Thị trường tài chính 24h: HBC bất ngờ nổi sóng gió

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index lên trên 1.055 điểm; Lợi nhuận ngân hàng 2023 khó bứt phá; Trái phiếu doanh nghiệp: Từ cú sẩy chân của doanh nghiệp đến giọt nước mắt nhà đầu tư; “Sóng gió” quỹ đầu tư; Các quan chức Fed muốn lãi suất cao hơn trong thời gian tới…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: HBC bất ngờ nổi sóng gió

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 5/1 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã giảm thêm 200.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,20 – 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 15,2 USD lên 1.854,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và lùi về dưới mốc 1.850 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,28 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 5/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.603 đồng/USD, không đổi so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.340 – 23.660 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 16.800 USD, thì sang phiên hôm nay gần như chỉ dao động giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,22 USD (+1,67%), lên 74,06 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,36 USD (+1,75%), lên 79,20 USD/thùng.

VN-Index tăng lên trên 1.055 điểm

Sau phiên sáng nhích nhẹ với thanh khoản suy giảm, thị trường bước vào phiên chiều với giao dịch tích cực hơn, bảng điện tử thêm một lần đổi sắc với những mã tăng chiếm ưu thế.

Cùng với đó, nhóm VN30 cũng khởi sắc hơn đã giúp VN-Index dần tiến lên thử thách mốc 1.060 điểm, nhưng về cuối phiên VN-Index lùi nhẹ về 1.055 điểm khi lực bán gia tăng ở nhóm bluechip.

Trong những mã tăng, ấn tượng nhất phiên này là POW, khi đã tăng kịch trần +6,8% lên 11.750 đồng, khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 23,6 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 1,7 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 32,1 triệu đơn vị, giá trị mua ròng đạt 688,54 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 5/1: VN-Index tăng 9,47 điểm (+0,91%), lên 1.055,82 điểm; HNX-Index tăng 0,05 điểm (+0,02%), lên 213,11 điểm; UpCoM-Index tăng 0,06 điểm (+0,08%), lên 72,82 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Các chỉ số chính của Phố Wall tăng trong phiên thứ Tư (4/1), khi giới đầu tư thận trọng sau biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed được công bố, nhưng cũng kỳ vọng cao hơn về việc lãi suất sẽ tăng chậm lại.

Biên bản cho thấy các cuộc thảo luận nội bộ của Fed đang bước vào một giai đoạn mới, trong đó, rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế và việc làm được đặt trọng tâm hơn, nhưng kiềm chế lạm phát cao vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Hiện tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là báo cáo việc làm tháng 12 sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu, trong đó có những dữ liệu quan trọng là tỷ lệ thất nghiệp và tiền lương bình quân theo giờ.

Kết thúc phiên 4/1, chỉ số Dow Jones tăng 133,40 điểm (+0,40%), lên 33.269,77 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 28,83 điểm (+0,75%), lên 3.852,97 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 71,78 điểm (+0,69%), lên 10.458,76 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đã tăng khi các cổ phiếu liên quan đến chip nhích lên, nhưng đà tăng bị hạn chế do thái độ diều hâu từ các ngân hàng trung ương toàn cầu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,4% lên 25.820,80 điểm. Chỉ số Topix tăng nhẹ 0,04% lên 1.868,90 điểm.

Phiên này, cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron là hỗ trợ lớn nhất cho Nikkei 225 với mức tăng 4,01%. Theo sau là Nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest tăng 2,06%.

Tuy nhiên, thị trường hơn không đồng nhất, với chỉ 97 mã tăng trong khi 125 mã giảm trên Nikkei 225.

Các thị trường Nhật Bản và toàn cầu vẫn đang cảm nhận tác động của cú sốc mở rộng biên độ dao động lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản di chuyển quanh mốc 0%.

Maki Sawada, chiến lược gia tại Nomura ở Tokyo, cho biết: “Với triển vọng (đối với chính sách tiền tệ) ngày càng u ám, sự phục hồi của cổ phiếu Nhật Bản có thể sẽ bị hạn chế”.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi nhà đầu tư hy vọng về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ vào năm 2023 đã làm giảm bớt lo lắng về sự gia tăng đột biến các ca nhiễm Covid-19.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,01% lên 3.155,22 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,94% lên 3.968,58 điểm.

“Việc Trung Quốc đột ngột mở cửa trở lại sau các hạn chế do COVID đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn về sức khỏe cộng đồng...Nhưng không điều gì trong số này có thể làm hỏng quá trình phục hồi kinh tế, được hỗ trợ bởi chính sách của chính phủ hiện đang tập trung vào hỗ trợ tăng trưởng,” các nhà phân tích của Gavekal Dragonomics cho biết.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm thứ Tư cho biết, sẽ duy trì thanh khoản hợp lý, đẩy mạnh hỗ trợ tài chính để thúc đẩy tiêu dùng trong nước và các dự án đầu tư trọng điểm, đồng thời hỗ trợ thị trường bất động sản ổn định vào năm 2023.

Các nhà đầu tư nước ngoài phiên này đã mua ròng 12,75 tỷ nhân dân tệ (1,85 tỷ USD) cổ phiếu Trung Quốc, mức cao nhất kể từ giữa tháng 11 năm ngoái.

Chứng khoán Hồng Kông tiếp tục nhích lên nhờ sự lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế và cổ phiếu công nghệ tiến bước.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,25% lên 21.052,17 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,51% lên 7.172,43 điểm.

Phiên này, cổ phiếu các gã khổng lồ công nghệ niêm yết tại Hồng Kông có thời điểm đã tăng tới 3,9%, trước khi tăng 1,5% về cuối phiên.

Chứng khoán Hàn Quốc đã tăng phiên thứ hai liên tiếp, với những gã khổng lồ nền tảng trực tuyến dẫn đầu mức tăng.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 8,67 điểm, tương đương 0,38% lên 2.264,65 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, nhóm cổ phiếu nền tảng trực tuyến là cổ phiếu tăng điểm nhiều nhất, với Search engine Naver tăng 1,92%, Kakao Messenger tăng 3,59%, Kakaobank và Kakaopay mỗi công ty tăng thêm 7,48% và 6,67%.

Kết thúc phiên 5/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 103,94 điểm (+0,40%), lên 25.820,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 31,70 điểm (+1,01%), lên 3.155,22 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 259,06 điểm (+1,25%), lên 21.052,17 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 8,67 điểm (+0,38%), lên 2.264,65 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Câu chuyện lùm xùm tại HBC

Ngay trong ngày đầu năm 2023, HBC đã gây chú ý với các nhà đầu tư và thị trường không phải ở diễn biến giá cổ phiếu, mà lùm xùm xung quanh chiếc ghế Chủ tịch HĐQT. Trả lời báo chí hôm nay, ông Dương Văn Hùng, Thành viên HĐQT độc lập Công ty cổ phần tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) tiết lộ lý do mẫu thuẫn với Chủ tịch Lê Viết Hải lên đỉnh điểm như hiện nay.>> Chi tiết

- Lợi nhuận ngân hàng 2023 khó bứt phá

Nhiều ngân hàng dự kiến đạt lợi nhuận cao trong năm 2022, thế nhưng khả năng bứt phá lợi nhuận năm 2023 không được đánh giá cao khi thực sự “ngấm” khó khăn..>> Chi tiết

- Trái phiếu doanh nghiệp: Từ cú sẩy chân của doanh nghiệp đến giọt nước mắt nhà đầu tư

Bom nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát nổ là sự cố chấn động nhất của thị trường tài chính Việt Nam năm 2022, kéo theo sự sụp đổ niềm tin của nhà đầu tư. Làm thế nào để khôi phục lại thị trường trái phiếu sẽ là câu chuyện nóng nhất năm 2023..>> Chi tiết

- “Sóng gió” quỹ đầu tư

Cả quỹ đầu tư cổ phiếu và trái phiếu đều chịu nhiều áp lực trong năm qua khi thị trường chứng khoán lao dốc, kỳ vọng sẽ tích cực hơn trong năm mới..>> Chi tiết

- Các quan chức Fed muốn lãi suất cao hơn trong thời gian tới

Theo biên bản cuộc họp tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố hôm thứ Tư (4/1), các nhà hoạch định chính sách đã cam kết chống lại lạm phát và kỳ vọng duy trì mức lãi suất cao hơn cho đến khi đạt được nhiều tiến bộ hơn trong cuộc chiến chống lạm phát..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục