VN-Index hụt hơi
Trong phiên sáng nay, việc cung giá thấp được tiết giảm giúp VN-Index có được sắc xanh trong phần lớn thời gian.
Tuy nhiên, do sức cầu quá yếu khiến dòng tiền trở nên hạn chế, sắc xanh theo đó mà phai dần. Sự dè dặt quá mức, trong khi áp lực bán mỗi lúc một tăng khiến thị trường xấu dần.
Lực bán bất ngờ tung vào ngay sau giờ nghỉ trưa, trong khi bên nắm giữ tiền mặt vẫn rụt rè khiến VN-Index lao mạnh. Tuy nhiên, cầu bắt đáy ở một số mã đã giúp chỉ số hãm bớt đà giảm, nhưng vẫn đóng cửa dưới 900 điểm.
Hầu hết các nhóm ngành trên thị trường giảm điểm. GAS giảm sàn về 74.000 đồng Đây cũng là phiên giảm mạnh thứ 4 liên tiếp của mã này.
Nhóm ngân hàng, sắc đỏ bao phủ với VCB giảm 6,5% về 52.000 đồng; CTG giảm 6,4% về 20.500 đồng; BID và MBB cùng giảm 5,7% về 21.600 đồng và 22.500 đồng. VPB, HDB, STB đều giảm trên 4%, trong khi TPB giảm nhẹ và EIB đứng tham chiếu.
Các mã đầu ngành khác như HPG, HSG, SSI, MSN, FPT, BVH, PLX, SAB, VJC... cũng đều giảm mạnh.
TCB tăng 4,3% lên 28.150 đồng. cặp đôi VIC và VHM cũng tăng khá tốt, lần lượt là 1,4% và 2,9% lên tương ứng 106.500 đồng và 114.000 đồng, cùng với một số mã tăng khác như REE, ROS, DHG, BMP...
Dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE là FLC với 6,9 triệu đơn vị, giảm 2,1% về 4.560 đồng. Đa phần các mã thị trường khác cũng đều giảm điểm, trong đó OGC, ATG giảm sàn.
Nhiều mã midcap giảm sàn trong phiên này như DXG, DWG, HCD, CVT, TDG, TCM, PDR, NKG... Trong đó, DXG khớp 6,7 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HOSE, giảm về 23.200 đồng (-6,8%).
Ngược lại, NVT có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp lên 5.810 đồng, khớp lệnh hơn 0,43 triệu đơn vị.
Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng hơn 2,22 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng 232,4 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 961.963 đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng 16,78 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng 643.548 đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng 7,53 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 5/7: VN-Index giảm 15,59 điểm (-1,7%), xuống 899,4 điểm; HNX-Index giảm 3,6 điểm (-3,6%), xuống 96,39 điểm; UPCoM-Index giảm 0,76 điểm (-1,51%), xuống 49,25 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4.422 tỷ đồng.Chứng khoán thế giới
Chứng khoán Mỹ nghỉ giao dịch ngày Độc lập
Thị trường châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, trong bối cảnh ngày 6/7 đến gần, với việc chính thức 34 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế nhập khẩu, trong khi tại sàn Tokyo nhóm cổ phiếu ngân hàng và Fast Retailing lùi bước.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 giảm 0,2% xuống 21.679,16 điểm. Topix giảm 0,3% xuống 1.688,23 điểm.
Isao Kubo, nhà chiến lược vốn tại Nissay Asset Management cho biết: “Có quá nhiều điều không chắc chắn về vấn đề tranh chấp thương mại đang diễn ra, nên hầu hết giới đầu tư đang nắm giữ tiền mặt không mở vị thể mua lớn trong thời gian này”.
Cổ phiếu Fast Retailing giảm tiếp 2,2% sau khi doanh số bán hàng giảm mạnh vào tháng 6, và góp 34 điểm tiêu cực cho chỉ số Nikkei.
Ngành bán lẻ đang tỏ ra yếu đuối, Ryohin Keikaku đã giảm 13% xuống mức thấp nhất trong 5 tháng, sau khi dự báo lợi nhuận hoạt động sẽ giảm.
Theo đó, dự kiến lợi nhuận hoạt động của Ryohin Keikaku là 50 tỷ yên cho năm tài chính kết thúc vào tháng 2/2019 so với 50,7 tỷ yên được ước tính bởi 11 nhà phân tích của Reuters Starmine.
Các ngân hàng và công ty môi giới chứng khoán cũng chịu áp lực bán với Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ và Mizuho Financial Group giảm 0,8% và Nomura Holdings giảm 0,4%.
Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm trên nền thanh khoản suy yếu với tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 315 tỷ Nhân dân tệ, bằng một nửa so với trung bình gần đây.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,91% xuống 2.733,88 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,63% xuống 3.342,44 điểm.
Các chỉ số chứng khoán ở Thượng Hải và Hồng Kông đã giảm nhiều hơn bất kỳ thị trường nào khác được Bloomberg theo dõi trên toàn thế giới trong tháng vừa qua, khi các nhà đầu tư lo ngại nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc sẽ phải vật lộn với chi phí của một cuộc chiến thương mại kéo dài.
Bên cạnh đó, một đồng Nhân dân tệ đang trên đà giảm đã làm giảm sự hấp dẫn của tài sản Trung Quốc, ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách nước này thề sẽ không sử dụng tiền tệ làm vũ khí chống lại Mỹ.
PetroChina là lực cản lớn nhất đối với chỉ số Shanghai Composite khi giảm 0,8%.
Nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất là Greencourt Investment Group Co Ltd tăng 10,08%; Start Group tăng 10,06% và China United Travel Co Ltd tăng 10,02%.
Nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất là Guangzhou Yuetai Group Co Ltd giảm 10,12%; Xining Special Steel giảm 10,06% và Shanghai Hongda Mining Co Ltd giảm 10,04%.
Chứng khoán Hồng Kông cũng đã giảm khi các nhà đầu tư lo lắng trước khi cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ sẽ nổ ra trong ít giờ tới.
Đóng cửa, Hang Seng–Index giảm 0,21% xuống 28.182,09 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,98% xuống 10.608,06 điểm.
Nhóm 3 mã dầu khí lớn mất điểm là PetroChina giảm 1,56%; CNOOC giảm 2,48% và Sinopec giảm 0,29%.
Cổ phiếu Dược phẩm cũng đi xuống với China Biopharmaceutical giảm 1,8%; Sansheng Pharmaceutical giảm 2,29%; Federal Pharmaceutical giảm 3,68%; Shanghai Pharmaceuticals giảm 2,18%; Baiyun Mountain giảm 2,77%.
Sau sự điều chỉnh mạnh của nhóm cổ phiếu bất động sản Đại lục gàn đây thì đến phiên hôm nay, nhóm này lại hút lực mua trở lại với Greentown China tăng 2,9% China Jinmao tăng 1,35%; World Trade Real Estate tăng 4,66% và China Overseas Hongyang Group tăng 1,91%.
Kết thúc phiên 5/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 170,05 điểm (-0,78%), xuống 21.546,99 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 59,58 điểm (-0,21%), xuống 28.182,09 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 25,24 điểm (-0,91%), xuống 2.733,88 điểm.
Thị trường vàng và ngoại tệ
- Vàng SJC tăng nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.075 đồng/USD.
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay không đổi so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,69 - 36,90 triệu đồng/lượng, tăng 20.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.638 đồng/USD, tăng 8 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.005 - 23.075 đồng/USD.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Khách hàng cao cấp: “Con gà đẻ trứng vàng” của ngân hàng
Nền kinh tế phát triển ổn định đang giúp cho tầng lớp trung và thượng lưu tại Việt Nam ngày một tăng lên, kéo theo đó là nhu cầu ngày một cao về các dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ tài chính - ngân hàng..>> Chi tiết
- Thị phần môi giới sàn HOSE quý II/2018, xuất hiện tên tuổi mới
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa công bố danh sách 10 công ty chứng khoán (CTCK) có thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ lớn nhất quý II và bán niên năm 2018. Theo đó, Top 10 CTCK này chiếm đến 73% thị phần toàn thị trường..>> Chi tiết
- Mập mờ như... trái phiếu doanh nghiệp
Sự kém minh bạch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã diễn ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục rốt ráo. Bất cập này đã và đang khiến các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài quan ngại..>> Chi tiết
- Doanh nghiệp họp Đại hội muộn, cổ đông có thể kiện
Với những doanh nghiệp vi phạm quy định về thời hạn tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2018, chuyên gia pháp lý cho rằng, cổ đông có thể kiện nếu vi phạm này xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư..>> Chi tiết
- Giá xăng có thể được giữ nguyên vào ngày mai
Trên thị trường có nhiều biến động nhưng giá xăng bình quân 15 ngày qua vẫn không thay đổi nhiều so với chu kỳ trước đó..>> Chi tiết
- EU từ chối “bắt tay” Trung Quốc chống lại đồng minh Mỹ
Trung Quốc được cho là đang thương lượng với EU nhằm chống lại chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh quan hệ Mỹ - EU đang có nhiều bất đồng. Tuy nhiên, EU dường như đã từ chối đề xuất này..>> Chi tiết