Thị trường tài chính 24h: Rũ bỏ

(ĐTCK) Sau 2 phiên lình xình, thị trường đã có phiên rũ bỏ khi VN-Index giảm sâu về đáy cũ, khích thích dòng tiền bắt đáy nhập cuộc; Chính sách tỷ giá ổn định “giữ chân” dòng vốn ngoại; Chờ đợi diễn biến mới với mã cao su; Dầu tăng giá: Nhà đầu tư nên chọn mã nào?; Kích hoạt dòng tiền lớn; Chứng khoán Châu Á lại lao dốc sau khi Mỹ có ý định đánh thuế thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc; Mỹ có thể suy thoái trong vài năm tới...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Ảnh Internet. Ảnh Internet.

VN-Index mất gần 18 điểm

Trong phiên sáng, cả 2 sàn đều chìm trong sắc đỏ với hàng trăm mã giảm giá do áp lực bán gia tăng mạnh .VN-Index mất mốc 900 điểm và HNX-Index cũng thủng mốc 100 điểm.

Trong phiên chiều, lực cung giá thấp tiếp tục được tung vào, đẩy cả 2 chỉ số chính lùi sâu hơn, trong đó VN-Index lùi về vùng đáy cũ của năm 885 điểm.

Tuy nhiên, ở các vùng hỗ trợ này, bên nắm giữ tiền mặt đã mạnh dạn bắt đáy, giúp giao dịch sôi động và đà giảm của 2 chỉ số được hãm bớt, VN-Index lấy lại mốc 890 điểm và HNX-Index cũng vượt qua 97,5 điểm. Thanh khoản cả 2 sàn cũng tăng mạnh trong phiên hôm nay.

Nhóm ngân hàng bị chốt lời mạnh với VCB giảm 3,58% xuống 51.200 đồng; CTG giảm 6,49% xuống 20.900 đồng; BID giảm 6,55% xuống 22.100 đồng; VPB giảm sàn xuống 25.900 đồng; MBB giảm 5,83% xuống 19.400 đồng; HDB giảm 6,55% xuống 32.800 đồng; TCB giảm sàn xuống 25.750 đồng; STB giảm 3,85%, xuống 10.000 đồng; TPB giảm 1,47% xuống 26.800 đồng; EIB may mắn giữ được tham chiếu 14.000 đồng.

Top 10 mã vốn hóa lớn nhất HOSE, sắc đỏ cũng bao trùm với VHM giảm 1,17%, xuống 109.700 đồng, GAS giảm 2,75%, xuống 77.800 đồng, HPG giảm 3,1%, xuống 34.400 đồng, VIC lội ngược dòng khi tăng 1,46%, lên 104.500 đồng, VNM và SAB đứng tham chiếu.

Với các mã bluechip khác, đà giảm cũng xuất hiện ở hàng loạt mã như VJC, VRE, PLX, BVH, MWG, FPT, BHN, ROS, PNJ, SSI, DHG…, trong khi sắc xanh chỉ le lói ở NVL (+0,2%, lên 50.600 đồng).

Một số mã khác giảm sàn như HBC, HCM, CVT, TDH, DPG…

Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, FLC và HAG là 2 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE hôm nay với 11,58 triệu đơn vị và 7,7 triệu đơn vị và đều đóng cửa giảm nhẹ 1,86%.

Sắc đỏ cũng bao trùm các mã khác như FIT, HHS, ITA, KBC, SCR, ASM, IDI, HQC, DLG…, trong khi HNG lại đi ngược với mức tăng nhẹ 0,44%, lên 11.500 đồng.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng hơn 3,29 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 69,98 tỷ đồng. 

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng hơn 2,09 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 24,83 tỷ đồng. 

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 412.167 đơn vị, giá trị mua ròng 13,06 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 11/7: VN-Index giảm 17,96 điểm (-1,97%), xuống 893,16 điểm; HNX-Index giảm 3,91 điểm (-3,85%), xuống 97,71 điểm; UPCoM-Index giảm 0,68 điểm (-1,36%), xuống 48,88 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4.596 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Kỳ vọng vào mùa công bố kết quả kinh doanh khả quan sau chính sách giảm thuế của chính quyền Tổng thống Trump, phố Wall tiếp tục tăng điểm trong phiên thứ Ba, phiên tăng thứ 3 liên tiếp, trong đó chỉ số S&P 500 lên mức cao nhất 5 tháng.

Chỉ số hàng tiêu dùng thiết yếu tiến 1,3% và tác động tích cực nhất đến S&P 500, dẫn đầu là đà tăng 4,8% của cổ phiếu Pepsi, Procter & Gamble cộng 2,5% và Coca-Cola tăng 1,3%.

S&P 500 đã tăng khoảng 3% trong 4 phiên gần nhất, chủ yếu nhờ thông tin lạc quan về nền kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp.

Lợi nhuận các công ty Mỹ được dự báo sẽ trở thành chìa khóa đối với các nhà đầu tư trong vài tuần sắp tớ,  khi họ chuyển sự tập trung khỏi vấn đề căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Các ngân hàng JPMorgan Chase, Wells Fargo và Citigroup dự kiến báo cáo kết quả kinh doanh vào ngày thứ Sáu, khởi động mùa báo cáo lợi nhuận quý II.

Kết thúc phiên 10/7, chỉ số Dow Jones tăng 143,07 điểm (+0,58%), lên 24.919,66 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,67 điểm (+0,35%), lên 2.793,84 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 3 điểm (+0,04%), lên 7.759,20 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản lại đi xuống,  sau khi Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục áp đặt thuế nhập khẩu 10% đối với hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Đóng cửa, Nikkei 255 giảm 1,2%, sau tăng 3 phiên liên tiếp xuống 21.932,21 điểm. Topix giảm 0,8% xuống 1.701,88 điểm.

Washington đã quyết định áp đặt thuế bổ sung sau khi các nỗ lực đàm phán cho một giải pháp cho tranh chấp thương mại với Trung Quốc đã không đạt được thỏa thuận.

Theo đó, Mỹ đã đưa ra danh sách hàng nghìn loại hàng hóa Trung Quốc muốn áp đặt thuế nhập khẩu, bao gồm hàng trăm sản phẩm thực phẩm và thuốc lá, hóa chất, than đá, thép và nhôm...

Các nhà đầu tư đã cảnh giác và chờ đợi phản ứng của Trung Quốc sau khi Trợ lý Bộ trưởng Thương mại nước này cho biết các đề xuất đánh thuế của Mỹ sẽ gây hại cho WTO và toàn cầu hoá.

Shogo Maekawa, nhà chiến lược thị trường toàn cầu của JPMorgan Asset Management cho biết, “Hầu hết chúng tôi không nghĩ rằng Mỹ sẽ sớm tiết lộ danh sách đánh thuế mới này, vì vậy Phố Wall đã chưa kịp phản ứng. Nhưng bây giờ thị trường sẽ thận trọng về những gì Trung Quốc sẽ làm tiếp theo. ”

Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 và Dow Jones tương lai giảm tương ứng 0,8% và 0,87%.

Với diễn biến mới này từ phía Mỹ, các cổ phiếu bị ảnh hưởng là nhóm các công ty phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu từ Trung Quốc.

Theo đó, nhóm công ty vận tải biển chịu sức ép với Mitsui OSK Lines và Nippon Yusen đều giảm 2,2%.

Các nhà sản xuất thiết bị xây dựng Komatsu giảm 2,5% và Hitachi Construction Machinery giảm 3,5%.

Các nhà sản xuất máy móc cũng bị bán mạnh với Okuma giảm 2% và Makino Milling Machine mất 3,6%.

2 công ty lọc dầu Idemitsu Kosan và Showa Shell Sekiyu đã tiếp tục tăng mạnh, lần lượt cộng thêm 9% và 7,9%, sau khi đồng ý sáp nhật vào ngày 1/4/2019.

Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh sau 3 ngày tăng và đồng Nhân dân tệ suy yếu khi Mỹ đe doạ áp thêm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,8% xuống 2.777,77 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 1,73% xuống 3.407,53 điểm.

Bộ thương mại của Trung Quốc cho biết họ đã bị “sốc” bởi động thái mới nhất của Washington, chỉ vài ngày sau khi cả hai nước áp đặt thuế quan đối với hàng hóa trị giá 34 tỷ USD.

Yan Kaiwen, nhà phân tích của China Fortune Securities, cho biết: “Dựa trên nền tảng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp của Trung Quốc đang chịu áp lực trong bối cảnh chiến tranh với Hoa Kỳ, thị trường chứng khoán thậm chí vẫn chưa chạm đáy”.

Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin theo xu hướng việc này vẫn trong tầm kiểm soát .

“Việc tranh chấp thương mại có thể mang lại một số cảm xúc tiêu cực cho thị trường tài chính trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, các nguyên tắc cơ bản của thị trường tài chính Trung Quốc là không đổi, và nhà đầu tư không nên đánh giá quá cao tác động của nó", Guan Tao, cựu Giám đốc bộ phận Thanh toán quốc tế tại Cục quản lý ngoại hối Trung Quốc (SAFE) được trích lời từ Tân Hoa Xã.

Cổ phiếu hãng hàng không, vốn đã phải chịu áp lực giảm trong những tuần gần đây do giá dầu tăng và đồng Nhân dân tệ giảm, đã tiếp tục ảnh hưởng đặc biệt mạnh vào phiên hôm nay với China Southern Airlines và Air China giảm hơn 6%; China Eastern Airlines giảm 5,7%.

Chứng khoán Hồng Kông đã giảm trở lại, khi các nhà đầu tư bán mạnh  sau thông tin Mỹ tuyên bố áp thêm thuế đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm gần 1,3% xuống 28.311,69 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm hơn 1,5% xuống 10.658,26 điểm.

Các bluechip đồng loạt giảm mạnh với Mengniu Dairy giảm 4,67% China Shenhua giảm 4,43%; Country Garden giảm 3,77%; China Resources Power giảm 3,03%.

Nhóm cổ phiếu tài chính Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông cũng lùi sâu với China Life giảm 2,62%; China Taiping giảm 0,78%; China Merchants Bank giảm 2,48%; ICBC giảm 2,3%.

Tương tự, nhóm cổ phiếu bất động sản Đại lục cũng đi xuống với Vanke giảm 5,46%; China Aoyuan giảm 3,6%; Sunac China giảm 3,13%; China Evergrande giảm 3,06%.

Theo quan điểm của giới đầu tư, thị trường chứng khoán Hồng Kông bị chi phối bởi các nhà đầu tư tổ chức. Theo đó, các nhà đầu tư tổ chức châu Âu và Mỹ có xu hướng tập trung vào đầu tư giá trị. Mục tiêu đầu tư của họ nghiêng về các cổ phiếu bluechip với lợi nhuận và cổ tức ổn định.

Vì vậy, nhìn chung, việc đầu tư vào cổ phiếu cổ tức cao có thể không chỉ thu được lợi nhuận ổn định để chống lại rủi ro biến động của thị trường, mà cuối cùng cũng được hưởng lợi nhuận.

Kết thúc phiên 11/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 264,68 điểm (-1,19%), xuống 21.932,21 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 370,56 điểm (-1,29%), xuống 28.311,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 49,85 điểm (-1,76%), xuống 2.777,77 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC tăng nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.075 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 20.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,83 - 37,03 triệu đồng/lượng, tăng 10.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.647 đồng/USD, tăng 7 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.005 - 23.075 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Chính sách tỷ giá ổn định “giữ chân” dòng vốn ngoại

Trái với thực tế các dòng vốn đang dần rút khỏi những nền kinh tế mới nổi, Việt Nam vẫn là điểm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nổi bật trên thế giới khi tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2018..>> Chi tiết

Dầu tăng giá: Nhà đầu tư nên chọn mã nào?

Trong tuần qua, giá dầu WTI đã tăng lên 73,8 USD/thùng, giá dầu Brent ở mức 77,1 USD/thùng, cao nhất 43 tháng, tăng lần lượt 22,1% và 15,3% so với đầu năm 2018..>> Chi tiết

Kích hoạt dòng tiền lớn

Thị trường chứng khoán hồi phục phiên cuối tuần qua đã giúp giải tỏa một phần tâm lý cho nhà đầu tư, thu hút lượng tiền bắt đáy ngắn hạn..>> Chi tiết

Chờ đợi diễn biến mới với mã cao su

Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 giảm 21% so với cùng kỳ năm 2017, khiến kết quả 6 tháng của nhóm doanh nghiệp này không mấy khả quan. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, kết quả có thể sẽ khác nếu giá cao su tăng theo giá dầu..>> Chi tiết

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Doanh nghiệp thép “ngồi trên đống lửa”

 Các doanh nghiệp thép như “ngồi trên đống lửa” trước diễn biến căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung..>> Chi tiết

Mỹ có thể suy thoái trong vài năm tới

Khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong 2-3 năm tới đang tăng mạnh, dù có chiến tranh thương mại với Trung Quốc hay không, Temasek Holdings dự báo..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục