Thị trường tài chính 24h: Đổ đèo

(ĐTCK) VN-Index thất bại khi thử thách ngưỡng 1.000 điểm; Bancassurance đã là “kép chính” của mảng dịch vụ ngân hàng; Cần chặn thao túng và tăng công cụ đầu tư chuyên nghiệp; Kỳ vọng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn; Vốn hóa thị trường 100% GDP vào 2020: Cơ hội rõ nét hơn; Chứng khoán châu Á đồng loạt khởi sắc nhờ Fed; Căng thẳng thương mại Nhật – Hàn ngày càng trầm trọng...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Đổ đèo

VN-Index mất gần 12 điểm

Các mã vốn hóa lớn tiếp tục dẫn lối giúp thị trường khởi sắc tiến đến thử thách 1.000 điểm trong phiên sáng. Tuy nhiên, áp lực bán đã dần xuất hiện khiến thị trường rung lắc.

Bước sang chiều, sau hơn 1 giờ giằng co quanh 995 điểm, áp lực bán đã bất ngờ gia tăng mạnh khiến thị trường chìm trong sắc đỏ với hàng trăm mã giảm, khiến VN-Index mất gần 12 điểm khi đóng cửa.

Trong nhóm VN30 có tới 23 mã giảm và chỉ còn 2 mã tăng là SBT nhích nhẹ, còn SAB +1,1% lên 281.000 đồng.

Bộ 3 nhà Vin là gánh nặng khá lớn với VHM - 4,33%, VIC -1,53%, VRE -2,45%, cùng các bluechip khác như GAS -1,8%, MSN -1,36%, MWG -2,17%, HPG -2,71%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng chìm trong sắc đỏ như FLC, KBC, DLG, SCR, ITA, LCG, HNG…

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 8,07 triệu đơn vị. Tổng giá trị bán ròng tương ứng 202,17 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 30/7: VN-Index giảm 11,92 điểm (-1,19%), xuống 986,02 điểm; HNX-Index giảm 0,86 điểm (-0,82%), xuống 104,43 điểm; UPCoM-Index giảm 0,75 điểm (-1,27%), xuống 58,43 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Chứng khoán Mỹ hạ nhiệt trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi giới đầu tư thận trọng trước cuộc họp của Fed và đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Theo dự báo, Fed sẽ giảm lãi suất lần đầu tiên trong 1 thập kỷ trong cuộc họp này, sự chờ đợi của nhà đầu tư là mức giảm 0,25% hay 0,5%.

Trong ngày cuối tuần trước, dự báo việc làm của Mỹ trong tháng 7 được công bố với mức dự báo tăng 165.000 việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp sau khi tăng 224.000 việc làm trong tháng 6.

Kết thúc phiên 29/7, chỉ số Dow Jones tăng 28,90 điểm (+0,11%), lên 27.221,35 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,89 điểm (-0,16%), xuống 3.020,97 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 36,88 điểm (-0,44%), xuống 8.293,33 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, nhờ đà đi lên của nhóm cổ phiếu công nghệ, khi giới đầu tư đặt cược vào tiềm năng phục hồi của ngành này trong năm tới.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,43% lên 21.709,31 điểm. Topix tăng 0,45% lên 1.575,58 điểm.

Giới đầu tư bất ngờ đặt cược vào khả năng phục hồi của nhóm cổ phiếu công nghệ, khi mà các công ty này báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua ảm đạm nhưng lại nhận được lực mua khá.

Điển hình như nhà sản xuất máy sản xuất chip Screen Holdings, đã tăng 3,5% mặc dù đã cắt giảm dự báo lợi nhuận 5,6% trong năm nay, hay như Hitachi tăng 3% mặc dù báo cáo lợi nhuận quý II giảm 16%.

Nhiều công ty bao gồm Sony, Nintendo và Sumitomo Mitsui Financial Group, sẽ công bố kết qảu kinh doanh sau khi thị trường đóng cửa.

Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm, khi các nhà đầu tư chờ đợi một đợt giảm lãi suất của Fed trong tuần này.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,39% lên 2.952,34 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,42% lên 3.870,32 điểm.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ bắt đầu cuộc họp chính sách trong hai ngày tới, tại đó, dự kiến cơ quan này giảm lãi suất 25 điểm cơ bản. Nếu được thực hiện, đây sẽ là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed trong một thập kỷ.

Thị trường STAR vẫn thu hút giới đầu tư, với chỉ 1 trong số 25 công ty niêm yết đóng cửa giảm nhẹ.

Chứng khoán Hồng Kông phục hồi và nguyên nhân chính cũng là tâm lý hứng khởi khi dự báo Fed sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp tới và đàm phán thương mại Trung-Mỹ chuẩn bị được tái khởi động với cuộc gặp giữa 2 bên tại Thượng Hải.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,14% lên 28.146,50 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,35% lên 10.818,35 điểm.

Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 0,45% lên 2.038,68 điểm, nhưng căng thẳng thương mại với Nhật Bản vẫn đang ám ảnh thị trường.

Thông tin được quan tâm là tại Diễn đàn khu vực Asean sắp tới tại Thái Lan, Ngoại trưởng Hàn Quốc, bà Kang Kyung-wha cho biết rất có khả năng gặp gỡ người đồng cấp Nhật Bản cũng như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Kết thúc phiên 30/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 92,51 điểm (+0,43%), lên 21.709,31 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 11,33 điểm (+0,39%), lên 2.952,34 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 40,09 điểm (+0,14%), lên 28.146,50 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC hồi phục mạnh. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.275 đồng/USD

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 70.000 đồng/lượng chiều mua và 50.000 đồng/lượng chiều bán so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 39,53 - 39,75 triệu đồng/lượng, tăng thêm 60.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 23.085 đồng, không đổi so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.155 - 23.275 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Bancassurance đã là “kép chính” của mảng dịch vụ ngân hàng

Nếu như trong các quý trước đóng góp của mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm (bancassurance) còn hạn chế, thì đến quý II/2019, mảng này đã trở thành nguồn thu chính trong hoạt động dịch vụ của nhiều ngân hàng..>> Chi tiết

Cần chặn thao túng và tăng công cụ đầu tư chuyên nghiệp

Để thu hút dòng tiền chuyên nghiệp, TTCK phải sạch, phải khỏe hơn, thao túng phải được đẩy lùi và cổ phiếu "rác" phải rời sàn chứng khoán..>> Chi tiết

Kỳ vọng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn

Dự báo, nếu Fed giảm lãi suất sẽ tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn..>> Chi tiết

Vốn hóa thị trường 100% GDP vào 2020: Cơ hội rõ nét hơn

Tỷ lệ vốn hóa của thị trường chứng khoán/GDP hiện tại là gần 80%, mục tiêu đến năm 2020 là 100% GDP. Quá trình thị trường thực hiện mục tiêu này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư..>> Chi tiết

Nông sản Mỹ giá rẻ đổ vào Việt Nam

Nếu các năm trước, trái cây và hải sản của Mỹ vào Việt Nam với giá đắt đỏ thì 6 tháng đầu năm đồng loạt đi xuống do tác động từ chiến tranh thương mại..>> Chi tiết

Căng thẳng thương mại Nhật – Hàn ngày càng trầm trọng

Từ hạn chế xuất khẩu công nghệ, mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang lan sang cả tiêu dùng và du lịch..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.4 -12.82 -1.09% 174,889 tỷ
HNX 222.63 -2.67 -1.2% 1,395 tỷ
UPCOM 87.51 -0.51 -0.59% 436 tỷ