Thị trường tài chính 24h: Dè dặt bắt đáy

(ĐTCK) VN-Index đánh rơi hơn 13 điểm; Lợi nhuận ngân hàng sớm bứt phá; Món nợ lô lẻ; Để trái phiếu không thành trái đắng; IEA hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu do nhu cầu sụt giảm từ Trung Quốc…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 15/4 không đổi so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 69,10 – 69,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 4,1 USD/ounce xuống 1.973,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, thị trường vàng nghỉ giao dịch.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 100,46 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.106 đồng/USD, giữ nguyên so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.760 – 23.040 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua để mất mốc 40.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã nhích dần và vượt qua ngưỡng này vào cuối giờ chiều.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 2,70 USD (+2,59%), lên 106,95 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 2,92 USD (+2,68%), lên 111,70 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

Lượng tiền bắt đáy ở mức tương đối tốt, nhưng VN-Index vẫn về dưới 1.460 điểm

Thị trường giằng co quanh tham chiếu với lực bán thường trực trong phiên sáng và đã nhanh chóng đổ đèo trong phiên chiều khi bên bán mạnh lên, cùng nhóm vốn hóa lớn yếu đi đã khiến VN-Index có thời điểm để rơi hơn 16 điểm trước khi thu hẹp đôi chút mức giảm về cuối phiên.

Có một điều tích cực là lượng tiền bắt đáy vẫn ở mức tương đối tốt, mỗi khi thị trường lao dốc thì lực cầu xuất hiện mạnh vừa làm giảm đà rơi, vừa giúp thanh khoản được cải thiện.

Điểm sáng chỉ còn ở nhóm bảo hiểm với BVH và MIG kết phiên trong sắc tím, BIC +6,4%, BMI +5,1%, PVI +6,2%, VNR +5,9%, PRE +4,5%, ABI +5,7%.

Trong khi đó, các cổ phiếu khác như GEX, FLC, TCB, HPG, ROS, MBB, VND, STB đều kết phiên giảm mạnh.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 0,32 triệu đơn vị. Tuy nhiên, tổng giá trị là mua ròng 118,42 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 15/4: VN-Index giảm 13,56 điểm (-0,92%), xuống 1.458,56 điểm; HNX-Index giảm 6,97 điểm (-1,65%), xuống 416,71 điểm; UpCoM-Index giảm 1,06 điểm (-0,93%), xuống 112,36 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall đóng cửa giảm điểm vào thứ Năm (14/4) khi lợi suất trái phiếu leo cao đã gây sức ép đến thị trường và sự thận trọng về lạm phát càng khiến các chỉ số gặp khó.

Thị trường chịu sức ép lớn do lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm leo lên mức đỉnh trong nhiều năm tại 2,8% và 2 báo cáo liên tiếp của Mỹ cho thấy lạm phát tăng mạnh, với chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng nhanh nhất trong 41 năm qua và chỉ số giá sản xuất cũng tăng 11,2%, mức tăng mạnh kỷ lục kể từ năm 2010.

Ngày thứ Sáu (15/4), chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ. Như vậy trong tuần này, S&P 500 giảm 2,13%, Nasdaq giảm 2,63% và Dow Jones mất 0,78%.

Kết thúc phiên 14/4, chỉ số Dow Jones giảm 113,36 điểm (-0,33%), xuống 34.451,23điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 54,00 điểm (-1,21%), xuống 4.392,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 292,51 điểm (-2,14%), xuống 13.351,08 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các cổ phiếu công nghệ lớn kéo lùi, sau khi các cổ phiếu cùng ngành trên phố Wall đêm qua suy yếu, nhưng đà giảm được chặn lại khi lực mua bắt đáy xuất hiện nhiều hơn.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,29% xuống 27.093,19 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,62% xuống 1.896,31 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 mất 0,4% và Topix gần như không đổi.

Cổ phiếu các gã khổng lồ chip như Tokyo Electron và Advantest dẫn đầu giảm điểm trên Nikkei 225, lần lượt giảm 4,11% và 3,92%.

Cổ phiếu lớn SoftBank Group trượt 1,37% và nhà sản xuất trò chơi Sony Group mất 3,13%.

Cổ phiếu Fast Retailing đã tăng 7,27% và là cổ phiếu tăng tốt nhất trên Nikkei 225, ngay cả sau khi nhà bán lẻ này đánh dấu sự sụt giảm lợi nhuận lớn ở Trung Quốc do ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại bởi dịch Covid-19.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, dẫn đầu là cổ phiếu công nghệ và ô tô, sau khi ngân hàng trung ương giữ nguyên chính sách lãi suất, ngay cả khi nền kinh tế đang phải vật lộn với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất trong hai năm.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,45% xuống 3.211,24 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,06% xuống 4.188,75 điểm. Trong tuần, cả hai chỉ số đều giảm 1%.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) giữ nguyên lãi suất cho vay trung hạn trong tháng thứ ba liên tiếp ở mức 2,85%. Ngoài ra, PBOC cũng không bơm thêm thanh khoản vào hệ thống tài chính.

"PBOC đã có cơ hội cắt giảm lãi suất hôm nay song họ đã không làm vậy. Kinh tế Trung Quốc đang chịu những cú giáng mạnh từ đại dịch. Bên cạnh đó, nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc gần đây cũng lên tiếng về việc hỗ trợ chính sách tiền tệ. Do đó, động thái của PBOC gây ra bất ngờ”, Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế học cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch ngày thứ Sáu Tuần Thánh.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm do lo ngại về lạm phát cao và việc Fed quyết tâm thắt chặt tiền tệ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 20,65 điểm, tương đương 0,76% xuống 2.696,06 điểm. Chỉ số này đã giảm 0,16% trong tuần.

Thị trường chịu tác động từ Chủ tịch Fed New York, ông John Williams cho biết rằng Fed nên xem xét một cách hợp lý việc tăng lãi suất thêm 0,5% vào cuộc họp tiếp theo vào tháng Năm.

Tâm lý giới đầu tư suy yếu do lo lắng lạm phát kéo dài với lợi suất kho bạc Mỹ và giá dầu tăng mạnh, nhà phân tích Lee Kyoung-min của Daishin Securities cho biết.

Trong số các cổ phiếu lớn, Samsung Electronics giảm 1,33% và SK Hynix giảm 1,82%, trong khi LG Energy Solution mất 1,36%.

Kết thúc phiên 15/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 78,81 điểm (-0,29%), xuống 27.093,19 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,40 điểm (-0,45%), xuống 3.211,24 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 20,65 điểm (-0,76%), xuống 2.696,06 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lợi nhuận ngân hàng sớm bứt phá

Tín dụng cải thiện tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của ngân hàng. Lợi nhuận dự báo tăng trong quý I cũng như cả năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, nối lại chuỗi cung ứng..>> Chi tiết

- Món nợ lô lẻ

Quy định về lô giao dịch trên sàn HOSE là bội số của 100 cổ phiếu đang khiến nhà đầu tư chịu thiệt không nhỏ..>> Chi tiết

- Để trái phiếu không thành trái đắng

Trái phiếu liệu có nên được khuyến khích như một công cụ tiếp sức nguồn vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp địa ốc hay không trong bối cảnh các hành vi vi phạm đang dần lộ diện là vấn đề nhận được sự quan tâm của đông đảo các thành viên thị trường, các chuyên gia và nhà quản lý..>> Chi tiết

- IEA hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu do nhu cầu sụt giảm từ Trung Quốc

Theo Báo cáo Thị trường Dầu mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), số ca nhiễm Covid-19 tăng cao và các đợt phong toả nghiêm trọng ở Trung Quốc đã dẫn đến việc điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu toàn cầu cho quý II và cả năm nay..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục