Giữa đại dịch, SoftBank tính huy động vốn để mua cổ phiếu quỹ

Gã “khổng lồ” công nghệ Nhật Bản SoftBank vừa công bố kế hoạch bán hoặc huy động tài sản lên tới 41 tỷ USD để mua cổ phiếu quỹ và trả bớt nợ.
Các phương án tài chính của SoftBank bị thu hẹp đáng kể khi các ngân hàng tại Nhật Bản áp dụng hạn mức cho vay nội bộ đối với tập đoàn này. Ảnh: AFP Các phương án tài chính của SoftBank bị thu hẹp đáng kể khi các ngân hàng tại Nhật Bản áp dụng hạn mức cho vay nội bộ đối với tập đoàn này. Ảnh: AFP

Hãng tin Reuters dẫn thông cáo hôm 23/3 của tập đoàn SoftBank cho rằng, đây là động thái chưa từng có của tập đoàn công nghệ Nhật Bản nhằm khôi phục niềm tin của nhà đầu tư vào thời điểm thị trường chứng khoán lao đao và còn các quỹ đầu tư không mấy mặn mà do đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu.

Kế hoạch của SoftBank được đưa ra trong bối cảnh tập đoàn này đang “thắt lưng buộc bụng” khi quỹ đầu tư Vision Fund 100 tỷ USD ghi nhận hai quý liên tiếp thua lỗ sau những khoản đầu tư thất bại vào lĩnh vực công nghệ, cộng với việc nền kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Cổ phiếu SoftBank đã tăng 19% - mức tăng mạnh nhất trong ngày gần 12 năm qua sau khi tập đoàn cam kết bán hoặc huy động tài sản lên tới 4.500 tỷ yên (tương đương 41 tỷ USD), trong đó sẽ chi 2.000 tỷ yên mua cổ phiếu quỹ, cùng với khoản chi 500 tỷ yên mua cổ phiếu quỹ được công bố hồi đầu tháng.

SoftBank tính chuyện đẩy giá trị mua cổ phiếu quỹ lên tới 20 tỷ USD sau khi quỹ quản lý đầu tư Elliott Management (Mỹ) gây sức ép SoftBank buộc tập đoàn này tăng cổ tức. Elliott Management cũng cho biết sẽ bán 45% cổ phần tại SoftBank.

Ban đầu, SoftBank dự tính chi 500 tỷ yên mua lại cổ phiếu quỹ bởi nhà đầu tư hoài nghi nỗ lực CEO Son trong việc thúc đẩy tập đoàn phát triển.

Ngoài việc mua lại cổ phần, số tiền SoftBank dự kiến dùng số tiền huy động được để trả nợ, mua lại trái phiếu và tăng dự trữ tiền mặt. Những toan tính này cho thấy Son có niềm tin kiên định vào tập đoàn, thông cáo của SoftBank nêu.

SoftBank dự kiến tiến hành bán bớt tài sản trong 4 quý tới. “Điều này sẽ cho phép chúng tôi củng cố bảng cân đối kế toán và giảm nợ đáng kể”, CEO Masayoshi Son nói trong thông cáo hôm 23/3 của SoftBank, nhưng CEO này không đề cập nội dung bán tài sản cụ thể.

Dù thị trường tài chính toàn cầu “ngập” dịch như hiện nay, SoftBank vẫn có thể bán cổ phần tại hai nhà mạng lớn của Mỹ gồm Sprint và T-Mobile US hoặc gã “khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, theo nhận định của Kirk Boodry, chuyên gia phân tích của công ty tư vấn tài chính và môi giới Redex Holdings.

Trước đây, CEO tập đoàn SoftBank từng giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Alibaba còn 25% trong một giao dịch phức tạp trước khi SoftBank thâu tóm hãng thiết kế chip di động Arm vào năm 2016.

Thông cáo hôm 23/3 của SoftBank cũng chỉ rõ khoản chênh lệch giữa vốn hóa thị trường và giá trị tài sản của tập đoàn này đã tăng kỷ lục 73% trong tuần trước.

Đây là lời cảnh báo và các nhà đầu tư chắc chắn rất lo ngại, dù biết CEO tập đoàn SoftBank đã nỗ lực tinh gọn danh mục đầu tư, chuyên gia Boodry nhấn mạnh.

Trong đó, khoản đầu tư “có vấn đề” vào WeWork đang được cân nhắc bởi SoftBank có ý định không chi 3 tỷ USD để sở hữu 80% cổ phần tại WeWork như cam kết trước đó.

Các phương án tài chính của SoftBank bị thu hẹp đáng kể do các ngân hàng tại Nhật Bản áp dụng hạn mức cho vay nội bộ đối với tập đoàn này. Tháng trước, SoftBank đã thế chấp gần 1/3 cổ phần của công ty con - công ty viễn thông SoftBank Corp để huy động 4,5 tỷ USD từ 16 tổ chức tài chính.

Giới phân tích cho rằng SoftBank Corp có thể giúp tập đoàn mẹ có thêm lựa chọn khi xem xét bán tài sản.

Cổ phiếu của SoftBank thời gian qua “bốc hơi” mạnh do nhà đầu tư nghi ngại triển vọng đầu tư vào công nghệ của SoftBank sau khi tập đoàn này có những cú rót vốn “sẩy chân” vào các startup công nghệ như WeWork và Uber. Cổ phiếu SoftBank hôm 23/3 đóng cửa tăng gần 19%, nhưng vẫn giảm 33% kể từ đầu năm đến nay.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục