Thị trường chứng khoán
- VN-Index giảm mạnh
Sau khi chinh phục mốc kháng cự 730 điểm vào ngày hôm qua, thị trường bắt đầu có dấu hiệu gặp khó bởi áp lực bán dần xuất hiện mạnh và gia tăng về cuối phiên trong sáng nay. Kết thúc phiên sáng, VN-Index đã không giữ nổi sắc xanh và ngậm ngùi chia tay mốc 730 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, áp lực bán vẫn diễn ra khá ồ ạt. VN-Index lao dốc mạnh hơn và tiếp tục xuyên thủng ngưỡng 725 điểm sau khoảng 20 phút giao dịch.
Trái với diễn biến của hầu hết các trụ cột như VIC, GAS, MSN đều nới rộng đà giảm, VNM đã đảo chiều thành công nhưng mức tăng chỉ 0,35%, không đủ sức để gánh đỡ các mã lớn khác.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngành thép đồng loạt giảm sâu như HSG, HPG, NKG, POM, TLH, VIS…
Nhóm cổ phiếu thị trường quen thuộc chịu áp lực bán khá mạnh, với tâm điểm đáng chú ý là cặp đôi HAG-HNG.
Cụ thể, HAG giảm 5,9% đóng cửa tại mức giá 8.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 12,34 triệu đơn vị, HNG giảm 7% xuống mức giá sàn 10.700 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công hơn 4 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, FLC giảm tới 5,5% xuống mức thấp nhất 7.560 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 30,7 triệu đơn vị.
ITA cũng có thời điểm lui về mức giá sàn và đóng cửa tại mức giá 3.080 đồng/CP, giảm 5,2% với khối lượng khớp 21,66 triệu đơn vị.
Kết thúc phiên giao dịch 12/4, VN-Index giảm 5,75 điểm (-0,79%) xuống 725,58 điểm; HNX-Index giảm 0,72 điểm (-0,8%) xuống 89,91 điểm; UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,14%) xuống 57,38 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 5.172 tỷ đồng.
Trong phiên này, trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 5,62 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 199,11 tỷ đồng.
Chứng khoán Mỹ giảm
Những lo ngại về tình trạng căng thẳng gia tăng giữa Nga và Mỹ, Syria và Triều Tiên đã khiến các nhà đầu tư chuyển sang vàng và các tài sản trú ẩn an toàn khác, đồng thời đẩy chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE, thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, vượt mức 15 lần đầu tiên kể từ cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 11/2016.
Được biết, chứng khoán đang suy yếu kể từ đầu tháng 3/2017 sau khi liên tục leo dốc từ cuộc bầu cử nhờ kỳ vọng lạc quan Tổng thống Donald Trump sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mùa báo cáo lợi nhuận bắt đầu trong tuần này với kết quả từ một số ngân hàng. Lĩnh vực tài chính giảm 0.3%, còn nhóm cổ phiếu công nghệ lùi 0.4% và tác động tiêu cực nhất đến S&P 500.
Kết thúc phiên 11/4, chỉ số Dow Jones giảm 6,72 điểm (-0,03%), xuống 20.651,30 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,38 điểm (-0,14%), xuống 2.353,78 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 14,15 điểm (+0,05%), xuống 5.8766,77 điểm.
Trên thị trường châu Á, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 tháng, do căng thẳng về chính trị gia tăng ở Syria và Bắc Triều Tiên đã hạn chế “dòng tiền tham lam" trên thị trường, trong khi các nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề khi đồng Yên đang đứng ở mức cao nhất trong 5 tháng.
Chứng khoán Trung Quốc trượt dốc, khi nước này công bố số liệu lạm phát tháng 3 chỉ còn ở mức 0,9%, tăng nhẹ so với tháng trước nhưng thấp hơn mức trung bình 1,7% trong hai tháng đầu năm. Điều này đã đặt ra câu hỏi về tính bền vững của sự hồi phục kinh tế của Trung Quốc, một số cổ phiếu liên quan đến kinh tế mới Hùng An đã nhanh chóng giảm mạnh.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, bất kỳ nỗi lo sợ về sự suy thoái kinh tế cũng được bù đắp bởi kế hoạch xây dựng Khu kinh tế mới Hùng An này.
Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng đã tăng mạnh trở lại sau 4 phiên sụt giảm, khi dòng tiền đã tìm về cổ phiếu. Hầu như tất cả các ngành đều tăng điểm, trong đó, dẫn đầu là các cổ phiếu ngành công nghệ.
Ngoài ra, kế hoạch hội nhập kinh tế của Trung Quốc cho khu vực vịnh Quảng Đông- Hồng Kông -Ma Cao được thông báo vào cuối ngày hôm qua, đã đưa cổ phiếu của các nhà khai thác và phát triển cảng trong khu vực cũng có một phiên tăng vọt.
Kết thúc phiên 12/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 195,26 điểm (-1,04%) xuống 18.747,87 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 225,04 điểm (+0,93%), lên 24.313,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 15,14 điểm (-0,46%) xuống 3.273,83 điểm.
Thị trường vàng, ngoại tệ
- Bất an quay trở lại, giá vàng quốc tế tăng mạnh, vàng trong nước chịu ảnh hưởng không nhỏ. Tỷ giá USD chững lại.
Trên thị trường thế giới, nỗi bất an xung quanh những chính sách khó lường của Tổng thống Mỹ Donald Trump, xung đột tại Syria và động thái mới của Triều Tiên đang đẩy giá vàng lên mức cao nhất 5 tháng qua.
Trong phiên giao dịch ngày hôm nay (12/4), giá vàng đã tăng lên 1.279,85 USD/ounce, mức cao nhất kể từ 10/11/2016 tại sàn giao dịch Singapore..>> Chi tiết
Tại thị trường trong nước sau giờ mở cửa tăng mạnh 130.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Tính đến chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,52 triệu đồng/lượng - 36,74 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm nhẹ 10.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay vẫn được giữ ở mức mức 22.316 đồng/USD, bằng với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các Ngân hàng thương mại giao dịch phổ biến ở 22.630 -22.700 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Các thông tin đáng chú ý khác
- Chứng khoán ngược chiều GDP
Tăng trưởng GDP quý I/2017 chỉ đạt 5,1%, mức thấp nhất trong vòng 12 quý gần nhất. Nhưng thị trường chứng khoán, “hàn thử biểu” của nền kinh tế lại vẫn tăng điểm. Dòng vốn vẫn chảy vào các cổ phiếu lớn của những doanh nghiệp đầu ngành và nhà đầu tư ngoại tiếp tục mua ròng trên thị trường.
Theo báo cáo phân tích vĩ mô của SSI, tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I/2017 là 297,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ..>> Chi tiết
- Ngân hàng Nhà nước lần thứ 2 trong năm ra tay chặn đà rơi tỷ giá
Theo Thời báo Ngân hàng, kể từ ngày 11/4, giá mua vào USD tại Sở Giao dịch NHNN đã được tăng thêm 10 đồng lên 22.675 đồng/USD, trong khi giá bán ra cũng được nâng lên chỉ cách mức tỷ giá trần có 20 đồng thay vì chênh 50 đồng như thời gian trước.
Sau động thái này của NHNN, đà rơi của tỷ giá trên thị trường đã bị chặn lại. Hiện giá bán ra USD tại các ngân hàng phổ biến ở mức 22.700 đồng/USD, không mấy biến động so với ngày hôm qua; trong khi giá mua vào cũng ổn định trong khoảng 22.600 – 22.630 đồng/USD.
Đây là lần thứ 2 kể từ đầu năm, NHNN phải ra tay chặn đà rơi của tỷ giá. Trước đó, ngày 9/1/2017, Sở Giao dịch NHNN cũng đã phải nâng mạnh giá mua vào USD từ 22.300 đồng/USD lên 22.575 đồng/USD.
- Lôi khách ra khỏi máy bay, United Airlines mất 1,1 tỷ USD
Đêm qua, vào khoảng 23h (giờ Việt Nam) cổ phiếu UAL của Hãng hàng không Mỹ United Airlines đã bất ngờ giảm từ 71,94 USD/cp xuống còn 68,46 USD/cp, tương đương mất gần 3,5 USD (-4,84%).
Cú giảm giá bất ngờ khiến giá trị vốn hóa của doanh nghiệp giảm gần 1,1 tỷ USD trong vòng vài tiếng đồng hồ.. >> Chi tiết
- Toshiba thông báo lỗ hơn 1.000 tỷ yen trong năm tài khóa 2016
Sau nhiều lần trì hoãn, Toshiba vừa công bố báo cáo tài chính, dù chưa được kiểm toán. Đại gia điện tử Nhật Bản lỗ tổng cộng 532,3 tỷ yen (4,8 tỷ USD) giai đoạn tháng 4 - tháng 12 năm ngoái. Trước đó, họ ước tính khoản lỗ có thể lên tới 1.000 tỷ yen trong tài khóa 2016 (kết thúc vào tháng 3 năm nay).>> Chi tiết