Thị trường tài chính 24h: Đã đến lúc tiền nhàn rỗi tìm hướng ra phù hợp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm hơn 7 điểm; Lãi suất huy động khó giảm thêm; VN-Index tiệm cận vùng P/E bình quân 10 năm; Nhà đầu tư ngoại sẽ tự tin giải ngân; Tiền nhàn rỗi như "đập nước" đang chờ chảy vào các kênh đầu tư phù hợp; Ngành sản xuất châu Á không ổn định…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Đã đến lúc tiền nhàn rỗi tìm hướng ra phù hợp

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 6/3 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 79,00 – 81,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 13,7 USD lên 2.128 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,61 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 6/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.017 đồng/USD, tăng 5 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.520 – 24.860 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua có lúc đạt kỷ lục mới tại hơn 69.000 USD thì sang phiên hôm nay đã có nhịp rơi nhanh về gần 61.000 USD, trước khi hồi phục và lên trên 66.600 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,84 USD (+1,07%), lên 78,99 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,67 USD (+0,82%), lên 82,71 USD/thùng.

VN-Index điều chỉnh nhẹ trong phiên thị trường nghẽn lệnh

Sau khi được kéo lên sát ngưỡng 1.280 điểm, lực bán chốt lời đã dồn dập được tung vào khiến VN-Index quay đầu giảm điểm.

Sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán có phần mạnh lên và khiến VN-Index gần như lao dốc, xuống ngưỡng 1.255 điểm.

Tưởng chừng thị trường sẽ chứng kiến phiên phân phối thì không biết vô tình hay hữu ý, “vị cứu tinh” mang tên… nghẽn lệnh bỗng nhiên xuất hiện, khiến lệnh mua, bán vào thị trường bị chậm lại, theo đó cũng chặn được đà rơi của VN-Index và đóng cửa giữ được ngưỡng 1.260 điểm.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 7,7 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng tương ứng 238,76 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 6/3: VN-Index giảm 7,25 điểm (-0,57%), xuống 1.262,73 điểm; HNX-Index giảm 1,9 điểm (-0,80%), xuống 235,45 điểm; UpCoM-Index giảm 0,54 điểm (-0,59%), xuống 91,24 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Ba (5/3), khi giới đầu tư tiếp tục gia tăng áp lực chốt lời.

Cổ phiếu Apple giảm gần 3% sau một báo cáo từ Counterpoint Research cho thấy doanh số bán iPhone sụt giảm ở Trung Quốc trong 6 tuần đầu năm 2024.

Một số cổ phiếu công nghệ khác bao gồm Netflix và Microsoft mất gần 3%, còn cổ phiếu Tesla sụt gần 4%.

Kết thúc phiên 5/3: Chỉ số Dow Jones giảm 404,64 điểm (-1,04%), xuống 38.585,19 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 52,30 điểm (-1,02%), xuống 5.078,65 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 267,92 điểm (-1,65%), xuống 15.939,59 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm từ sớm và đảo chiều thu hẹp đà đi xuống, khi chịu sức ép từ nhóm cổ phiếu công nghệ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,02% xuống 40.090,78 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,39% lên 2.730,67 điểm.

Dù suy yếu, nhưng chỉ số Nikkei 225 vẫn tăng gần 20% vào năm 2024, chủ yếu nhờ cổ phiếu công nghệ, trong bối cảnh các thị trường toàn cầu hưng phấn về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Đồng yen suy yếu, giảm khoảng 6% trong năm nay, cũng khiến chứng khoán Nhật Bản trở nên hấp dẫn hơn đối với các quỹ nước ngoài.

"Sau đợt tăng mạnh mẽ kể từ đầu năm, có vẻ như chúng ta đã bước vào giai đoạn điều chỉnh và có khả năng kéo dài cho đến cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Fed”, Kazuo Kamitani, chiến lược gia cổ phiếu tại Nomura Securities cho biết.

Phiên này, cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Lasertec giảm 3,74%, trở thành cổ phiếu giảm lớn nhất trên Nikkei 225. Theo sau là nhà sản xuất chip Renesas mất 3,09%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, một ngày sau khi Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2024, nhưng thiếu đi các thông báo về các biện pháp kích thích lớn.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,26% xuống 3.039,93 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,41% xuống 3.551,05 điểm.

"Các mục tiêu kinh tế năm 2024 của Trung Quốc vẫn cho thấy các quan chức không sẵn sàng nhanh chóng đưa ra các biện pháp mạnh để phục hồi nền kinh tế, do lo ngại về nợ quá mức và sự suy yếu của đồng nhân dân tệ", Mansoor Mohi-uddin, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Trung ương Singapore, cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, dẫn đầu bởi lĩnh vực công nghệ nhờ đà khởi sắc của gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com trước khi công bố kết quả kinh doanh.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,7% lên 16.438,09 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,98% lên 5.672,97 điểm.

Phiên này, cổ phiếu lớn cổ phiếu JD.com tăng gần 8%, một ngày trước khi báo cáo kết quả kinh doanh.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ hai liên tiếp, bị kéo xuống bởi các nhà sản xuất chip lớn.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 7,91 điểm, tương đương 0,30% xuống 2.641,49 điểm.

Các cổ phiếu chip lớn như Samsung Electronics giảm 1,09% và SK Hynix mất 1,75%.

Dữ liệu đáng chú ý khác là chỉ số giá tiêu dùng của Hàn Quốc tăng tốc trong tháng 2 với mức tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước và vượt dự báo do áp lực từ phía cung sau nhiều tháng nới lỏng.

Kết thúc phiên 6/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 6,85 điểm (-0,02%), xuống 40.090,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 7,86 điểm (-0,26%), xuống 3.039,93 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 275,45 điểm (+1,70%), lên 16.438,09 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 7,91 điểm (-0,30%), xuống 2.641,49 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- TS. Lê Xuân Nghĩa: Lãi suất huy động khó giảm thêm

Lãi suất huy động phụ thuộc vào ba biến số: lạm phát cao hay thấp, rủi ro cao hay thấp, kỳ hạn dài hay ngắn. Lãi suất phải tính trung hạn, chứ không thể ngắn hạn..>> Chi tiết

- Mirae Asset: VN-Index tiệm cận vùng P/E bình quân 10 năm, đánh giá lại những rủi ro đối với thị trường

Mirae Asset duy trì quan điểm tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024, nhưng dư địa dành cho xu hướng tăng hiện tại của VN-Index hiện đã bị thu hẹp khi dần tiệm cận vùng P/E bình quân 10 năm (tương ứng 1.309 điểm)..>> Chi tiết

- Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam: Nhà đầu tư ngoại sẽ tự tin giải ngân

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tác động rất lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư, giúp thị trường vốn thể hiện rõ nét hơn vai trò của kênh dẫn vốn hữu hiệu cho nền kinh tế..>> Chi tiết

- TS. Nguyễn Anh Vũ: Tiền nhàn rỗi như "đập nước" đang chờ chảy vào các kênh đầu tư phù hợp

Mặc dù còn thách thức nhất định, song việc lãi suất tiết kiệm giảm sâu, đã đến lúc tiền nhàn rỗi tìm hướng ra phù hợp..>> Chi tiết

- Ngành sản xuất châu Á không ổn định

Nhiều nền kinh tế sản xuất lớn của châu Á rơi vào tình trạng suy giảm trong tháng 2/2024, đặc biệt là Nhật Bản..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ