Bất động sản Trung Quốc vừa hồi phục đã lo sốt ảo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường bất động sản Trung Quốc đã có những tín hiệu phục hồi sau quãng thời gian nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19. 
Bất động sản Trung Quốc vừa hồi phục đã lo sốt ảo

Trong bối cảnh này, nhà đầu tư, nhất là những người đã bỏ vốn vào trái phiếu doanh nghiệp bất động sản có cơ hội tốt khi các nhà phát triển bất động sản bắt đầu trở lại cuộc đua.

“Quá trình đô thị hoá và nâng cấp cơ sở hạ tầng là những động lực tăng trưởng chính của thị trường bất động sản. Giá bất động sản đang phục hồi và doanh nghiệp trong ngành chứng kiến lợi nhuận được cải thiện”, Hayden Briscoe, người đứng đầu bộ phận tài sản mang lại thu nhập cố định khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại UBS Asset Management cho biết.

Briscoe chia sẻ, UBS Asset Management có cái nhìn lạc quan với các nhà phát triển bất động sản lớn bởi nhóm này có thị phần đáng kể và có cơ hội mở rộng khi các doanh nghiệp nhỏ hơn không thể chống trọi trước đại dịch, buộc phải từ bỏ sàn đấu. Tuy nhiên, không phải phân khúc nào cũng được đánh giá tích cực. Theo đó, bất động sản thương mại hiện đang chịu nhiều áp lực khi giá cho thuê đi xuống, hoạt động kinh doanh đình trệ trước tác động của đại dịch.

Cùng quan điểm, hãng xếp hạng Moody’s cho rằng, thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ tiếp tục hồi phục và tăng trưởng trong 12 - 18 tháng tới. Trong đó, các nhà phát triển bất động sản lớn, được xếp hạng sẽ có màn biểu diễn vượt trội hơn so với thị trường chung, bởi sở hữu thế mạnh bán hàng và thương hiệu tốt. Bên cạnh đó, thị phần ngày càng mở rộng bởi các doanh nghiệp yếu hơn bị buộc rời khỏi thị trường.

Thị trường bất động sản Trung Quốc gần như “đóng băng” khi đại dịch diễn ra và bùng nổ kể từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, các số liệu chính thức được công bố cho thấy quá trình hồi phục đã bắt đầu khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Doanh số bán hàng tăng 9,7% trong tháng 5, so với việc giảm 2,1% trong tháng 4, theo Reuters. Việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản tăng 4% trong tháng 5, so với mức giảm 10,4% giai đoạn 4 tháng đầu năm 2020.

Sự hồi phục của thị trường đi kèm một số lo lắng. Deutsche Bank trong tuần trước đưa ra cảnh báo, việc có nhiều gói nới lỏng tín dụng được thực thi, cộng với tốc độ tăng trưởng tín dụng cao thường dẫn tới thị trường bất động sản tăng trưởng quá nóng.

Thậm chí, trong tuần trước, chính quyền TP. Thẩm Quyến bất ngờ thông báo áp dụng một số biện pháp mới nhằm kiểm soát chặt hơn thị trường bất động sản khi giá nhà tại thị trường thứ cấp tăng tới 12% trong tháng 5 so với năm trước đó, mức cao thứ hai trong số 70 thành phố lớn của Trung Quốc.

Một vấn đề khác của thị trường là sự hồi phục kéo theo sức hấp dẫn của sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp, nhất là do các công ty bất động sản phát hành. Neeraj Seth, người đứng đầu bộ phận tín dụng châu Á tại BlackRock cho biết, ông đánh giá tích cực đối với sản phẩm trái phiếu lãi suất cao của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc.

“BlackRock đang để mắt tới một số tên tuổi và kỳ vọng sẽ tham gia sâu hơn nữa vào thị trường trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Tính theo quy mô, thị trường này chiếm tới gần 50% toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao tại châu Á”, Neeraj Seth cho biết.

Trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao, thường gọi là junk bonds, là những tài sản nợ chứa đựng rủi ro cao, bởi vậy thường có lãi suất ở mức hấp dẫn. Những loại tài sản này thường được xếp hạng từ  BB+ trở xuống theo bậc xếp hạng của Fitch, S&P, hoặc từ Ba1 trở xuống theo Moody’s.

Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc là những doanh nghiệp phát hành junk bonds lớn nhất châu Á, với tổng giá trị khoảng 46,23 tỷ USD trong năm 2019, cao gấp đôi năm 2018, theo số liệu của Refinitiv. Trong tháng 6/2020, khoảng 13 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế với tổng giá trị 3,8 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 944 triệu USD trong tháng 5, theo số liệu của Moody’s.

Tuy nhiên, chính trong năm 2019, một số vụ phá sản, mất khả năng trả nợ đã xảy ra, làm gia tăng mối lo lắng của giới đầu tư đối với loại tài sản này. Trong khi đó, mới đây, Macrolink Holdings đã trở thành nhà phát triển bất động sản đầu tiên tại Trung Quốc không thể trả nợ trái phiếu đến hạn trong năm 2020 vì đại dịch.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục