Thị trường tài chính 24h: Những câu chuyện của kinh tế vĩ mô thổi kỳ vọng cho chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm gần 18 điểm; Lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh; Nhen nhóm cơ hội đầu tư nhìn từ điểm sáng vĩ mô; Nhiều cảm hứng để tăng tốc; Châu Á cạnh tranh thu hút vốn…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Những câu chuyện của kinh tế vĩ mô thổi kỳ vọng cho chứng khoán

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 11/9 tăng 100.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 68,20 – 68,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm nhẹ 0,6 USD xuống 1.918,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục lên 1.930 USD, nhưng đã lùi nhẹ về gần 1.925 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,64 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 11/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.005 đồng/USD, tăng 12 đồng so với cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.885 – 24.2225 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng giảm về 25.800 USD thì sang phiên hôm nay đã giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,50 USD (-0,57%), xuống 87,01 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,21 USD (-0,23%), xuống 90,44 USD/thùng.

VN-Index giảm gần 18 điểm

Sau nửa đầu phiên cố gắng giữ sắc xanh, áp lực chốt lời đã diễn ra mạnh mẽ sau khi giao dịch trở lại vào đầu giờ chiều và dần đẩy chỉ số VN-Index xuống sâu hơn, đóng cửa mất gần 18 điểm xuống dưới 1.225 điểm.

Điểm đáng chú ý là thanh khoản thị trường tăng vọt và là phiên hiếm hoi thứ 2 trong khoảng hơn 1 năm qua với tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE vượt xa mức 30.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường và chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 39,68 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 981,67 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 11/9: VN-Index giảm 17,85 điểm (-1,44%), xuống 1.223,63 điểm; HNX-Index giảm 4,87 điểm (-1,9%), xuống 251,33 điểm; UPCoM-Index giảm 1,01 điểm (-1,07%), xuống 93,71 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Sáu (08/9), khi giới đầu tư cảm thấy bớt lo ngại khi không có thêm thông tin xấu trong ngày, sau một loạt dữ liệu kinh tế mạnh mẽ hơn dự báo trong tuần này.

Trong tuần, Dow Jones mất 0,8%, trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 1,3% và 1,9%,

Kết thúc phiên 8/9: Chỉ số Dow Jones tăng 75,86 điểm (+0,22%), lên 34.576,59 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,35 điểm (+0,14%), lên 4.457,49 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 12,69 điểm (+0,09%), lên 13.761,52 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi có một báo cáo đánh dấu khả năng kết thúc sớm chính sách lãi suất âm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,43% xuống 32.467,76 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,06% lên 2.360,48 điểm.

Trong một bài viết trên tờ Yomiuri xuất bản cuối tuần qua, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết ngân hàng trung ương có thể chấm dứt chính sách lãi suất âm khi đạt được mục tiêu lạm phát 2%, báo hiệu khả năng tăng lãi suất sau đó.

"Tác động được phản ánh trực tiếp trên thị trường hôm nay, với cổ phiếu tài chính dẫn đầu đà tăng, trong khi cổ phiếu bất động sản bị nhấn chìm. Nhưng thị trường không rơi vào tình trạng bán tháo trên diện rộng khi nhóm cổ phiếu cơ bản tốt vẫn tăng”, Takehiko Masuzawa, người đứng đầu bộ phận giao dịch tại Phillip Securities Japan, cho biết.

Các chỉ số tài chính đều tăng, với ngành ngân hàng tăng 4,69%, bảo hiểm tăng 2,15% và môi giới tăng 1,21%.

Nhóm tài chính chiếm đa số trong danh sách 10 cổ phiếu tăng giá hàng đầu trên Nikkei 225, với Resona Holdings tăng 6,54%, Sumitomo Mitsui Financial Group tăng 5,34% và Mitsubishi UFJ Financial Group tăng 4,29%.

Lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực hoạt động kém nhất với mức giảm 3,22%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, được thúc đẩy bởi kích thích mới của chính phủ và dữ liệu tín dụng được cải thiện.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,84% lên 3.142,78 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,74% lên 3.767,54 điểm.

Tín dụng cho vay ngân hàng mới ở Trung Quốc đã vượt kỳ vọng gần gấp bốn lần trong tháng 8 so với tháng 7. Trước đó vào thứ Bảy, dữ liệu của chính phủ cho thấy giá tiêu dùng đã trở lại vùng tích cực trong tháng Tám.

Thêm vào những tích cực với thị trường là nhà đầu tư được phép vay thêm tiền từ các công ty môi giới để mua cổ phiếu bằng cách sử dụng cùng một lượng tài sản thế chấp (tăng tỷ trọng margin), một động thái dự kiến sẽ bơm khoảng 400 tỷ nhân dân tệ (54,7 tỷ USD) vốn mới vào thị trường.

Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc cho biết gần đây họ đã tổ chức một cuộc họp với các nhà đầu tư trong và ngoài nước bao gồm Temasek, Bridgewater và BlackRock để thảo luận về cách thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, dẫn đầu bởi cổ phiếu của Tập đoàn Alibaba, sau khi cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Daniel Zhang Yong bất ngờ từ chức.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,58% xuống 18.096,45 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,25% xuống 6.298,72 điểm.

Các cổ phiếu công nghệ đều giảm với Alibaba Group giảm 3%, JD.com giảm 2,3% xuống mức thấp nhất mọi thời đại.

Các cổ phiếu bất động sản cũng lùi bước với mức giảm 1,8%, sau khi các dấu hiệu cho thấy doanh số bán bất động sản ở Trung Quốc vẫn chậm chạp bất chấp một loạt các biện pháp hỗ trợ, với Longfor Group dẫn đầu đà đi xuống khi mất 8,16%

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi chỉ số giá tiêu dùng ở đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc trở lại vùng tích cực vào tháng trước, báo hiệu áp lực giảm phát giảm bớt.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 9,21 điểm, tương đương 0,36%, lên 2.556,89 điểm.

Kết thúc phiên 11/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 139,08 điểm (-0,43%), xuống 32.467,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 26,06 điểm (+0,84%), lên 3.142,78 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 105,62 điểm (-0,58%), xuống 18.096,45 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 9,20 điểm (+0,36%), lên 2.556,88 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã giảm mạnh và dư địa giảm không còn nhiều. Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh từ nay đến hết năm..>> Chi tiết

- Nhen nhóm cơ hội đầu tư nhìn từ điểm sáng vĩ mô

Tình hình kinh tế tháng 8 đã xuất hiện những tín hiệu sáng và kỳ vọng sự hồi phục sẽ kéo dài cả trong những tháng cuối năm mang lại cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán..>> Chi tiết

- Nhiều cảm hứng để tăng tốc

Sản xuất trong nước đã chậm lại đà suy giảm, giải ngân đầu tư công tăng tốc, vốn đầu tư nước ngoài tăng, xuất khẩu có dấu hiệu chạm đáy và bắt đầu đi lên là những câu chuyện lớn của kinh tế vĩ mô thổi kỳ vọng cho thị trường chứng khoán lấy lại đà tăng..>> Chi tiết

- Châu Á cạnh tranh thu hút vốn

Nhiều nước đang nỗ lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như số lượng du khách quốc tế nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục