Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 17/8 giảm 380.000 đồng/lượng chiều mua vào và 730.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã tăng trở lại 1,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,05 triệu đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại mức 55,10– 56,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 8 USD xuống 1.944,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giằng co nhẹ nhưng sau đó đã bứt hẳn và leo lên gần 1.965 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 9 trên sàn Comex New York tăng 21,6 USD lên 1.960,5 USD/ounce.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,15% xuống 92,96 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 17/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức à 23.214 đồng, tăng 2 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.090 - 23.270 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,11 USD (-0,26%), xuống 41,90 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,17 USD (-0,38%), xuống 44,63 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index gần như không đổi
Trong phiên sáng, dòng tiền tham gia hạn chế và với trạng thái thị trường phân hóa khá mạnh, VN-Index sau nửa đầu phiên cầm cự đã lùi hẳn xuống dưới tham chiếu.
Bước sang phiên h chiều, thị trường không có thêm thông tin tích cực, VN-Index lùi tiếp về sát ngưỡng 840 điểm. Nhưng ngay khi tiệm cận vùng giá này, lực cầu bắt đáy được kích hoạt đã giúp thị trường bật ngược lên 850 điểm khi đóng cửa.
Nhóm VN30 không mấy tích cực khi ghi nhận 18 mã giảm và chỉ 7 mã tăng. Tuy nhiên, mức biến động tăng giảm của các mã trong biên độ khá hẹp, chủ yếu đều chưa tới 1%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ dáng chú ý, HAP vẫn bảo toàn sắc tím, xác lập phiên tăng trần thứ 8 liên tiếp. Trái lại VPS đã gặp áp lực chốt lời khi bất ngờ quay đầu giảm sàn.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 4,5 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 102,3 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 17/8: VN-Index giảm 0,59 điểm (-0,07%), xuống 850,15 điểm; HNX-Index tăng 0,98 điểm (+0,84%), lên 117,21 điểm; UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,22%), lên 56,86 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 7 đã tăng chậm lại, chỉ tăng 1,2% so với tháng trước, trong khi mức tăng của tháng 6 lên tới 8,4%. So với cùng kỳ, doanh số bán lẻ tháng 7 tăng 2,7%. Các nhà kinh tế theo thăm dò của Reuters dự báo, doanh số bán lẻ trong tháng 7 sẽ tăng 1,9%.
Theo các nhà phân tích, doanh số bán lẻ của Mỹ trong quý II tăng là nhờ gói hỗ trợ 600 USD/người/tuần, nhưng gói hỗ trợ này đã kết thúc vào ngày 31/7/2020, trong khi gói hỗ trợ mới chưa có do bất đồng giữa Nhà trắng và Quốc hội. Do đó, theo các nhà kinh tế, doanh số bán lẻ sẽ sụt giảm trở lại trong tháng 8.
Dữ liệu này, cùng doanh số bán lẻ của Trung Quốc vừa công bố yếu kém khiến giới phân tích nghi ngờ về khả năng phục hồi của nền kinh tế vốn mới chỉ bắt đầu nhen nhóm trở lại.
Trong tuần, Dow Jones tăng 1,81%, S&P tăng 0,64% và Nasdaq tăng 0,08%.
Kết thúc phiên 14/8, chỉ số Dow Jones tăng 34,30 điểm (+0,12%), lên 27.931,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,58 điểm (-0,02%), xuống 3.372,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 23,20 điểm (-0,21%), xuống 11.019,30 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 0,32%.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,83% trong khi Topix giảm 0,84%.
Kinh tế Nhật Bản quý II giảm 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu chính phủ Nhật Bản công bố hôm nay. Đây là mức suy giảm mạnh nhất kể từ khi ghi nhận số liệu năm 1980.
"Đây là điều đã được dự đoán", Ken Wong, chuyên gia danh mục đầu tư chứng khoán châu Á tại Eastspring Investments, nói, viện dẫn các lý do như Nhật Bản phải phong tỏa trong phần lớn tháng 4 và 5.
Tại thị trường Trung Quốc, Shanghai Composite tăng 2,34% trong khi Shenzhen Composite tăng 1,92%. Chỉ số Hang Seng của sàn Hong Kong tăng 0,65% với cổ phiếu Xiaomi tăng giá 5,61% sau thông tin cổ phiếu hãng sản xuất điện thoại này sẽ được đưa vào chỉ số từ ngày 7/9.
Thị trường Hàn Quốc nghỉ lễ.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Tránh kiệt sức trước vạch đích của giá vàng
Giá vàng sẽ tăng gấp đôi, sau đó gấp 3 so với mức gần 2.000 USD/ounce hiện tại..>> Chi tiết
- P/B về 1, cổ phiếu ngân hàng có hấp dẫn?
P/B bình quân của nhóm ngân hàng đang về mức 1 lần, nhưng không phải mã nào cũng là cơ hội đầu tư đáng chọn..>>Chi tiết
- “Va vấp” quanh mức 800 điểm
Thị trường có một vài “va vấp” quanh khu vực kháng cự 800 điểm trên VN30, nhưng sự tích lũy đi lên trong tuần qua là diễn biến tích cực..>> Chi tiết
- Dòng tiền đầu cơ nhập cuộc “hàng thoái vốn”
Cổ phiếu AFX có 5 phiên trần liên tiếp, thanh khoản tăng mạnh sau thông tin SCIC thực hiện bán đấu giá 51% cổ phần với giá khởi điểm gấp 3 lần thị giá..>> Chi tiết
- Thâm hụt tài khóa của Mỹ lên mức báo động kể từ Thế chiến II
Giữa sự tàn phá kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ Mỹ đang tiến gần đến một cột mốc tài chính mới nhưng gây đáng ngại: Số tiền đi vay nhiều hơn so với số tiền thu..>> Chi tiết