Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 26/5 tăng 20.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và 70.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại 48,47 – 48,87 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 1 USD lên 1.727,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng trong xu hướng giảm và về gần 1.723 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 6 trên sàn Comex New York giảm 13,1 USD xuống 1.722,4 USD/ounce.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,63% xuống 99,24 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 26/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức là 23.270 đồng, tăng 13 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.230 - 23.410 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,83 USD (+2,5%), lên 34,08 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,53 USD (+1,49%), lên 36,06 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index tăng hơn 10 điểm
VN-Index khởi động trong sắc xanh và tăng hơn 5 điểm khi cầu mua tốt được duy trì đặc biệt là ở nhóm bất động sản khu nghiệp - xây dựng.
Trong phiên chiều, thị trường tiếp tục giao dịch sôi động và sắc xanh lan tỏa với sự bứt phá của nhóm ngân hàng kéo VN-Index áp sát mốc 870 điểm khi đóng cửa.
Tại nhóm ngân hàng ấn tượng nhất là BID + 5,9%. Nhiều bluechips ghi nhận mức tăng mạnh khác như BVH +5%, HPG +4%, POW +3,9%, HVN +2%.
Nhóm bất động sản khu công nghiệp hút dòng tiền, với nhiều mã tăng kịch biên độ như ITA, LDG, CRE, TIP, SJS, CCL…
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 5,95 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 55,88 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 26/5: VN-Index tăng 10,09 điểm (+1,17%), lên 869,13 điểm; HNX-Index tăng 1,35 điểm (+1,23%) lên 110,49 điểm; UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (+0,71%) lên 55,35 điểm.
Chứng khoán Mỹ nghỉ giao dịch ngày Lễ tưởng niệm (Memorial Day).
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh, khi giới đầu tư đón nhận thông tin thủ tướng nước này quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và chấm dứt các hạn chế trên toàn quốc.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,55% lên 21.271,17 điểm. Chỉ số Topix tăng 2,17% lên 1.534,73 điểm, với tất cả 33 chỉ số phụ tăng điểm.
Thủ tướng Shinzo Abe cho biết vào cuối ngày rằng, tình trạng khẩn cấp sẽ được dỡ bỏ trên toàn quốc bao gồm Tokyo và các khu vực lân cận, khi nước này đã kiểm soát được sự bùng phát dịch Covid-19 trong 2 tháng qua.
Các nhà phân tích cho biết, Tokyo và vùng lân cận, chiếm khoảng 1/3 tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản "trở lại trên đôi chân" của mình là rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế chung của đất nước.
Hôm nay, cổ phiếu của nhóm vận tải hàng không tiếp tục là lĩnh vực hoạt động tốt với Japan Airlines Co Ltd và ANA Holdings Inc tăng lần lượt là 8,2% và 5,7%.
Đáng chú ý, AnGes Inc đã tăng 10,5% sau khi tờ Nikkei đưa tin, Công ty sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19 vào tháng 7, làm tăng hy vọng rằng loại thuốc này có thể được chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, nhờ cam kết của ngân hàng trung ương nhằm tăng cường các chính sách nhằm khôi phục nền kinh tế.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,01% lên 2.846,55 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 1,13% lên 3.872,77 điểm.
“Trung Quốc sẽ tăng cường chính sách kinh tế và tiếp tục nỗ lực hạ lãi suất cho vay”, Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Yi Gang cho biết trong một cuộc phỏng vấn, và nói thêm rằng các nguyên tắc kinh tế của Trung Quốc vẫn không thay đổi mặc dù có nhiều yếu tố bất ổn.
Tuy nhiên, nhấn mạnh những rủi ro do đại dịch Covid-19 gây ra, cơ quan quản lý bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc cho biết, các khoản nợ xấu tại các ngân hàng hiện đang ở mức cao và ngân hàng nhỏ sẽ chịu áp lực trong phần còn lại của năm nay.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhờ động lực chung từ nhiều thị trường châu Á khác, khi các nhà đầu tư phản ứng tích cực từ lời hứa sẽ có nhiều gói kích thích hơn ở Trung Quốc.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,88% lên 23.384.66 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,37% lên 9.595,20 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc đã leo lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3, do tâm lý giới đầu tư khắp châu Á được cải thiện sau khi khi nhiều nước mở cửa lại nền kinh tế.
Thông tin hỗ trợ thị trường còn đến từ việc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc, Hàn Quốc dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất chính sách xuống mức thấp kỷ lục vào thứ Năm tới, theo kết quả một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy.
Kết thúc phiên 26/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 529,52 điểm (+2,55%), lên 21.271,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 28,58 điểm (+1,01%), lên 2.846,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 432,42 điểm (+1,88%), lên 23.384,66 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 35,18 điểm (+1,76%), lên 2.029,78 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Sau giãn cách, ngân hàng tái khởi động mạnh mẽ bán nợ xấu
Các ngân hàng đang ráo riết bán khoản nợ hoặc phát mãi tài sản đảm bảo từ giá trị vài trăm triệu đến hàng trăm tỷ đồng để xử lý nợ xấu…>> Chi tiết
- Thị trường không còn của rẻ
Mặt bằng giá chứng khoán đã không còn rẻ khi nhu cầu chốt lời của nhà đầu tư đã bắt đầu gia tăng..>> Chi tiết
- Cổ phần hóa, thoái vốn khởi động trở lại
Hơn 4 tháng đầu năm, hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn giậm chân tại chỗ vì dịch bệnh. Kế hoạch này đang được tái khởi động trong bối cảnh thị trường và doanh nghiệp còn bộn bề khó khăn..>> Chi tiết
- Doanh nghiệp trông vào cổ đông hiện hữu để tăng vốn
Năm nay, để có vốn thực hiện các kế hoạch kinh doanh, không ít doanh nghiệp công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông có nội dung huy động vốn cổ phần..>> Chi tiết
- 17 công ty dầu đá phiến ở Mỹ nộp đơn xin phá sản
Các công ty dầu đá phiến ở Mỹ đang chịu áp lực nặng nề do nhu cầu giảm do đại dịch Covid-19. Đến hiện tại, trong năm nay đã có 17 công ty tiến hành thủ tục phá sản, Financial Times cho biết..>> Chi tiết