Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán tiếp tục mang lại niềm vui cho nhà đầu tư

(ĐTCK) VN-Index tăng thêm hơn 10 điểm; Cổ phiếu thủy sản: Tin ra là bán; Cổ phiếu bất động sản công nghiệp còn sáng; Chứng khoán Việt Nam “miễn nhiễm” với tin tăng lãi suất của Fed; Cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên chưa từng có ở châu Âu… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 2/8 tăng 600.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày đứng tại đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 67,40 – 68,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 6 USD lên mức 1.772,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và chạm 1.780 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,60 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 2/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.154 đồng/USD, giảm 7 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.210 – 23.490 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng tại 23.300 USD, thì sang phiên hôm nay giảm nhẹ và gần như chỉ xoay nhẹ quanh 22.800 USD/BTC cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,45 USD (+0,45%), lên 94,31 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,31 USD (+0,31%), lên 100,34 USD/thùng.

VN-Index tăng thêm hơn 10 điểm

Thị trường sau phiên sáng khá nhàm chán đã chớm đỏ khi bước vào phiên chiều, nhưng VHM và VCB nới đà tăng đã giúp VN-Index lên trên 1.240 điểm.

Dù vậy, thị trường không trụ được trên ngưỡng điểm này lâu, khi điều chỉnh nhẹ sau đó. Tuy nhiên, việc VHM và VCB nới rộng đà đi lên và VIC góp sức, cũng đã thúc đẩy VN-Index quay trở lại đà đi lên và đóng cửa ở trên 1.240 điểm.

Các cổ phiếu lớn VHM +4,2%, VIC +2,9%, VCB +2,5%. Ba cổ phiếu này đóng góp tới gần 7 điểm tích cực cho VN-Index.

Nhóm cổ phiếu nhỏ với DRH, HAR, QCG, VNL, ITA, SJF, TDC TGG, TSC, TTB, JVC, LDG, ORS, ITC, HAG, SAM và FLC, ROS, AMD, HAI, khi tất cả đều kết phiên trong sắc tím.

Đáng chú ý là kể trên là HAG, khi phiên này thanh khoản cao nhất sàn với hơn 43,3 triệu đơn vị, cổ phiếu liên quan HNG +6,7%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 13,6 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng 374,04 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 2/8: VN-Index tăng 10,27 điểm (+0,83%), lên 1.241,62 điểm; HNX-Index tăng 1,23 điểm (+0,43%), lên 295,84 điểm.; UpCoM-Index tăng 0,22 điểm (+0,24%), lên 90,13 điểm

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm nhẹ trong phiên ngày thứ Hai (1/8), khi sự sụt giảm của Exxon Mobil và nhiều công ty năng lượng khác đã lấn án sự khởi sắc của Boeing.

Hoạt động sản xuất của Mỹ đã chậm hơn dự đoán trong tháng Bảy, dù tình hình căng thẳng nguồn cung đã có dấu hiệu dịu xuống. Diễn biến tương tự cũng được ghi nhận tại châu Á và châu Âu theo các số liệu được công bố trước đó.

Lĩnh vực năng lượng là rào cản lớn trên thị trường khi giá dầu giảm. Cổ phiếu Diamondback Energy, ExxonMobil, Chevron và Devon Energy đều chìm trong sắc đỏ.

Sự sụt giảm này đã lấn át mức tăng 6,1% trong cổ phiếu của Boeing, sau khi Reuters đưa tin cơ quan quản lý hàng không Mỹ đã chấp thuận kế hoạch kiểm tra và sửa đổi của hãng này để nối lại hoạt động giao hàng đối với máy bay 787 Dreamliner.

Kết thúc phiên 1/8, chỉ số Dow Jones giảm 46,73 điểm (-0,14%), xuống 32.798,40 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,66 điểm (-0,28%), xuống 4.118,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 21,71 điểm (-0,18%), xuống 12.368,98 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington trước chuyến thăm tiềm năng của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan trong ngày.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,42% xuống 27.594,73 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,77% xuống 1.925,49 điểm.

“Có một số lý do để bán cổ phiếu trong ngày hôm nay. Đầu tiên, Phố Wall suy yếu qua đêm. Ngoài ra, các nhà đầu tư lo ngại về rủi ro mối quan hệ xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc và Một điều là đồng yên tăng giá so với đồng USD”, Ikuo Mitsui, một nhà quản lý quỹ tại Aizawa Securities cho biết.

Đáng chú ý phiên này là cổ phiếu JSR giảm 18,57%, sau khi nhà sản xuất vật liệu bán dẫn cắt giảm dự báo lợi nhuận năm nay.

Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh, khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang khi có tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ đến thăm Đài Loan trong ngày.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 2,26% xuống 3.186,27 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,95% xuống 4.107,02 điểm.

Tin tức bà Nancy Pelosi sẽ đến thăm Đài Loan đủ để làm chao đảo các thị trường tài chính vốn đang bị rung chuyển bởi xung đột Nga-Ukraine, lạm phát tăng cao. Các nhà đầu tư rất nhạy cảm với bất kỳ căng thẳng Trung-Mỹ mới nào khi cả hai nước vẫn còn lúng túng trong các vấn đề từ thương mại đến công nghệ và nhân quyền.

Chứng khoán Hồng Kông cũng lao dốc do lo ngại về căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, cũng như nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán tháo.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,36% xuống 19.689,21 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 2,54% xuống 6.702,07 điểm.

Các gã khổng lồ công nghệ niêm yết tại Hồng Kông đã giảm 3%, chịu tác động kép của sự lo lắng về địa chính trị gia tăng và những lo ngại về quy định siết chặt kéo dài từ chính phủ Trung QUốc.

Đáng chú ý khác là cơ quan quản lý kế toán công ty đại chúng Mỹ cho biết, họ sẽ không chấp nhận bất kỳ hạn chế nào đối với quyền tiếp cận kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại New York.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi tâm lý giới đầu tư bị mây đen bao phủ trước căng thẳng Trung-Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 12,63 điểm, tương đương 0,52% xuống 2.439,62 điểm.

Nhà phân tích Lee Kyoung-min của Daishin Securities cho biết, lo ngại về căng thẳng Trung-Mỹ trở nên tồi tệ hơn, tạo cơ sở cho sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán sau khi phục hồi mạnh mẽ, nhà phân tích Lee Kyoung-min của Daishin Securities cho biết.

Một dữ liệu mới cho thấy, chỉ số lạm phát tiêu dùng của Hàn Quốc đã tăng lên mức cao nhất gần 24 năm vào tháng 7, nhưng các số liệu khác cho thấy tốc độ tăng giá có thể gần đạt đỉnh.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết họ đang đi đúng với lộ trình dự kiến ​​của mình và dự kiến ​​lạm phát sẽ duy trì trên 6% trong thời điểm hiện tại.

Kết thúc phiên 2/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 396,62 điểm (-1,42%), xuống 27.594,73 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 73,69 điểm (-2,26%), xuống 3.186,27 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 476,63 điểm (-2,36%), xuống 19.689,21 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 12,63 điểm (-0,52%), xuống 2.439,62 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Cổ phiếu thủy sản: Tin ra là bán

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra công bố lãi kỷ lục trong 6 tháng đầu năm 2022 nhờ giá và sản lượng tăng cao, nhưng giá cổ phiếu lại có diễn biến giảm..>> Chi tiết

- Cổ phiếu bất động sản công nghiệp còn sáng

Bất động sản khu công nghiệp được nhìn nhận là một trong các nhóm ngành có triển vọng sáng nửa cuối năm 2022, hội tụ nhiều yếu tố để mang lại kết quả kinh doanh khả quan..>> Chi tiết

- Chứng khoán Việt Nam “miễn nhiễm” với tin tăng lãi suất của Fed

Nhiều ý kiến đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam bình tĩnh với thông tin tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 27/7/2022 và sẵn sàng tâm lý cho những đợt tăng lãi suất tiếp theo..>> Chi tiết

- Cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên chưa từng có ở châu Âu

Châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có và có nguy cơ đẩy nền kinh tế đến gần hơn với suy thoái, đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về tham vọng biến đổi khí hậu của khu vực..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục