Thị trường tài chính 24h: Tâm lý và sức mạnh dòng tiền đang suy yếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index lao dốc mạnh; Chính sách tiền tệ cần được “hỗ trợ”; Thị trường chứng khoán: Lo dòng tiền giảm; Cơ hội trên thị trường chứng khoán dần thu hẹp; Hơn 80 quốc gia đã nâng lãi suất, kinh tế toàn cầu đối mặt suy thoái?... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Tâm lý và sức mạnh dòng tiền đang suy yếu

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 26/9 giảm 200.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 65,60 – 66,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 26,8 USD xuống mức 1.644,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi nhẹ lên 1.650 USD, nhưng đã nhanh chóng hạ nhiệt về gần 1.640 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 113,59 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 26/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.334 đồng/USD, tăng 10 đồng so với ngày cuối tuần. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.590 – 23.870 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng ở 18.760 USD, thì sang phiên hôm nay bất ngờ có nhịp tăng mạnh lên gần 19.300 USD, trước khi đảo chiều về gần 19.100 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,56 USD (-0,71%), xuống 78,18 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,61 USD (-0,56%), xuống 85,67 USD/thùng.

VN-Index giảm mạnh

Áp lực bán mạnh xuất hiện từ sớm và lan rộng khiến VN-Index có thời điểm mất hơn 40 điểm về dưới 1.160 điểm.

Ngay khi thủng mốc này, lực cầu bắt đáy đã gia tăng mạnh giúp thị trường bật ngược đi lên và hồi phục khoảng 15 điểm lên gần 1.175 điểm khi đóng cửa.

Xét về nhóm ngành, nhóm bất động sản và xây dựng là nhóm có nhiều mã giảm sàn nhất, điển hình như một số mã HDC, TDC, NHA, DXG, NLG, DPG, HDG, SZC, PHC, IJC, DXS…

Tuy nhiên, nhóm chứng khoán vẫn giảm mạnh nhất. Bên cạnh CTS, FTS, VDS, VIG nằm sàn, các mã khác giảm sâu như APG -6,8%, AGR -6,4%, ORS -6,1%, VND và VIX cùng giảm 5,9%, VCI -5,8%, SSI -5,6%...

Kết thúc phiên giao dịch 26/9: VN-Index giảm 28,93 điểm (-2,4%), xuống 1.174,35 điểm; HNX-Index giảm 8,76 điểm (-3,31%), xuống 255,68 điểm; UPCoM-Index giảm 1,91 điểm (-2,15%), xuống 86,68 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall lao dốc trong ngày thứ Sáu (23/9), khi lãi suất tăng và biến động ngoại tệ làm gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu.

Đồng USD tăng lên mức cao nhất 22 năm và trái phiếu bị bán ồ ạt khiến lợi suất tăng chóng mặt.

Trong một báo cáo, Goldman Sachs cắt giảm mức điểm dự báo của S&P 500 vào cuối năm nay, vì lý do lãi suất tăng. Các nhà phân tích của ngân hàng này dự báo chỉ số sẽ giảm thêm ít nhất 4% từ mức hiện tại.

Trong tuần, Dow Jones giảm 4%, S&P 500 giảm 4,65% và Nasdaq Composite giảm 5,07%.

Kết thúc phiên 23/9, chỉ số Dow Jones giảm 486,27 điểm (-1,62%), xuống 29.590,41 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 64,76 điểm (-1,72%), xuống 3.693,23 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 198,88 điểm (-1,80%), xuống 10.867,93 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh, khi các nhà đầu tư lo ngại về sự can thiệp vào tỷ giá của chính phủ, cùng đà lao dốc của đồng bảng Anh cũng khiến thị trường chịu thêm áp lực.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,66% xuống 26.431,55 điểm. Chỉ số Topix giảm 2,71% xuống 1.864,28 điểm.

Yasushi Yokoyama của Aizawa Securities cho biết: “Nguy cơ thắt chặt tiền tệ gây ra suy thoái đã tăng cao. Đó không phải là môi trường mà chúng ta có thể mạnh tay mua cổ phiếu”.

Các nhà chức trách Nhật Bản tuần trước đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để lấy lại sức mạnh cho đồng yên, khi giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 1998.

Đồng yên giảm xuống mức 143,8 yên/USD, suy yếu 2,43% kể từ khi can thiệp của Bộ Tài chính đẩy tỷ giá xuống 140,31 yên/USD vào tuần trước, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm chuẩn ở mức 3,7627%.

Đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 1,0327 Bảng Anh đổi 1 USD, sau khi thủ tướng mới của Anh công bố một gói cắt giảm thuế sâu rộng.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do ảnh hưởng từ việc nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới thắt chặt tiền tệ và lo ngại suy thoái.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 1,2% xuống 3.051,23 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,5% xuống 3.836,68 điểm.

Đối phó với tình trạng bất ổn và lo ngại suy thoái, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã công bố các bước để làm chậm tốc độ mất giá gần đây của đồng nhân dân tệ.

Theo đó, PBOC sẽ nâng mức dự phòng rủi ro ngoại hối cho các tổ chức tài chính khi mua ngoại hối thông qua tiền tệ chuyển tiếp lên 20% (từ mức 0 hiện tại), bắt đầu từ ngày 28/9 tới đây.

Phiên này, cổ phiếu của các công ty năng lượng và tài nguyên lần lượt giảm 3,5% và 3,3% do lo ngại nhu cầu giảm trong cuộc suy thoái toàn cầu.

Chứng khoán Hồng Kông đảo chiều giảm, khi khẩu vị rủi ro vẫn ở mức thấp do lo ngại suy thoái kinh tế.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,44% xuống 17.855,14 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,38% xuống 6.137,78 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm, trong khi đồng won có phiên mất giá lớn nhất kể từ tháng 3/2020 do lo ngại về suy thoái toàn cầu gia tăng sau khi Anh tuyên bố cắt giảm thuế mới và gia tăng vay nợ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 69,06 điểm, tương đương 3,02% xuống 2.220,94 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 27/7/2020.

Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 1,1% và SK Hynix giảm 1,2%, nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 3,04%.

Các biện pháp mới của Anh nhằm hỗ trợ nền kinh tế cũng như kết quả bầu cử của Ý đã làm dấy lên lo ngại về sự suy thoái hơn nữa của nền kinh tế toàn cầu, Park Gwang-nam, một nhà phân tích tại Mirae Asset Securities, cho biết.

Đồng won hôm nay có thời điểm giảm xuống 1.420 won/USD, lần đầu tiên sau 13 năm đồng nội tệ của Hàn Quốc đã giảm xuống dưới mốc này và chạm mốc thấp mới tại hơn 1.430 won/USD vào cuối ngày.

Kết thúc phiên 26/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 722,28 điểm (-2,66%), xuống 26.431,55 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 37,14 điểm (-1,20%), xuống 3.051,23 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 78,13 điểm (-0,44%), xuống 17.855,14 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 69,06 điểm (-3,02%), xuống 2.220,94 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Chính sách tiền tệ cần được “hỗ trợ”

Sức ép đang căng ở chính sách tiền tệ nên cần sớm quay lại vấn đề quan trọng là chính sách tài khoá phải can thiệp, hỗ trợ kịp thời..>> Chi tiết

- Thị trường chứng khoán: Lo dòng tiền giảm

Lực bán trong tuần qua nhìn chung áp đảo, nhưng hiện có dấu hiệu cạn cung. Mặc dù vậy, tâm lý và sức mạnh dòng tiền vẫn đang suy yếu, nhất là khi lãi suất tăng..>> Chi tiết

- Cơ hội trên thị trường chứng khoán dần thu hẹp

Quyết định nâng lãi suất thêm 0,75% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 21/9 nằm trong dự đoán, nhưng thị trường chứng khoán toàn cầu cần chuẩn bị tâm lý cho các đợt tăng lãi suất tiếp theo, khiến cơ hội đầu tư dần thu hẹp..>> Chi tiết

- Hơn 80 quốc gia đã nâng lãi suất, kinh tế toàn cầu đối mặt suy thoái?

Các quốc gia trên toàn cầu đang mạnh tay nâng lãi suất nhằm chống lại lạm phát. Vậy cái giá phải trả là gì?..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục