Thị trường tài chính 24h: Định giá P/E của VN-Index năm 2022 hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực

(ĐTCK) VN-Index thoát hiểm; 16 ngân hàng giảm 21.244 tỷ đồng lãi suất cho khách hàng; CEO Passion Investment: Hướng dòng tiền vào đầu tư dài hạn; SSI Research gợi ý 9 cổ phiếu sáng giá trong tháng 2; Tình trạng thiếu nhiên liệu toàn cầu lan sang dầu diesel…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 10/2 tăng 350.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 550.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm trở lại 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 61,20 – 62,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 7,6 USD lên 1.833,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích nhẹ thêm đôi chút trước khi đảo chiều giảm về quanh 1.830 USD/ounce và giằng co cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 95,63 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 10/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.108 đồng/USD, tăng 4 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.540 – 22.820 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,27 USD (+0,30%), lên 89,93 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,04 USD (+0,04%), lên 91,59 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 44.300 USD, thì sang ngày hôm nay đã rơi về 43.600 USD nhưng đã bật lên về cuối ngày tại trên 44.700 USD/BTC.

Chứng khoán trong nước

VN-Index thoát hiểm

Thị trường bước vào phiên chiều với lực bán gia tăng và VN-Index lùi về 1.500 điểm nhưng cũng nhanh chóng bật lên trên tham chiếu.

Dù vậy, việc anh cả nhà Vin là VIC nới rộng đà giảm, khiến VN-Index quay trở lại sắc đỏ và thêm hai nhịp để thủng mốc 1.500 điểm.

Dù vậy, việc chính VIC hãm bớt đà rơi sau đó, cùng độ rộng thị trường dần cân bằng hơn đã giúp VN-Index trồi nhẹ lên sắc xanh khi đóng cửa.

Cổ phiếu VIC là gánh nặng lớn, có thời điểm giảm 4,6%, nhưng đóng cửa chỉ còn -2% xuống 84.000 đồng.

Ở chiều ngược lại, xuất sắc nhất là POW khi +4,2%, SAB +2,1%, MSN +2% và cặp đôi dầu khí PLX +1,9%, GAS +1,8%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, QBS, DIG, APH, PXI, PTC tiếp tục giữ mức giá trần và trong phiên chiều còn có thêm TGG, TVS, DAG, LCM, cùng NBB tiến sát giá trần +6,7%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 10,25 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 708,42 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 10/2: VN-Index tăng 1,41 điểm (+0,09%), lên 1.506,79 điểm; HNX-Index tăng 4,04 điểm (+0,95%), lên 428,24 điểm; UpCoM-Index tăng 0,64 điểm (+0,57%), lên 112,64 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tăng điểm vào ngày thứ Tư (09/02) khi nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà tăng.

Phiên này nhóm cổ phiếu vượt trội ở Phố Wall trong thời gian phong toả vì Covid-19 hồi năm 2020 với các công ty thương mại điện tử Shopify và Etsy tăng tương ứng hơn 5% và 3,8%.

Hai cổ phiếu hỗ trợ làm việc ở nhà DocuSign và Zoom Video tăng tương ứng 5,2% và 4,8%.Cổ phiếu Meta, vốn đã lao dốc đáng kể sau khi đưa ra triển vọng ảm đạm hồi tuần trước, phục hồi 5.4% vào ngày thứ Tư.

Nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị đón nhận báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI công bố vào ngày 10/02, báo cáo này sẽ đưa ra cập nhật về bức tranh lạm phát. Fed đã phát tín hiệu sẽ thay đổi chính sách tiền tệ để đối phó lạm phát tăng cao.

Kết thúc phiên 9/2, chỉ số Dow Jones tăng 305,28 điểm (+0,86%), lên 35.768,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 64,65 điểm (+1,45%), lên 4.587,18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 295,92 điểm (+2,08%), lên 14.490,37 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, với cổ phiếu công nghệ theo chân các đồng nghiệp cùng ngành qua đêm trên Phố Wall.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,42% lên 27.696,08 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,53% lên 1.962,61 điểm.

Cổ phiếu của các công ty liên quan đến chip dẫn đầu mức tăng trên Nikkei 225, với Tokyo Electron và Advantest tăng lần lượt 1,82% và 2,78%.

Cổ phiếu Honda Motor đã tăng 5,61%, sau khi nhà sản xuất ô tô này nâng dự báo lợi nhuận trong năm, được hỗ trợ bởi các biện pháp cắt giảm chi phí và đồng yên yếu đi, mặc dù tình trạng thiếu chip trên toàn cầu liên tục.

Cổ phiếu SoftBank Group mất 2,3% và là lực cản lớn nhất trên Nikkei 225, tiếp theo là nhà sản xuất thiết bị y tế Terumo, giảm 4,84%.

Chỉ số bluechip của Trung Quốc tiếp tục chịu sức ép, khi nhà sản xuất pin Contemporary Amperex Technology và các công ty tiêu dùng trượt dốc, trong khi các nhà đầu tư vẫn lo lắng về các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,17% lên 3.485,91 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm -0,26% xuống 4.639,86 điểm.

Công ty Contemporary Amperex Technology được niêm yết tại Thâm Quyến là lực cản lớn nhất đối với CSI300, giảm 8,63% xuống mức thấp nhất trong gần 4 tháng.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ dẫn đầu bởi cổ phiếu công nghệ, nhưng mức tăng bị hạn chế trước dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,38% lên 24.924,35, điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,76% lên 8.789,92 điểm.

Cổ phiếu Alibaba đóng góp lớn nhất vào sự gia tăng của Hang Seng-Index, tăng 2,86%.

Cơ quan giám sát không gian mạng của Trung Quốc cho biết một hội nghị chuyên đề mà họ tổ chức với các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả Alibaba vào tháng trước đã giúp ngành công nghiệp "hiểu rõ hơn" về cách theo đuổi sự phát triển trong tương lai.

Chứng khoán Hàn Quốc giằng co và tăng nhẹ, do các nhà đầu tư thận trọng trước việc công bố dữ liệu lạm phát của Mỹ vào cuối ngày.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 3,08 điểm, tương đương 0,11%, lên 2.771,93 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, hai gã khổng lồ chip Samsung Electronics và SK Hynix tăng lần lượt 0,94% và 2,78% và bù lại cho đà giảm 7,14% của nhà sản xuất pin LG Energy Solution.

Kết thúc phiên 10/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 116,21 điểm (+0,42%), lên 27.696,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,96 điểm (+0,17%), lên 3.485,91 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 94,36 điểm (+0,38%), lên 24.924,35 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 3,08 điểm (+0,11%), lên 2.771,93 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- 16 ngân hàng giảm 21.244 tỷ đồng lãi suất cho khách hàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cập nhật thông tin 16 ngân hàng thương mại giảm lãi suất theo định kỳ..>> Chi tiết

- CEO Passion Investment: Hướng dòng tiền vào đầu tư dài hạn

Thị trường chứng khoán bứt phá mạnh mẽ trong năm qua đã mang lại cơ hội sinh lời cho nhiều nhà đầu tư, song đó không hẳn là con đường trải toàn hoa hồng. Nhân dịp Tết Nhâm Dần, ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment chia sẻ trải nghiệm cũng như kinh nghiệm đầu tư của mình..>> Chi tiết

- SSI Research gợi ý 9 cổ phiếu sáng giá trong tháng 2

Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 02/2022 mới phát hành của SSI Research, nhóm nghiên cứu cho biết định giá P/E của VN-Index năm 2022 hiện ở mức 14,2 lần, mức định giá 2022 hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực..>> Chi tiết

- Sau dầu mỏ, khí đốt và than đá, tình trạng thiếu nhiên liệu toàn cầu lan sang dầu diesel

Nguồn cung dầu diesel toàn cầu đang cạn kiệt khi các nhà máy lọc dầu phải vật lộn để bắt kịp với sự phục hồi nhu cầu nhanh chóng sau đại dịch, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt năng lượng trên toàn cầu khiến giá khí đốt, than và dầu thô tăng vọt..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục