Thị trường vàng, ngoại tệ, dầu thô
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 24/3 tăng mạnh 700.000 đồng/lượng chiều mua vào và 800.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội không đổi chiều mua vào nhưng giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại mức 46,50 – 47,22 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ, giá vàng giao ngay tăng 52,4 USD lên 1.551,2 USD/ounce, sang phiên châu Á sáng nay đã tiếp tục tăng mạnh và leo lên trên 1.629 USD/ounce vào cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 1,25% xuống 101,21 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 24/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.260 đồng, tăng 1 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.490 - 23.650 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,73 USD (+7,41%), lên 25,09 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,63 USD (+5,57%), lên 30,92 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index chưa thể hồi phục
Phiên hôm nay, diễn biến chủ đạo là dòng tiền bắt đáy bị kích thích mạnh mẽ, chảy mạnh vào các bluechips, nhưng áp lực bán vẫn rất còn lớn, VN-Index chủ yếu giằng co dưới vùng giá thấp và đóng cửa vẫn mất hơn 7 điểm.
Các mã tích cực nhất ảnh hưởng có BVH khi tăng kịch trần +6,9%; VNM +2,9%, VCB +1,4%, BID +2,6%, GAS +4,3%.
Ở chiều ngược lại, nhóm Vingroup là VIC, VHM, VRE đồng loạt giảm kịch biên độ -6,9%, tạo sức ép lớn lên chỉ số.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, không nhiều mã có giao dịch đáng chú ý, nổi bật có HQC, FLC, DLG với mức thanh khoản cao.
AMD có phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp về 3.910 đồng, khớp lệnh chỉ 0,14 triệu đơn vị, trong khi dư bán sàn hơn 14 triệu đơn vị.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 37,22 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 707,74 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 24/3: VN-Index giảm 7,38 điểm (-1,11%), xuống 659,21 điểm; HNX-Index tăng 0,49 điểm (+0,5%), lên 96,95 điểm; UPCoM-Index tăng 0,95 điểm (+1,99%), lên 47,95 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Sau khi tung ra gói kích thích kinh tế 700 tỷ USD (mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu thế chấp), vừa đưa lãi suất về 0%, Fed hôm thứ Hai cho biết, tùy thuộc vào nhu cầu nền kinh tế, cơ quan hoạch định chính sách sẽ mua trái phiếu không giới hạn.
Những hành động để đối phó với đại dịch Covid-19 trên có thể khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, do đó hành động của Fed không giúp ích nhiều cho nhà đầu tư trong lúc này, nhất là gói kích thích kinh tế 2.000 tỷ USD đã không qua được cửa Quốc hội Mỹ do 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa chưa tìm được tiếng nói chung.
Tuy nhiên, dù sao thì đà giảm của phố Wall cũng được hãm bớt trong phiên đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 23/3, chỉ số Dow Jones giảm 582,05 điểm (-3,04%), xuống 18.591,93 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 67,52 điểm (-2,93%), xuống 2.237,40 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 18,84 điểm (-0,27%), xuống 6.860,67 điểm.
Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng mạnh
Chứng khoán Nhật Bản bùng nổ, tăng hơn 7%, ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong một phiên trong hơn 4 năm qua, được thúc đẩy bởi hy vọng được Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) tăng lượng mua vào chứng khoán của các quỹ đầu tư tín thác (ETF).
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 7,13% lên 18.092,35 điểm, mức tăng một phiên lớn nhất kể từ tháng 2/2016.
Chỉ số Topix tăng 3,18% lên 1.333.10 điểm với 29 trên 33 chỉ số phụ đóng cửa tăng điểm.
Thị trường được nâng đỡ bởi việc Fed tuyên bố không giới hạn trương chình QE, và hy vọng lượng cổ phiếu lớn của các quỹ ETF sẽ được mua vào từ BOJ, cùng các quỹ hưu trí mua lại cổ phiếu của các công ty niêm yết, các nhà phân tích cho biết.
Ông lớn Softbank Group đã tăng mạnh phiên thứ 2 liên tiếp +19%, sau khi tuyên bố sẽ mua số lượng cổ phiếu quỹ ở mức kỷ mục 41 tỷ USD.
Chứng khoán Trung Quốc theo chân các thị trường châu Á lớn khác tăng điểm, sau động thái từ Fed tuyên bố sẽ mua trái phiếu không giới hạn theo chương trình nới lỏng định lượng.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 2,34% lên 2.722,44 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 2,69% lên 3.625,11 điểm.
Chỉ số phụ theo dõi ngành tài chính tăng 2,7%, ngành tiêu dùng tăng 3,5%, bất động sản tăng 2,7% và y tế tăng 3,3%.
Mặc dù vậy, đà tăng của thị trường bị chặn lại, sau khi Đại lục báo cáo sự gia tăng trong các trường hợp nhiễm Covid-19 mới, do sự tăng vọt của những người bị nhiễm bệnh trở về từ nước ngoài, làm tăng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.
Cứng khoán Hồng Kông tăng mạnh, cũng nhờ động thái tuyên bố không giới hạn chương trình mua trái phiếu và hàng loạt biện pháp cần thiết nếu cần khác của Fed để giảm bớt khủng hoảng thanh khoản toàn cầu.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 4,46% lên 22.663,49 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 4,94% lên 9.184,44 điểm.
Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng tăng 3,3%, ngành CNTT tăng 4,49%, tài chính tăng 3,92% và bất động sản tăng 3,98%.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng 8,6%, phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2018, nhờ Fed lên kế hoạch tài trợ bằng đồng USD không giới hạn và gói cứu trợ của chính phủ Hàn Quốc.
Đóng cửa, Chỉ số KOSPI tăng 127,51 điểm, tương đương 8,6% lên 1.609,97 điểm.
Phiên hôm nay tại Hàn Quốc ghi nhận hiện tượng “ngắt giao dịch bắt buộc” trong 5 phút, nhưng khá “ngược đời” là bởi đồng loạt quá nhiều cổ phiếu tăng hơn 5% chỉ trong hơn 1 phút, trái với việc giảm không phanh, mất kiểm soát như một vài lần phải tạm ngừng giao dịch gần đây.
Thị trường không những được nâng đở bởi kế hoạch của Fed mà còn nhận tin tốt đến từ Chính phủ Hàn Quốc, khi tuyên bố tăng gấp đôi gói giải cứu kinh tế lên 100 nghìn tỷ won (80 tỷ USD) để trợ giúp các công ty bị tấn công bởi sự bùng phát của dịch Covid-19.
Kết thúc phiên 24/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 1.204,57 điểm (+7,13%), lên 18.092,35 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 62,27 điểm (+2,34%), lên 2.722,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 967,36 điểm (+4,46%), lên 22.663,49 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 127,51 điểm (+8,60%), lên 1.609,97 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng tìm hướng tránh điều chỉnh kế hoạch kinh doanh
Kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng trong mùa dịch Covid-19, câu chuyện bây giờ là nhanh chóng triển khai mạnh hơn các giải pháp để cải thiện doanh thu…>> Chi tiết
- Tiêu dùng thay đổi, cơ hội sẽ đến với doanh nghiệp nào?
Tại Việt Nam, xu hướng mua hàng online và tập trung vào hàng thiết yếu cũng đang tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp niêm yết đẩy mạnh doanh thu..>> Chi tiết
- Cổ phiếu khu công nghiệp về vùng hấp dẫn đầu tư
Sau khi giảm đáng kể do ảnh hưởng của thị trường chung, thị giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp kinh doanh khu công nghiệp được đánh giá đã về vùng hấp dẫn..>> Chi tiết
- Vốn hóa sàn HoSE mất hơn 1 triệu tỷ đồng kể từ sau Tết âm lịch
VN-Index từ sau Tết âm lịch đã có đến 3 phiên giảm trên 5%. Tình trạng bán tháo liên tục xảy ra đã khiến vốn hóa thị trường của riêng sàn chứng khoán TP HCM “bốc hơi” 1/3 giá trị sau hai tháng..>> Chi tiết
- Fed xóa bỏ giới hạn đối với chương trình mua trái phiếu
Tùy thuộc vào nhu cầu của nền kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mua trái phiếu không giới hạn theo chương trình nới lỏng định lượng..>> Chi tiết