Thị trường tài chính 24h: Nhiều nhóm ngành kỳ vọng sẽ bùng nổ sau đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm phiên thứ hai liên tiếp; Doanh nghiệp, ngân hàng đồng thanh xin khoanh nợ; Chờ qua đại dịch sẽ bùng nổ, nhiều nhóm ngành hưởng lợi; Có nên đầu tư cổ phiếu “nóng” theo phân tích kỹ thuật?; Lợi nhuận doanh nghiệp mía đường ngọt ngào hơn; Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm; IEA cắt giảm triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Nhiều nhóm ngành kỳ vọng sẽ bùng nổ sau đại dịch

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 12/8 tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tiếp tục chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,40 – 57,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 23 USD lên 1.751,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng lên gần 1.760 USD/ounce nhưng đã hạ nhiệt về gần 1.750 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,01% xuống 92,91 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 12/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.152 đồng/USD, giảm 26 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.710 – 22.910 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,03 USD (+0,04%), lên 69,28 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,04 USD (+0,06%), lên 71,48 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua lên trên 45.600 USD, thì sang ngày hôm nay có thời điểm đã lên trên 46.000 USD, trước khi lùi nhẹ về quanh 45.300 USD/BTC vào cuối giờ chiều.

Chứng khoán trong nước

VN-Index thêm một phiên giảm nhẹ

Thêm một phiên thị trường giằng co trong phiên sáng và nhích lên ngay sau giờ nghỉ trưa, trước khi chịu áp lực bán chốt lời mạnh hơn về cuối ngày, cùng sức ép ở một số bluechip lớn dần đã khiến VN-Index kết phiên giảm điểm.

Phiên này, nhóm cổ phiếu vận tải, cảng biển trừ GSP và PJT còn giữ được sắc tím, còn lại đã bị chốt lời mạnh và đều suy yếu, với hai mã tiêu biểu là VOS chỉ còn +2,1$ và HAH, VNL, TCL, MHC đều giảm sàn.

Nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, xây dựng tạo sóng và giữ được mức tăng tốt với DPG, UDC, SZC, DAH, HTN, FCN, HBC, CII, TGG đều đã tăng kịch trần.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 2,01 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 144,5 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 12/8: VN-Index giảm 4,74 điểm (-0,35%), xuống 1.353,05 điểm; HNX-Index giảm 0,11 điểm (-0,03%), xuống 334,33 điểm; UpCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,04%), xuống 91,98 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (12/8) sau loạt dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ đã có thể đạt đỉnh, đồng thời dư âm từ gói cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD vẫn đang hỗ trợ thị trường.

Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy, lạm phát tại Mỹ tăng chậm lại trong tháng 7, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,5% trong tháng 7, sau khi tăng 0,9% trong tháng 6. Trong vòng 12 tháng tính đến tháng 7, CPI của Mỹ tăng 5,4%.

Kết thúc phiên 11/8, chỉ số Dow Jones tăng 220,3 điểm (+0,62%), lên 35.484,97 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,95 điểm (+0,25%), lên 4.447,7 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 22,95 điểm (-0,16%), xuống 14.765,14 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh, do các cổ phiếu liên quan đến chip bị ảnh hưởng, bởi lo ngại rằng những ngày tươi đẹp nhất có thể sớm kết thúc khi nguồn cung đang tăng trở lại.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,2% xuống 28,015.02 điểm. Chỉ số Topix giảm nhẹ 0,03% xuống 1.953,55 điểm.

Nhiều nhà đầu tư cho biết, cổ phiếu liên quan đến chip đã bị ảnh hưởng bởi một báo cáo của Morgan Stanley kêu gọi các nhà đầu tư thận trọng với lĩnh vực này, khi nguồn cung đang có dấu hiệu gia tăng. Các cổ phiếu chịu tác động mạnh nhất là Sumco mất 2,7%, Advantest giảm 2,2% và Screen Holdings giảm 1,8%.

Các cổ phiếu đáng chú ý khác là Rakuten Group mất 6,4% sau khi báo cáo thu nhập quý vừa qua không đạt ước tính, trong khi Toshiba giảm 4,1% do báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua ‘tầm thường’.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do dữ liệu tín dụng cấp mới yếu hơn dự kiến ​​gây ra lo ngại về thanh khoản và đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,22% xuống 3.524,74 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,84% xuống 4.973,35 điểm.

Dữ liệu mới cho thấy, các khoản vay mới tại các ngân hàng của Trung Quốc đã giảm xuống 1,08 nghìn tỷ nhân dân tệ (166,5 tỷ USD) trong tháng 7, mức thấp nhất trong 9 tháng gần đây.

Thêm phần sức ép đến từ chỉ số phụ bảo hiểm giảm 1,5%, sau khi khi cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc cho biết họ sẽ tăng cường giám sát các công ty bảo hiểm trực tuyến.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, sau khi Trung Quốc báo hiệu sẽ tăng cường các quy định để ổn định nền kinh tế, với một báo cáo mới nhất đang nhắm tới các nền tảng công nghệ bảo hiểm.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,53% xuống 26.517,82 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,87% xuống 9.465,46 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ sáu liên tiếp, khi các nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh các cổ phiếu chip lớn như Samsung Electronics và SK Hynix.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,38%, xuống 3.208,25 điểm.

Hai gã khổng lồ công nghệ chip là Samsung Electronics giảm 1,91% và SK Hynix giảm 4,74%.

Kết thúc phiên 12/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 55,49 điểm (-0,20%), xuống 28.015,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 7,88 điểm (-0,22%), xuống 3.524,74 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 142,34 điểm (-0,53%), xuống 26.517,82 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 12,24 điểm (-0,38%), xuống 3.208,38 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Doanh nghiệp, ngân hàng đồng thanh xin khoanh nợ

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa đề xuất khoanh nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp cũng đồng loạt xin khoanh nợ..>> Chi tiết

- Đầu tư công: Chờ qua đại dịch sẽ bùng nổ, nhiều nhóm ngành hưởng lợi

Nhiều doanh nghiệp xây lắp đang nỗ lực duy trì hoạt động thi công, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công..>> Chi tiết

- Có nên đầu tư cổ phiếu “nóng” theo phân tích kỹ thuật?

Phân tích kỹ thuật sử dụng 2 dữ liệu đầu vào quan trọng là giá và khối lượng hình thành lên các chỉ báo kỹ thuật và mẫu hình, trong quá trình giao dịch cần lưu ý là chỉ báo kỹ thuật nào phù hợp với cổ phiếu nào..>> Chi tiết

- Lợi nhuận doanh nghiệp mía đường ngọt ngào hơn

Nhiều doanh nghiệp ngành mía đường đã khép lại niên độ 2020-2021 với dư vị khá ngọt ngào..>> Chi tiết

- IEA cắt giảm triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cắt giảm mạnh dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong thời gian còn lại của năm khi đại dịch bùng phát trở lại và dự đoán mức thặng dư mới vào năm 2022..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 28.21 2.34% 198,469 tỷ
HNX 227.87 5.24 2.3% 1,609 tỷ
UPCOM 88.37 0.86 0.98% 414 tỷ