Thị trường tài chính 24h: Giá vàng tăng vọt, sắp chạm mốc 90 triệu đồng/lượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Giải mã nguồn cơn giá vàng nóng bỏng tay; Chấn chỉnh hoạt động thu đổi, mua bán ngoại tệ; Doanh nghiệp địa ốc “đua” hút vốn chứng khoán; Lạm phát ổn định ở mức cao có thể gây rủi ro mới cho Fed…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Giá vàng tăng vọt, sắp chạm mốc 90 triệu đồng/lượng

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 9/5 tăng vọt 1,2 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng tăng thêm 800.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 87,20 – 89,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 5,4 USD xuống 2.308,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng trở lại gần 2.320 USD, trước khi giảm về quanh 2.310 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,70 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 9/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.265 đồng/USD, tăng 16 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.178 – 25.478 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 63.600 USD xuống 62.400 USD thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục lùi bước và về dưới mốc 61.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,45 USD (+0,57%), lên 79,44 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,43 USD (+0,51%), lên 84,01 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Sau nhịp giảm khá mạnh cuối phiên sáng bởi sắc đỏ mở rộng trên bảng điện tử, thị trường bước vào phiên chiều nới thêm đôi chút đà giảm trước khi bật trở lại vùng tham chiếu.

Tại ngưỡng này, sự giằng co diễn ra mạnh ở cả bên mua và bên bán khiến tình trạng phân mạnh trên bảng chính, trong khi nhóm VN30 cân bằng hơn và chỉ số VN-Index theo đó chỉ rung lắc nhẹ cho đến khi đóng cửa. Thanh khoản thị trường duy trì ở trên ngưỡng 20.000 tỷ đồng.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 44,72 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng 1.720,42 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 9/5: VN-Index giảm 1,82 điểm (-0,15%), xuống 1.248,64 điểm; HNX-Index tăng 0,07 điểm (+0,03%), lên 234,58 điểm; UpCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,37%), lên 91,91 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ phân hoá nhẹ trong phiên thứ Tư (8/5), với Dow Jones là điểm nhấn khi có chuỗi sáu phiên tăng liên tiếp và lên trên 39.000 điểm lần đầu tiên sau năm tuần.

Amgen và JPMorgan Chase là hai trong số những cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào đà tăng của Dow Jones, mỗi cổ phiếu đều nhích hơn 2%.

Với mùa báo cáo kết quả kinh doanh sắp kết thúc và chỉ có một vài báo cáo dữ liệu kinh tế dự kiến trong tuần này, các nhà đầu tư đang chờ đợi chỉ số giá tiêu dùng vào tuần tới để đánh giá xem lạm phát có hạ nhiệt hay không.

Các nhà giao dịch hiện đang định giá 67% khả năng Fed cắt giảm lãi suất ít 0,25% vào tháng 9, theo công cụ Fedwatch của CMEGroup, tăng từ khoảng 54% một tuần trước đó.

Kết thúc phiên 8/5: Chỉ số Dow Jones tăng 172,13 điểm (+0,44%), lên 39.056,39 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,03 điểm (-0,00%), xuống 5.187,67 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 29,80 điểm (-0,18%), xuống 16.302,76 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, bị kéo lùi bởi các cổ phiếu liên quan đến chip.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,34% xuống 38.073,98 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,26% lên 2.713,46 điểm.

"Sự sụt giảm của cổ phiếu ARM đã khiến áp lực bán gia tăng đến Tokyo Electron và các cổ phiếu liên quan đến chip khác", Shuji Hosoi, chiến lược gia cấp cao của Daiwa Securities, cho biết.

ARM Holdings đã đưa ra dự báo doanh thu cả năm không đạt như kế hoạch, khiến cổ phiếu niêm yết tại Frankfurt giảm 10% vào thứ Năm.

Cổ phiếu của Tokyo Electron, một nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip của Nhật Bản, đã giảm gần 3% để trở thành lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225. Cổ phiếu SoftBank Group, sở hữu khoảng 90% cổ phần của Arm Holdings, cũng giảm khoảng 3%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng sau khi dữ liệu thương mại tháng Tư vững chắc, trong khi một chính sách bất động sản mới nhất cũng cải thiện tâm lý thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,83% lên 3.154,32 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,95% lên 3.664,56 điểm.

Dữ liệu mới cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 292,5 tỷ USD. Trong khi nhập khẩu tăng 8,4%, vượt xa mức dự báo 4,8% của các nhà kinh tế và đảo ngược mức giảm 1,9% trong tháng 3.

Ngoài ra, đô thị phía đông Hàng Châu của Trung Quốc cho biết sẽ dỡ bỏ tất cả các hạn chế mua nhà để củng cố thị trường bất động sản địa phương, nâng cao triển vọng rằng các thành phố khác cũng sẽ có động thái tương tự.

Chứng khoán Hồng Kông tăng lên gần mức cao nhất trong 8 tháng nhờ sự lạc quan về kinh tế sau dữ liệu thương mại vững chắc và khi nhiều thành phố của Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế mua nhà.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,22% lên 18.537,81 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,61% lên 6.560,67 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các nhà đầu tư vẫn lo ngại về diễn biến tương lai của lãi suất của Mỹ trước khi dữ liệu lạm phát được công bố vào tuần tới.

Đóng cửa, chỉ số Kospi giảm 32,91 điểm, tương đương 1,2% xuống 2.712,14 điểm. Chủ tịch Fed Boston, bà Susan Collins nói rằng việc đạt được mục tiêu lạm phát 2% có thể mất nhiều thời gian hơn so với suy nghĩ trước đây.

"Những bình luận diều hâu của Susan Collins làm dấy lên lo ngại về việc thắt chặt tiền tệ kéo dài, làm giảm khẩu vị của các nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro", Lee Jae-won, nhà phân tích từ Shinhan Securities, cho biết.

Trong số các cổ phiếu lớn, hai gã khổng lồ chip là Samsung Electronics giảm 1,97% và SK hynix giảm 1,46%.

Kết thúc phiên 9/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 128,39 điểm (-0,34%), xuống 38.073,98 điểm Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 25,84 điểm (+0,83%), lên 3.154,32 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 223,95 điểm (+1,22%), lên 18.537,81 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 32,91 điểm (-1,20%), xuống 2.712,14 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Giải mã nguồn cơn giá vàng nóng bỏng tay

Giá vàng đi ngược quỹ đạo thông thường khi tăng vọt kể từ đầu năm 2024, bất chấp những “cơn gió ngược” kéo cản thị trường..>> Chi tiết

- Chấn chỉnh hoạt động thu đổi, mua bán ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước TP.HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng cần tổ chức thực hiện kiểm tra các đại lý đổi ngoại tệ được ủy quyền, kiểm tra, kiểm soát hoạt động đại lý đổi ngoại tệ đúng quy định..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp địa ốc “đua” hút vốn chứng khoán

Nhu cầu vốn lớn để phát triển các dự án cũng như cơ cấu lại các hoạt động tài chính đang thúc đẩy nhiều doanh nghiệp bất động sản huy động vốn trung - dài hạn thông qua việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), niêm yết trên sàn chứng khoán…>> Chi tiết

- Lạm phát ổn định ở mức cao có thể gây rủi ro mới cho Fed

Lạm phát vượt quá mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể khiến các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn trong những tháng tới về mức độ rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,277.58 4.47 0.35% 276,792 tỷ
HNX 242.57 1.02 0.42% 2,121 tỷ
UPCOM 93.53 0.46 0.49% 1,283 tỷ