Thị trường tài chính 24h: Nhiều nhà đầu tư không đồng thuận với phương án nâng lô giao dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index “bốc hơi” hơn 10 điểm; Đối mặt với nghẽn lệnh: Tư duy 4.0 và 0.4; Quy định mới mùa đại hội 2021; Cơ hội với cổ phiếu địa ốc tỉnh ven Thủ đô; VASB phản ứng về đề xuất nâng lô lên 1.000 cổ phiếu; Chứng khoán châu Á bị bán mạnh; Reuters: OPEC+ đang xem xét gia hạn cắt giảm sản lượng…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.  
Thị trường tài chính 24h: Nhiều nhà đầu tư không đồng thuận với phương án nâng lô giao dịch

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 4/3 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội tăng trở lại đúng 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 55,60 – 56,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 27,6 USD xuống 1.710,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và rung lắc nhẹ quanh 1.715 USD/ounce cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,27% lên 91,19 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 4/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.152 đồng, giảm 9 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.930 - 23.110 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,29 USD (-0,47%), xuống 60,99 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,18 USD (-0,28%), xuống 63,89 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index mất hơn 18 điểm

Ách tắc xảy ra từ cuối phiên sáng khiến nhà đầu tư ít kỳ vọng vào sự đột biến trong phiên chiều.

Quả thực, giao dịch trở nên chậm lại hẳn sau giờ nghỉ trưa, một số lệnh túc tắc vào nhóm bluechips đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm, VN-Index dần dần nhích lên được gần 1.170 điểm khi đóng cửa.

Điểm nhấn đến từ PVS từ mức giảm 1,3% trong phiên sáng đã kết phiên +8,4% lên 24.600 đồng, cùng BSR +10,7%, khớp lệnh cao nhất toàn thị trường với hơn 36,6 triệu đơn vị và OIL tăng kịch trần +14,5% lên 14.200 đồng, khớp hơn 10,59 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, điểm đáng chú ý vẫn là câu chuyện khắc phục nghẽn lệnh. Không ít nhà đầu tư đã không còn giữ trạng thái im lặng nữa, hoặc thay vì lên tiếng ở các diễn đàn ẩn danh, mà chuyển sang viết các tút trên mạng xã hội.

Có nhà đầu tư thậm chí gán việc chỉ số sập mạnh sáng nay trên HOSE là do "nhà đầu tư phản ứng" vì "bức xúc". Ngoài phản đối phương án nâng lô thì cũng có ý kiến đưa ra các giải pháp khác.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1,28 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng 199,84 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 4/3: VN-Index giảm 18,43 điểm (-1,55%), xuống 1.168,52 điểm; HNX-Index tăng 1,67 điểm (+0,66%), lên 255,77 điểm; UpCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,18%), xuống 77,96 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm trong phiên ngày thứ Tư (3/3), khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm quay trở lại với đà tăng trong phiên đêm qua, tăng hơn 8 điểm cơ sở lên mức cao 1,49% trong phiên trước khi đóng cửa giảm nhẹ.

Lợi suất trái phiếu leo thang trở thành tâm điểm chú ý trên thị trường trong vài tuần qua, làm dấy lên lo ngại lạm phát tăng sẽ khiến các nhà quản lý thắt chặt các chính sách tiền tệ ôn hòa hiện tại.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số Dow Jones giảm 121,43 điểm (-0,39%), xuống 31.270,09 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 50,57 điểm (-1,31%), xuống 3.819,72 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 361,04 điểm (-2,70%), xuống 12.997,75 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh, khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu lớn như SoftBank Group và Fast Retailing và áp lực do lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trở lại.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,13% xuống 28.930,11 điểm. Chỉ số Topix mất 1,04% xuống 1.884,74 điểm.

Masahiro Ichikawa, Chiến lược gia trưởng tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management cho biết: “Những bất ổn của lợi suất trái phiếu Mỹ đang làm cho triển vọng thị trường cổ phiếu không rõ ràng và áp lực gia tăng là điều dễ hiểu".

Tại Nhật Bản, các cổ phiếu lớn như Fast Retailing, giảm 5,45%, SoftBank Group giảm 5,19% và Tokyo Electron mất 2,43% đã tác động mạnh nhất đến Nikkei 225.

Cổ phiếu SoftBank lao dốc sau khi có thông tin rằng, Công ty tài chính Greensill Capital của Anh, vốn được hỗ trợ bởi SoftBank đang đàm phán để bán một phần lớn hoạt động kinh doanh của mình.

Đi ngược thị trường là Hitachi Zosen, tăng 19,48% sau khi truyền thông đưa tin, Công ty đã phát triển một loại pin thể rắn hiệu suất cao.

Chứng khoán Trung Quốc giảm sâu, do các nhà đầu tư bán tháo nhóm cổ phiếu tiêu dùng và vật liệu do lo ngại về định giá cao.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 2,05% xuống 3.503,49 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechips giảm 3,15% xuống 5.280,71 điểm.

Gây áp lực lớn nhất là chỉ số phụ theo dõi ngành tiêu dùng giảm 4,91%, và ngành vật liệu giảm 4,82%.

Cổ phiếu công nghệ cũng bị bán xả mạnh, với chỉ số ChiNext Composite giảm 4,87% và chỉ số STAR50 giảm 2,59%.

“Các nhà đầu tư đang rời bỏ cổ phiếu tiêu dùng, năng lượng mới và công nghệ do lo ngại về định giá đã cao, đồng thời bổ sung thêm vị thế tại các cổ phiếu bất động sản, ngân hàng và bảo hiểm đang bị định giá thấp”, Yang Delong, Giám đốc đầu tư tại First Seafront Fund Management Co. Zhang Qi cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm sâu, với đà bán ồ ạt tại nhóm cổ vật liệu và công nghệ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,15% xuống 29.236,79 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,92% xuống 11.325,58 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành công nghệ giảm 5,8%, lĩnh vực công nghệ thông tin giảm 5,3% và vật liệu giảm 6,4%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do ảnh hưởng của phố Wall đêm qua bởi những lo ngại về lợi suất trái phiếu Mỹ tăng.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 1,22% xuống 3.045,31 điểm.

Các cổ phiếu lớn đều suy yếu với hai gã khổng lồ chip Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 1,9% và 3,4%, trong khi gã khổng lồ internet Naver và nhà sản xuất pin LG Chem lần lượt mất 2% và 0,6%.

Kết thúc phiên 4/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 628,99 điểm (-2,13%), xuống 28.930,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 73,41 điểm (-2,05%), xuống 3.503,49 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 643,63 điểm (-2,15%), xuống 29.236,79 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 39,50 điểm (-1,28%), xuống 3.043,49 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Đối mặt với nghẽn lệnh: Tư duy 4.0 và 0.4

Đề xuất tăng lô giao dịch cổ phiếu từ 100 lên 1000 cổ phiếu mới đây của lãnh đạo HOSE đang đi ngược so với xu thế thế giới lẫn định hướng của chính phủ..>> Chi tiết

- Quy định mới mùa đại hội 2021

Liên quan đến cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định mà các doanh nghiệp cũng như cổ đông cần chú ý kể từ mùa đại hội năm nay..>> Chi tiết

- VASB phản ứng về đề xuất nâng lô lên 1.000 cổ phiếu

Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) cho biết, cơ quan này hoàn tất văn bản để gửi Bộ Tài Chính, nhằm phản ứng việc Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) dự kiến tăng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu..>> Chi tiết

- Cơ hội với cổ phiếu địa ốc tỉnh ven Thủ đô

Giá đất tại nhiều khu vực thuộc tỉnh, thành phố ven Hà Nội có dấu hiệu tăng mạnh, chủ yếu nhờ kỳ vọng vào nhu cầu thuê đất mở rộng sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp khi cơ sở hạ tầng được phát triển đồng bộ..>> Chi tiết

- Reuters: OPEC+ đang xem xét gia hạn cắt giảm sản lượng

OPEC+ đang xem xét việc gia hạn cắt giảm sản lượng kể từ tháng 4 thay vì tăng sản lượng do nhu cầu dầu phục hồi vẫn còn mong manh do cuộc khủng hoảng Covid-19, theo ba nguồn tin OPEC+ nói với Reuters hôm thứ Tư (3/3)..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ