Ghế bọc đệm Việt Nam bị Canada áp thuế chống trợ cấp cao nhất là 5,5%

0:00 / 0:00
0:00
Trong số 8 doanh nghiệp Việt Nam tham gia hợp tác điều tra, chỉ một doanh nghiệp bị áp thuế chống trợ cấp 3,7%, còn lại không bị áp thuế, các doanh nghiệp không hợp tác chịu mức thuế 5,5%.
Ghế bọc đệm Việt Nam xuất sang Canada bị áp thuế chống trợ cấp từ 3,7 đến 5,5%. Ghế bọc đệm Việt Nam xuất sang Canada bị áp thuế chống trợ cấp từ 3,7 đến 5,5%.

Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) vừa đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc Canada điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với ghế bọc đệm có xuất xứ từ Trung Quốc và Việt Nam.

Theo đó, đối với Việt Nam, trong số 8 doanh nghiệp tham gia hợp tác điều tra, chỉ một doanh nghiệp bị áp thuế chống trợ cấp 3,7%, các doanh nghiệp còn lại không bị áp loại thuế này. Mức thuế chống trợ cấp dành cho các doanh nghiệp không hợp tác là 5,5%.

Để đạt được kết quả tích cực này, trong thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố liên quan thu thập thông tin và trả lời các câu hỏi của phía Canada dành cho Chính phủ Việt Nam.

Việc Canada cho rằng đa số doanh nghiệp hợp tác của Việt Nam không nhận trợ cấp từ Chính phủ cho thấy sự minh bạch trong chính sách và thực thi pháp luật của Việt Nam. Đây cũng là cơ sở cho thấy các ngành kinh tế của Việt Nam đang vận hành trong thị trường cạnh tranh bình đẳng.

Đối với điều tra về hành vi bán phá giá, trong kết luận cuối cùng, hầu hết các doanh nghiệp hợp tác được giảm biên độ bán phá giá một cách đáng kể, dẫn đến mức thuế trung bình cuối cùng của đa số các doanh nghiệp biến động từ 10-20% (so với mức sơ bộ là 20-90%).

Trong khi đó, mức thuế đối với các doanh nghiệp không hợp tác lên đến 179,5%. Trong vụ việc này, các doanh nghiệp Trung Quốc chịu mức thuế chống trợ cấp từ 1,1% tới 81,1% và thuế chống bán phá giá từ 9,3% tới 188%.

Bên cạnh việc CBSA điều tra hành vi phá giá và trợ cấp, Tòa Thương mại quốc tế Canada (CITT) đang điều tra để xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Các mức thuế tạm thời sẽ tiếp tục được áp dụng đối với hàng hóa bị điều tra tới khi CITT ban hành kết luận điều tra cuối cùng về thiệt hại, dự kiến vào ngày 2/9/2021, trừ những trường hợp được kết luận không nhận trợ cấp.

Theo số liệu của Canada, trong giai đoạn điều tra của vụ việc (từ tháng 6/2019 đến hết tháng 9/2020), kim ngạch xuất khẩu ghế bọc đệm từ Việt Nam sang Canada đạt xấp xỉ 135,6 triệu USD, chiếm 10,08% tổng nhập khẩu mặt hàng này của Canada.

Đây là mặt hàng có mức tăng xuất khẩu khá lớn và đã được Cục Phòng vệ Thương mại đưa vào danh mục cảnh báo sớm từ trước đó.

Kết quả vụ việc này cho thấy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc hợp tác với Cơ quan điều tra các nước để đạt được mức thuế thấp.

Ngay khi Canada thông báo điều tra, mặc dù Cục Phòng vệ thương mại đã nhiều lần khuyến nghị các doanh nghiệp hợp tác đầy đủ với CBSA nhưng nhiều doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (đặc biệt là một số doanh nghiệp chỉ thực hiện một số công đoạn sản xuất đơn giản, có giá trị gia tăng thấp), vẫn không tham gia trả lời câu hỏi của CBSA, dẫn đến mức thuế bất lợi cho toàn ngành sản xuất ghế bọc đệm của Việt Nam.

Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu ghế bọc đệm sang Canada liên tục cập nhật các tình hình, diễn biến mới của vụ việc từ CBSA, CITT và các đối tác nhập khẩu tại thị trường này. Tiếp tục phối hợp đầy đủ, toàn diện với Cơ quan có thẩm quyền Canada. Lưu ý các hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền Canada trong việc thu, hoàn trả chênh lệch thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời trong khi chờ đợi kết luận cuối cùng về thiệt hại từ CITT;

Đối với doanh nghiệp mới thành lập muốn xuất khẩu mặt hàng này sang Canada có thể xin cơ chế rà soát nhà xuất khẩu mới. Doanh nghiệp có thể liên hệ Cục Phòng vệ Thương mại để được tư vấn, hỗ trợ về vấn đề này.

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục