Thị trường tài chính 24h: Mong manh mốc 1.200 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index gần như không đổi; Tín dụng kỳ vọng từ quý II; VN-Index chạm mốc 1.200 điểm: Cú bật mong manh; Chờ cuộc “đại phẫu” HoSE; Cổ phiếu “trà đá” nhạt vị; Chứng khoán châu Á đa số tiếp tục giảm; Phục hồi kinh tế Trung Quốc đẩy giá bán buôn hàng hóa toàn cầu tăng cao…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Mong manh mốc 1.200 điểm

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 22/3 giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 55,05 – 55,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 8,4 USD lên 1.744,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi lên lên 1.740 USD/ounce, nhưng đã lại giảm về gần 1.732 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,04% xuống 91,88 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 22/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.204 đồng, tăng 10 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.990 - 23.170 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,32 USD (-0,52%), xuống 61,10 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,14 USD (+0,22%), lên 64,82 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

Cặp đôi FLC và ROS hút mạnh dòng tiền

Sau nhịp hồi khá tích cực đầu phiên giúp VN-Index tiệm cận mốc 1.200 điểm, áp lực bán đã gia tăng khiến chỉ số giằng co và điều chỉnh nhẹ.

Bước sang phiên chiều, không có thêm đột biến do hiện tượng nghẽn lệnh lại xảy ra. Chỉ số VN-Index chỉ dập dình quanh mốc tham chiếu và may mắn kịp “ngoi” lên tham chiếu trong đợt khớp ATC.

Giao dịch tập trung tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là cặp đôi FLC và ROS, khi cả 2 cùng kết phiên ở mức giá trần với khối lượng khớp lệnh đạt trên dưới 45 triệu đơn vị. Trong đó, FLC dư mua trần gần 33 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 6,54 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 399,91 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 22/3: VN-Index tăng 0,38 điểm (+0,03%), lên 1.194,43 điểm; HNX-Index giảm 2,86 điểm (-1,03%), xuống 274,84 điểm; UpCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,25%), xuống 81,28 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall trượt dốc trong phiên ngày thứ Sáu (19/3), sau khi trong một tuyên bố ngắn gọn, Fed cho biết, sẽ để biện pháp nới lỏng tỷ lệ đòn bẩy bổ sung (SLR) hết hạn vào ngày 31/03/2021.

Mặt khác, lợi trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng lên mức 1,725%, cao nhất trong vòng 14 tháng qua. Lợi suất trái phiếu tăng vọt trong 7 tuần qua đã ảnh hưởng đến cổ phiếu công nghệ và nhóm cổ phiếu được định giá cao dựa trên kỳ vọng tăng trưởng trong tương lai.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,46%, chỉ số S&P 500 giảm 0,77%, chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,79%.

Kết thúc phiên 19/3, chỉ số Dow Jones giảm 234,33 điểm (-0,71%), xuống 32.627,97 điểm. Chỉ số S&P 50 giảm 2,36 điểm (-0,06%), xuống 3.913,10 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 99,07 điểm (+0,76%), lên 13.215,24 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản bị bán tháo ồ ạt ở những phút cuối, khi nhóm cổ phiếu sản xuất ô tô lao dốc do ảnh hưởng từ vụ hỏa hoạn tại nhà máy sản xuất chất bán dẫn thuộc sở hữu của công ty Renesas.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,07% xuống 29.174,15 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,09% xuống 1.990,18 điểm.

Cổ phiếu Renesas giảm tới 4,89%, sau khi nhà cung cấp chất bán dẫn cho ô tô này cho biết, hoạt động sản xuất tại nhà máy bị hỏa hoạn của họ sẽ mất ít nhất một tháng để khởi động lại và các nhà sản xuất ô tô sẽ bị thiếu hụt nguồn cung chip trong khoảng một tháng nữa.

Theo đó, các ông lớn như Honda Motor giảm 3,63%, Nissan Motor giảm 3,7%. Hãng sản xuất phụ tùng ô tô Denso giảm 4,94% và Toyota Motor giảm 3,26%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm, được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng và cơ sở hạ tầng, khi ngân hàng trung ương của nước này giữ nguyên lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,14% lên 3.443,44 điểm. Chỉ số CSI300 tăng 1% lên 5.057,15 điểm.

Trung Quốc thông báo, giữ nguyên lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay doanh nghiệp và hộ gia đình trong tháng thứ 11 liên tiếp trong tháng 3 này, phù hợp với kỳ vọng của thị trường.

Chính sách tiền tệ của Trung Quốc cần tập trung vào việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách có mục tiêu, đồng thời giảm thiểu rủi ro tài chính, người đứng đầu ngân hàng trung ương cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông đi xuống, do lo ngại về việc đóng cửa kéo dài ở một số nước châu Âu làm giảm hy vọng phục hồi kinh tế toàn cầu, trong khi đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc cũng giáng thêm đòn vào tâm lý nhà đầu tư.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,36% xuống 28.885,34 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,2% lên 11.306,71 điểm.

Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã lao dốc, giảm tới hơn 15% xuống gần mức thấp nhất mọi thời đại sau khi thị trường mở cửa, bởi quyết định gây sốc vào cuối tuần qua của Tổng thống Erdogan khi sa thải ông Naci Agbal - Thống đốc ngân hàng trung ương, người vốn có quan điểm cứng rắn, và thay thế bằng một người có cùng quan điểm chỉ trích lãi suất cao giống như ông Erdogan.

Ông Agbal bị sa thải chỉ hai ngày sau khi ông tăng lãi suất thêm 2 điểm phần trăm, nhằm ngăn tốc độ lạm phát đã lên tới gần 16% và đà trượt giá của đồng Lira.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do lo ngại về sự biến động mạnh gần đây của lợi suất trái phiếu Mỹ và căng thẳng Trung-Mỹ gia tăng.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,13% xuống 3.035,46 điểm.

Thị trường ít phản ứng với dữ liệu cho thấy, xuất khẩu của Hàn Quốc trong 20 ngày đầu tháng 3 này đã tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết thúc phiên 22/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 617,90 điểm (-2,07%), xuống 29.174,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 38,78 điểm (+1,14%), lên 3.443,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 105,60 điểm (-0,36%), xuống 28.885,34 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 4,07 điểm (-0,13%), xuống 3.035,46 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tín dụng kỳ vọng từ quý II

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm nay khoảng 12%. Trong quý I, tín dụng ước tính tăng 1 - 1,5% so với cuối năm ngoái..>> Chi tiết

- VN-Index chạm mốc 1.200 điểm: Cú bật mong manh

Dạo qua các diễn đàn chứng khoán và theo hầu hết các phản hồi trực tuyến gửi về Báo Đầu tư Chứng khoán, nhà đầu tư đều khá thận trọng trong bối cảnh hạn chế kỹ thuật của sàn HOSE vẫn còn rối như mớ bòng bong..>> Chi tiết

- Chờ cuộc “đại phẫu” HoSE

Chủ tịch FPT IS Dương Dũng Triều tự tin với việc xử lý nghẽn lệnh tại HoSE, nếu phương án xử lý và kinh phí cho dự án này được thông qua..>> Chi tiết

- Cổ phiếu “trà đá” nhạt vị

Cổ phiếu thị giá thấp, hay được gọi vui là “cổ phiếu trà đá”, vốn thu hút dòng tiền trong giai đoạn thị trường đi ngang thời gian qua, lập tức đứng bên lề trong phiên chỉ số VN-Index vượt vùng 1.200 điểm..>> Chi tiết

- Phục hồi kinh tế Trung Quốc đẩy giá bán buôn hàng hóa toàn cầu tăng cao

Tại các nền kinh tế lớn, giá bán buôn đang tăng trên khắp thế giới từ 1 - 4% tính tới tháng 1 so với mùa thu năm ngoái..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ