Tín hiệu vui từ xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 tăng 7,7% so với tháng trước đó và kỳ vọng tích cực hơn trong mùa mua sắm cuối năm. Bức tranh kinh doanh của nhiều doanh nghiệp theo đó bớt u ám.
Doanh thu tháng 8/2023 của TNG tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tháng 8/2023 của TNG tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu “ấm lên”

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 23,94 tỷ USD, tăng 7,3%. Dù kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 8 vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cho tín hiệu đã tạo đáy và đi lên.

Riêng mặt hàng thuỷ sản, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, giá trị xuất khẩu trong tháng 8 ước đạt 846 triệu USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 8 tháng, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, có 5 mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD.

Về cơ cấu hàng hoá xuất khẩu, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,82 tỷ USD (chiếm 1,2%), nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 201,31 tỷ USD (chiếm 88,4%), nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 17,87 tỷ USD (chiếm 7,9%); nhóm hàng thủy sản ước đạt 5,71 tỷ USD (chiếm 2,5%).

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8 ước đạt 846 triệu USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong các tháng cuối năm, đặc biệt là mặt hàng gạo. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gạo là mặt hàng mang lại nhiều kỳ vọng về xuất khẩu trong bối cảnh lạm phát tăng cao như hiện nay. Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt giá trị 3,17 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022. Giá bán đạt bình quân hơn 640 USD/tấn, cao nhất từ trước đến nay.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá gạo của Việt Nam hiện đã cao hơn so với Ấn Độ và Thái Lan. Dự kiến, xuất khẩu gạo đem về khoảng 4,1 tỷ USD cho Việt Nam trong năm 2023.

Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đang có những diễn biến tích cực. Lạm phát hạ nhiệt, tồn kho giảm, nhu cầu lấp đầy trở lại kho hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này ước đạt 62,3 tỷ USD trong 8 tháng. Giá trị xuất siêu vào Mỹ ước đạt 53 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, xuất siêu của Việt Nam sang EU trong 8 tháng ước đạt 19,6 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ; xuất siêu sang Nhật Bản đạt 1,5 tỷ USD (cùng kỳ năm ngoái nhập siêu 146 triệu USD).

Chuyển động ở nhiều doanh nghiệp

Ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp, hoạt động trong ngành thủy sản, dệt may và chế biến gỗ, đơn hàng cũng như doanh thu xuất khẩu đã cải thiện trong thời gian gần đây.

Tại Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC), trong tháng 8/2023, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 2.008 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng tăng trưởng dương đầu tiên của doanh nghiệp này trong năm nay. Tuy nhiên, do giá tôm thế giới đang ở mức thấp, doanh số của Công ty chỉ đạt mức tăng trưởng 1% so với cùng kỳ.

Theo ước tính của Thực phẩm Sao Ta, doanh số chung tháng 8 của Công ty đạt 22,4 triệu USD, tăng nhẹ so cùng kỳ năm trước. Với con số này, Công ty ghi nhận doanh thu tháng cao thứ ba trong lịch sử hoạt động (sau tháng 10/2021 và tháng 1/2022).

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, từ cuối quý II/2023, nhiều đối tác đã tìm đến Công ty để tìm hiểu, kiểm tra các điều kiện sản xuất, ký kết hợp đồng mua bán. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp đã có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh.

Hiện Công ty bắt đầu có tôm thu hoạch từ khu nuôi mới, khu nuôi cũ mới thả nuôi xong gần 1 tháng. Đây là cơ sở để Công ty tăng tốc xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư- Thương mại Thành Công (mã TCM) cho biết, trong tháng 7 vừa qua, tình hình kinh doanh khả quan hơn và bắt đầu có dấu hiệu phục hồi do thị trường Mỹ và EU khởi sắc. TCM kỳ vọng bước vào mùa lễ hội cuối năm, xuất khẩu của Công ty sẽ tốt hơn.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG), doanh thu tháng 8/2023 đạt 721 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2023, doanh thu TNG đạt 4.837 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 71% kế hoạch năm.

Trước diễn biến xuất khẩu tích cực hơn, ngày 17/8 vừa qua, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chế biến gỗ Thuận An (mã GTA) đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Theo đó, mục tiêu tổng doanh thu năm 2023 đạt hơn 332 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 11,82 tỷ đồng, giữ nguyên về doanh thu nhưng tăng hơn 1 tỷ đồng về lợi nhuận so với kế hoạch đặt ra hồi đầu năm.

Trong 6 tháng đầu năm, Chế biến gỗ Thuận An ghi nhận doanh thu 119,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5,35 tỷ đồng. So với kế hoạch mới điều chỉnh, Công ty hoàn thành 36% kế hoạch doanh thu và hoàn thành 45,7% kế hoạch lợi nhuận năm.

Lãnh đạo một doanh nghiệp ngành gỗ chia sẻ, đơn hàng đã tăng mạnh kể từ tháng 8 và chủ yếu vào thị trường Mỹ và EU. Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam, thị trường châu Âu rất khả quan cho doanh nghiệp Việt Nam, với mức tăng trưởng 4,27%/năm cho giai đoạn 2023 - 2026 và đến năm 2026 có thể đạt hơn 7 tỷ USD.

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán DSC cho biết, giá gỗ hiện đã cao hơn mức cận trên của giai đoạn trước năm 2020. Tháng 8/2023, giá gỗ xẻ (Lumber) đạt 514 USD/1.000 ft, hồi phục đáng kể từ mốc thấp đầu năm chỉ 400 USD/1.000 ft. Đây là mức giá khá tốt để các doanh nghiệp ngành gỗ có thể sinh lời.

Nhu cầu tiêu thụ gỗ và các sản phẩm gỗ, đặc biệt là sản phẩm nội thất tăng mạnh trong mùa mua sắm cuối năm đang đem lại kỳ vọng tăng trưởng khả quan cho doanh nghiệp ngành gỗ.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục