang Seng mất 2,9%, chỉ số HSCE giảm 4,2%.

Cổ phiếu công nghệ suy yếu, sau khi Cơ quan quản lý internet hàng đầu của Trung Quốc đã công bố dự thảo hướng dẫn sẽ buộc các công ty có hơn 1 triệu người dùng trong nước phải xem xét bảo mật trước khi họ có thể gửi dữ liệu liên quan đến người dùng ra nước ngoài.

Các công ty bảo hiểm China Life Insurance Co Ltd và Ping An Insurance Group giảm hơn 3%, sau khi lợi nhuận ròng quý III của China Life Insurance và Ping An Insurace lần lượt giảm 54,5% và 31,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do dữ liệu kinh tế yếu kém và những rắc rối trong chuỗi cung ứng có thể còn đè nặng lên nền kinh tế.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 1,29% xuống 2.970,68 điểm. Trong tuần, chỉ số này giảm 1,18%.

Nhóm cổ phiếu lớn đều yếu với hai gã khổng lồ chip Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 1,27% và 3,29%, trong khi nhà sản xuất pin LG Chem giảm 1,65%.

Kết thúc phiên 29/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 72,60 điểm (+0,25%), lên 28.892,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 28,92 điểm (+0,82%), lên 3.547,34 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 178,49 điểm (-0,70%), xuống 25.337,24 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 38,87 điểm (-1,29%), xuống 2.970,68 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Mãi lực vàng của người Việt giảm mạnh trong quý III/2021

Báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho biết, trong quý III/2021, người Việt đã mua tổng cộng 3 tấn vàng, giảm 50% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, người dân đã mua 1 tấn vàng trang sức, 2 tấn vàng miếng và tiền xu (một sản phẩm vàng vật chất)..>> Chi tiết

- Thị trường chứng khoán: Bao giờ cung hàng tăng mạnh?

Cho đến thời điểm này, nhiều cổ đông của các công ty đại chúng chưa niêm yết, đăng ký giao dịch mong chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố danh sách các doanh nghiệp “nợ" nghĩa vụ lên sàn..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp niêm yết tìm động lực vực dậy

Quý III/2021, nhiều doanh nghiệp lần đầu tiên “nếm mùi” thua lỗ, hoặc thua lỗ sau nhiều năm. Nỗ lực vực dậy trong quý IV để hoàn thành kế hoạch năm là mục tiêu họ phấn đấu..>> Chi tiết

- Nhu cầu dầu toàn cầu đang tăng vọt và các nhà máy lọc dầu đang được hưởng lợi

Mức tiêu thụ nhiên liệu đang tăng vọt trên toàn cầu và các nhà máy lọc dầu vẫn đang ở giai đoạn kiếm được lợi nhuận cao nhất trong nhiều năm..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục