Thị trường tài chính 24h: Hưng phấn cao độ

(ĐTCK) VN-Index áp sát 920 điểm; Thu nhập của nhân viên Vietinbank cao nhất khối ngân hàng; Đãi cơ hội từ cổ phiếu thoái vốn; Doanh nghiệp dệt may: Cơ hội mơ hồ, khó khăn thấy rõ; Doanh nghiệp vẫn chây ì lên sàn, do đâu?; Chứng khoán Mỹ bật tăng mạnh trở lại; Mỹ khởi động phiên tòa chống độc quyền quy mô lớn nhất nhiều thập kỷ...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Ảnh Internet Ảnh Internet
VN-Index thăng hoa

Tiếp nối đà tăng phiên đầu tuần, VN-Index đã vọt tăng mạnh ngay khi bước vào phiên sáng nay, vượt qua ngưỡng 920 điểm nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Trong phiên chiều, VN-Index nới rộng đà tăng, lên sát ngưỡng 930 điểm. Tại đây, áp lực chốt lời gia tăng, khiến nhiều mã thu hẹp đà tăng, khiến VN-Index "đánh rơi" lùi dần, và chốt phiên tăng gần 15 điểm lên 918,3 điểm.

Áp lực bán khiến nhiều mã vốn hóa lớn hạ bớt độ cao như SAB, GAS, VNM, VIC, MSN, PLX, BVH… dù vậy, Top 10 mã vốn hóa lớn nhất vẫn tăng. Trong đó, VRE giữ vững sắc tím, khớp 8,06 triệu đơn vị.

VIC bị khối ngoại bán ròng 1,6 triệu đơn vị vẫn tăng 0,9% khớp 3,76 triệu đơn vị.

Trong rổ VN30, có 9 mã quay đầu giảm điểm và lùi về tham chiếu, trong đó có các mã nằm trong danh mục thoái vốn của SCIC như FPT, BMP, DMC...

MBB khớp lệnh 9,4 triệu đơn vị, nhiều nhất rổ, tiếp đó là SSI với 7,98 triệu đơn vị, CTG khớp 5,02 triệu đơn vị. VCB khớp 3,76 triệu đơn vị. Tất cả các mã này đều tăng.

BVH, PLX, MSN có thời điểm đã tăng trần, song đều không giữ được sắc tím khi kết phiên,.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dù có sự hỗ trợ của dòng tiền, song đa phần giảm điểm, như OGC, DXG, HAG, HAI, ASM, FIT, KSA…

Dẫn đầu sàn vẫn là FLC với 19,7 triệu cổ phiếu được sang tên, tăng 3%.

HTT bất ngờ tăng trần lên 5.920 đồng/CP, tạm thời ngắt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp, khớp lệnh 3,69 triệu đơn vị.

Thị trường chứng khoán phái sinh phiên này có 16.254 hợp đồng được giao dịch, giá trị gần 1.556 tỷ đồng.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng 2,39 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 27,2 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 796.635 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 21,01 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 1,03 triệu đơn vị với tổng giá trị đạt 15,25 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 21/11: VN-Index tăng 14,75 điểm (+1,63%), lên 918,3 điểm;  HNX-Index giảm 0,09 điểm (-0,08%), xuống 108,02 điểm; UPCoM-Index tăng 0,24 điểm (+0,46%), lên 53,57 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 7.488 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ phục hồi trong bối cảnh Verizon dẫn dắt lĩnh vực viễn thông, nhưng tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi phán quyết của Bộ tư pháp Mỹ về thương vụ sáp nhập của AT&T và ime Warner.

Trong tuần này, không có dữ liệu kinh tế hay báo cáo lợi nhuận nào quan trọng được công bố, khối lượng giao dịch thấp và dự kiến sẽ giảm cho đến kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn vào ngày thứ Năm.

Trong phiên thứ hai, cổ phiếu Verizon tăng 1,7% lên 46,2 USD/cổ phiếu, qua đó tác động tích cực đến lĩnh vực dịch vụ viễn thông thuộc S&P 500, sau khi Wells Fargo nâng giá trị cổ phiếu và cho biết đây là “một cổ phiếu có lợi nhuận hấp dẫn”.

Tuy nhiên, lĩnh vực viễn thông đã mất 17% trong năm 2017, trái ngược hoàn toàn với đà tăng 15% của S&P 500 từ đầu năm đến nay.

Bên cạnh đó, chỉ số theo dõi ngành bán dẫn tiến 1,2% và chạm mức cao nhất kể từ thời kỳ bong bóng công nghệ trong những năm 2000.

Trong khi đó, cổ phiếu Time Warner suy yếu, mất 1,1% xuống còn 87,71 USD/cổ phiếu. sau khi các báo cáo cho biết Bộ Tư pháp Mỹ sẽ khởi kiện để ngăn chặn việc AT&T mua lại Time Warner.

Khoảng 5,67 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên các sàn giao dịch của Mỹ, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân phiên trong hơn 20 phiên vừa qua là 6,81 tỷ cổ phiếu.

Kết thúc phiên 20/11, chỉ số Dow Jones tăng 72,09 điểm (+0,31%), lên 23.430,33 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,29 điểm (+0,13%), lên 2.582,14 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 7,92 điểm (+0,12%), lên 6.790,71 điểm.

Trên thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm trở lại, sau khi các cổ phiếu vốn hóa lớn như ô tô và sản xuất thiết bị tự động hóa thu hút lực mua, và diễn biến căng thẳng chính trị mới đối với Triều Tiên đã hỗ trợ các cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực quốc phòng.

Chỉ số Nikkei chốt phiên tăng 0,7% lên 22.416,48 điểm, Topix cũng tăng 0,7% lên 1.771,13 điểm.

Trong phiên, các nhà sản xuất ô tô tăng vững chắc, với Toyota Motor Corp tăng 1,4% và Subaru Corp tăng 1,7%.

Các cổ phiếu tự động hóa, với Fanuc Corp tăng 1,8% và Keyence Corp tăng 1,7%.

Các ngân hàng cũng không đứng ngoài cuộc chơi, với Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ cộng thêm 1,2% và Mizuho Financial Group tăng 0,9%.

Các nhà đầu tư cho rằng nhu cầu thiết bị liên quan đến quốc phòng sẽ tăng lên sau khi ông Donald Trump đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách các nhà nước trợ khủng bố, qua đó, nâng các cổ phiếu như Ishikawa Seisakusho và Howa Machinery lần lượt tăng 9,3% và 17%.

Chỉ số blue-chip của chứng khoán Trung Quốc kết thúc ở mức cao nhất trong 28 tháng, được củng cố bởi lợi nhuận tăng trưởng của các công ty môi giới.

chỉ số Shanghai Composite tăng 0,6% lên 3.411,09 điểm.

Chỉ số blue-chip CSI300 tăng 1,8%, với chỉ số theo dõi khu vực tài chính tăng 2,3%, ngành tiêu dùng tăng 1,8%, ngành bất động sản tăng 5% và chăm sóc sức khoẻ tăng 0,5%

Cổ phiếu tăng kịch trần 10% hôm nay thuộc chỉ số chính là gồm Shanghaifort Trung Quốc, SJEC Corp và China Enterprise Co Ltd. 

Ngược lại, một số cổ phiếu lớn giảm sâu như Baotou Huazi Co Ltd và Sơn Đông Xinchao mất 10%, Sơn Đông Xinchao Corp Ltd mất 6% và Giang Tô Sunrain Co Ltd giảm 4,9%.

Từ đầu năm cho đến thời điểm này, Shanghai Composite đã tăng 9,3%, trong khi chỉ số cổ phiếu H niêm yết ở Hồng  Kông tăng 22,8%.

Khoảng 19,69 tỷ cổ phiếu đã được giao dịch trong phiên hôm nay, bằng 116,6% trung bình 30 phiên gần nhất (16,89 tỷ cổ phiếu).

Chứng khoán Hồng Kông đã có phiên tăng mạnh nhất trong 7 tuần nhờ sự ủng hộ bởi cổ phiếu của Tencent.

Chỉ số Hang Seng Index tăng 1,91% lên 29.818,07 điểm, trong khi chỉ số Doanh nghiệp Trung Quốc tăng 2,91% lên 11.874,37 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi nhóm năng lượng tăng 0,7%, khu vực công nghệ thông tin tăng 2,07%, ngành tài chính tăng 2,99% và bất động sản tăng 0,22%.

cổ phiếu Tencent Holdings tăng 2,4% lên một kỷ lục mới 430 HK$/cổ phiếu đã thúc đẩy tâm lý hưng phấn cho thị trường.

Cổ phiếu Tập đoàn Bảo hiểm Ping An của Trung Quốc tăng 8,84%, nằm trong số các cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu H, tiếp theo là Trung Quốc Vanke Co Ltd tăng 7,92% và Tập đoàn Bảo hiểm Trung Quốc Thái Bình Dương tăng 7,66%.

Trong khi cổ phiếu mất điểm lớn nhất là Want Want China Holdings Ltd, giảm 5,65%.

3 mã giảm điểm lớn nhất trong nhóm cổ phiếu H là Sinopharm Group Co Ltd giảm 1,88%, Huaneng Power International Inc mất 1,1% và China Railway Construction Corp Ltd giảm 0,5%.

Kết thúc phiên 21/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 154,72 điểm (+0,70%), lên 22.416,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 557,76 điểm (+1,91%), lên 29.818,07 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 18,10 điểm (+0,53%), lên 3.410,50 điểm.

Thị trường vàng, ngoại tệ

- Vàng SJC tăng trở lại. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.750 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 20.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36, 40 - 36,62 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.446 đồng/USD, tăng 4 đồng so với ngày hôm qua.. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.680 - 22.750 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Thu nhập của nhân viên Vietinbank cao nhất khối ngân hàng, hơn 27,3 triệu đồng/tháng

Thu nhập bình quân của nhân viên nhiều ngân hàng tăng trong 9 tháng đầu năm. Mức cao nhất là 27,3 triệu đồng/tháng thuộc về ngân hàng quốc doanh, tăng 3,4 triệu so với 2016..>> Chi tiết

Đãi cơ hội từ cổ phiếu thoái vốn

Ngay khi biết thông tin về kế hoạch thoái vốn của Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Vinaconex (mã VCG), ông Phạm Duy Thái lập tức đặt lệnh mua 10.000 cổ phiếu VCG.

Với nhiều người, sóng cổ phiếu thoái vốn còn được họ đón lõng từ sớm hơn..>> Chi tiết

Doanh nghiệp dệt may: Cơ hội mơ hồ, khó khăn thấy rõ

Kỳ vọng lớn bao nhiêu thì các doanh nghiệp dệt may cũng thất vọng bấy nhiêu khi Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới tuyên bố rút khỏi TPP, dù 11 quốc gia còn lại trong khối đã thông qua Hiệp định mới mang tên CPTPP trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao APEC 2017 vừa diễn ra tại Đà Nẵng..>> Chi tiết

Doanh nghiệp vẫn chây ì lên sàn, do đâu?

Từ đầu năm đến nay, có khoảng 230 doanh nghiệp hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp đã là công ty đại chúng đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM.

Dẫu vậy, con số này vẫn còn khiêm tốn so với tổng số hơn 700 doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng đến nay vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn, vì nhiều lý do…>> Chi tiết

Mỹ khởi động phiên tòa chống độc quyền quy mô lớn nhất nhiều thập kỷ

Chính phủ Mỹ đã nộp đơn kiện nhằm ngăn chặn thương vụ sáp nhập giữa Tập đoàn viễn thông đa quốc gia AT&T và Hãng truyền thông giải trí Time Warner, mở màn cho phiên tòa chống độc quyền quy mô lớn nhất trong vòng nhiều thập kỷ qua với giá trị hợp đồng lên tới 85 tỷ USD..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục