Thị trường tài chính 24h: Tạm nghỉ để bứt phá?

(ĐTCK)VN-Index điều chỉnh; Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng sẽ tăng trong trung hạn; Thị trường 1.000 điểm, cơ hội kiếm lời ở đâu?; Cổ phiếu bảo hiểm - “của để dành“; Dòng tiền vào cổ phiếu vua sẽ phân hóa; Chứng khoán toàn cầu vững bước đi lên; Giữ vững niềm tin tích cực về thị trường chứng khoán thế giới...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Ảnh Internet Ảnh Internet

VN-Index điều chỉnh

Sau 9 phiên liên tiếp tăng và vượt đỉnh 1.000 điểm, thị trường đã chịu áp lực bán chốt lời trong phiên hôm nay. Trong phiên sáng, VN-Index có thời điểm mất gần 10 điểm. Sau đó, lực cầu nhập cuộc tốt giúp hãm đà giảm của chỉ số.

Bước sang phiên chiều, sau khoảng 1 giờ đi ngang, lực bán bất ngờ tăng mạnh về cuối phiên, khiến VN-Index chính thức có phiên điều.

Nhóm bluechip vẫn chủ yếu đứng dưới tham chiếu, VN30 có tới 22 mã giảm và chỉ 6 mã tăng.

Trong khi hầu hết các cổ phiếu ngân hàng như VCB, CTG, BID, MBB đều nới rộng đà giảm, thì “tân binh” HDB tiếp tục bùng nổ trong phiên chiều, đặc biệt trong đợt khớp ATC.

Lệnh mua ồ ạt trong đợt ATC đã khiến HDB có khối lượng khớp lệnh tăng vọt lên mức 32,2 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá trần 39.600 đồng/CP, tăng 20%, khối ngoại mua ròng hơn 5 triệu đơn vị.

Bên cạnh HDB, thành viên khác của nhóm cổ phiếu ngân hàng là EIB cũng có màn khởi sắc ấn tượng khi duy trì mức tăng 6,6 và kết phiên ở mức giá trần 12.900 đồng/CP.

Ngoài ra, ROS, MSN, PLX tiếp tục tăng và đóng vai trò là các má phanh giúp thị trường hãm bớt tiêu cực.

Trong khi đó, các cổ phiếu lớn khác như VNM, VIC, GAS, SAB, VRE… vẫn tiếp tục giảm điểm, trong đó GAS nới rộng đà giảm 1,6%, SAB cũng giảm sâu hơn 1,2%.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng 9,5 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 393,86 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 7,76 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 264,88 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 276.720 đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 17,53 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 5/1: VN-Index giảm 7,1 điểm (-0,7%), xuống 1.012,65 điểm; HNX-Index giảm 0,58 điểm (-0,49%), xuống 118,92 điểm; PCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,19%), lên mức 56,22 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 9.542 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ 

Theo báo cáo bảng lương trong lĩnh vực tư nhân (ADP) vừa được công bố trong ngày thứ Năm, trong tháng 12/2017, các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực tư nhân Mỹ tuyển thêm 250.000 việc làm, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 3/2017.

Dữ liệu công bố trước đó cũng cho thấy, khu vực sản xuất của Mỹ cũng rất tích cực, càng củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào đà tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2017 và 2018.

Nhận các thông tin kinh tế khả quan, phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm trong ngày thứ Năm, trong đó chỉ số Dow Jones đã vượt ngưỡng 25.000 điểm, còn S&P 500 và Nasdaq lên mức cao kỷ lục mới, dù đà tăng khiêm tốn hơn nhiều phiên trước đo do sự hạ nhiệt của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Thứ Sáu, các nhà đầu tư hướng sự tập trung vào báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ với dự đoán khu vực này sẽ có thêm 190.000 việc làm trong tháng 12/2017.

Kết thúc phiên 4/1, chỉ số Dow Jones tăng 152,45 điểm (+0,61%), lên 25.075,13 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,79 điểm (+0,43%), lên 2.724,85 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 12,38 điểm (+0,18%), lên 7.077,92 điểm.

Trên thị trường châu Á

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng nhẹ trong phiên cuối tuần, nhờ động lực của cổ phiếu tài chính và Toshiba trong khi softbank kéo lùi thị trường.

Chỉ số Nikkei tăng 0,9% lên 23.714,53 điểm.

Gavin Parry, Giám đốc điều hành của Parry International Trading Ltd nói: "Thị trường đang ngày càng có nhiều cơ hội hơn. Nền kinh tế đang phát triển, đồng yên thấp hơn USD, và Ngân hàng Nhật tiếp tục ưu tiên chính sách tiền tệ nới lỏng”.

Trong phiên, SoftBank giảm 0,7%, sau khi cựu CEO Uber Travis Kalanick, dự định bán lượng cổ phần nắm giữ tại Uber trị giá 1,4 tỷ USD cho Softbank.

Nhưng chỉ số theo dõi cổ phiếu ngành ngân hàng tăng hơn 1,6% với Mitsubishi UFJ Financial Group tăng mạnh nhất khi cộng thêm 2,3%.

Các công ty chứng khoán cũng hút người mua với chỉ số phụ tăng 1,9%, sau khi tăng 4,9% trong phiên giao dịch hôm qua, với cổ phiếu ấn tượng Nomura Holdings tăng thêm 3,5%.

Các nhóm nghành tăng còn có sắt và thép, tăng 2%; kim loại màu, tăng 1,9% và vận tải đường biển, tăng 1,8%.

Cổ phiếu của Toshiba Corp tăng 2,2%, sau khi một chi nhánh của quỹ Quản lý Brookfield của Canada cho hay, sẽ mua lại Westinghouse Electric Co LLC, công ty dịch vụ hạt nhân bị phá sản thuộc sở hữu của Toshiba, với giá 4,6 tỷ USD.

Cổ phiếu Takashimaya giảm 3,24% sau khi công bố doanh thu tháng 12 tại 13 cửa hàng chỉ tăng 0,9% so với tháng trước, giảm so với mức tăng 3,9% của tháng 11.

Chứng khoán Trung Quốc cũng tăng nhẹ, với hai chỉ số chuẩn chính ghi nhận tăng phiên thứ 6 liên tiếp.

Một cuộc khảo sát doanh nghiệp tư nhân cho thấy, sự tăng trưởng trong khu vực sản xuất của Trung Quốc tăng lên mức cao trong 4 tháng vào tháng 12 năm ngoái nhờ vào sự gia tăng các đơn đặt hàng mới.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,2% lên 3.392,36 điểm, mức cao nhất trong 6 tuần qua. Chỉ số CSI300 blue-chip tăng 0,25%.

Trong tuần, SSEC tăng 2,6%, trong khi CSI300 tăng 2,7%.

Chỉ số theo dõi ngành tài chính tăng 0,65%, tiêu dùng tăng 0,13%, bất động sản tăng 4,16% và chăm sóc sức khoẻ giảm 0,03%.

Nhóm 3 cổ phiếu tăng điểm lớn nhất là Jiangsu Hengli Hydraulic Co Ltd tăng 10,01%, Tsingtao Brewery Co Ltd tăng 10,01% và Shanghai Shimao Co Ltd tăng 9,41%.

Trái lại, nhóm 3 mất điểm nhiều nhất là Shanghai Jiaoda Onlly Co Ltd giảm 10,04%, SJEC Corp mất 9,45% và Shanghai Jin Jiang International Investment Co Ltd giảm 5,43%.

Khoảng 21,31 tỷ cổ phiếu được giao dịch trên sàn, bằng khoảng 139,4% trung bình 30 ngày gần nhất của thị trường.

Chứng khoán Hồng Kông tăng phiên thứ 9 liên tiếp, được hỗ trợ phần lớn bởi các cổ phiếu bất động sản.

Các nhà quản lý quỹ và các nhà phân tích nói rằng dòng tiền tham lam đổ vào thị trường từ các nhà đầu tư Đại lục đang đem lại nguồn cung tiền mặt phong phú, cùng sự lạc quan về cải cách thị trường có thể đẩy chỉ số chuẩn tăng 15% trong năm nay.

Hang Seng-index tăng 0,25% lên 30.814,64 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,07% lên 12.211,63 điểm.

Trong tuần, chỉ số HSI tăng 3%, mức tăng tuần thứ 4 liên tiếp.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng 0,8%, CNTT tăng 0,26%, tài chính giảm 0,2% và bất động sản tăng 2,32%.

Cổ phiếu tăng mạnh nhất phiên hôm nay là Sino Land Co Ltd tăng 4,37%, trong khi Hengan International Group Company Ltd giảm mạnh nhất khi mất 2,98%.

3 cổ phiếu tăng giá nhiều nhất trong nhóm cổ phiếu H là China Vanke Co Ltd tăng 6.38%, Postal Savings Bank of China Co Ltd tăng 3,1% và China Shenhua Energy Co Ltd tăng 2,38%.

3 cổ phiếu nhóm H sụt giảm mạnh nhất là New China Life Insurance Co Ltd giảm 3,74%, China Pacific Insurance Group Co Ltd giảm 3,1% và Ping An Insurance Group Co Ltd của China Ltd giảm 2%.

Khoảng 2,33 tỷ cổ phiếu Hang Seng được giao dịch, bằng khoảng 135,5% trung bình 30 ngày gần nhất của thị trường.

Kết thúc phiên 5/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 208,20 điểm (+0,89%), lên 23.714,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 78,16 điểm (+0,25%), lên 30.814,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,04 điểm (+0,18%), lên 3.391,75 điểm.

- Vàng SJC giảm nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.745 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 60.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,49 - 36,71 triệu đồng/lượng, giảm 10.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.407 đồng/USD, giảm 4 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.675 - 22.745 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng sẽ tăng trong trung hạn

Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh theo đà tăng trưởng từ cuối năm 2015. Năm 2017, tín dụng tiêu dùng ước tăng 65%, trong khi năm 2016 là 50,2%..>> Chi tiết

Thị trường 1.000 điểm, cơ hội kiếm lời ở đâu?

Một công ty trong ngành xây dựng vừa ký hợp đồng bán cổ phần cho 3 quỹ đầu tư lớn, với mức giá hơn 100.000 đồng/cổ phiếu. Đây là thương vụ phát hành cổ phiếu riêng lẻ rất đẹp, mở hàng cho các quỹ đầu tư đầu năm 2018..>> Chi tiết

Cổ phiếu bảo hiểm - “của để dành“

Tuy không có mặt trong 5 nhóm ngành được coi là triển vọng năm 2018, nhưng cổ phiếu ngành bảo hiểm không vì thế mà giảm sức hấp dẫn..>> Chi tiết

Dòng tiền vào cổ phiếu vua sẽ phân hóa

Sự tăng trưởng tích cực của thị trường chứng khoán thời gian qua, cùng làn sóng lên sàn của các nhà băng đã thu hút nhà đầu tư quay trở lại với cổ phiếu ngân hàng, một thời từng được xem là cổ phiếu vua..>> Chi tiết

8 nghị định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt vừa có hiệu lực

Chính phủ vừa ban hành 8 nghị định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại với một số nước..>> Chi tiết

- Giữ vững niềm tin tích cực về thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã có một năm 2017 tăng trưởng tích cực, với chỉ số S&P 500 tăng hơn 15%. Tuy nhiên, với đà tăng đã kéo dài kể từ tháng 3/2009 tới nay, nhiều người lo ngại, liệu 2018 có là thời điểm bắt đầu đi xuống của thị trường chứng khoán toàn cầu?..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,206.12 0.51 0.04% 101,353 tỷ
HNX 227.09 -0.78 -0.34% 874 tỷ
UPCOM 88.16 -0.21 -0.23% 334 tỷ