Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán thủng ngưỡng hỗ trợ quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index mất thêm gần 20 điểm; Tỷ giá tăng 4,9%, Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ can thiệp; Margin "phình to" quý I và câu trả lời cho đà giảm của VN-Index; Mùa đại hội cổ đông, mùa tái cấu trúc doanh nghiệp!; Châu Á ra sức hỗ trợ tiền tệ khi đồng đô la tăng mạnh…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán thủng ngưỡng hỗ trợ quan trọng

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 19/4 giảm 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 81,80 – 83,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 18 USD lên 2.379 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng trở lại 2.390 USD trước khi lùi về gần 2.380 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,02 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 19/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.231 đồng/USD, tăng 29 đồng so với phiên trước đó (ngày 17/4). Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.163 – 25.473 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua hồi phục lên 63.600 USD thì sang phiên hôm nay đã có nhịp rơi về dưới mốc 60.000 USD, trước khi trở lại gần 65.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,66 USD (+0,80%), lên 83,39 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,39 USD (+0,45%), lên 87,50 USD/thùng.

VN-Index thêm một phiên giảm sâu

Trong phiên hôm nay, thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Dù VN-Index khá nỗ lực để bật hồi trong phiên chiều nhưng đã không thể thành công trước áp lực bán thường trực trên diện rộng, chỉ số chung chính thức thủng đường MA200, tương đương mốc 1.175 điểm.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 18,17 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 651,68 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 19/4: VN-Index giảm 18,16 điểm (-1,52%), xuống 1.174,85 điểm; HNX-Index giảm 5,4 điểm (-2,39%), xuống 220,8 điểm; UPCoM-Index giảm 0,99 điểm (-1,13%), xuống 87,16 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ biến động nhẹ trong phiên thứ Năm (18/4), khi các nhà đầu tư thận trọng trước bình luận từ các quan chức Fed cho thấy ngân hàng trung ương khó có thể cắt giảm lãi suất trong tương lai gần.

Bình luận hôm thứ Năm từ các quan chức Fed nhắc lại sự thiếu cấp bách trong việc hạ lãi suất, khi Chủ tịch Fed New York John Williams cho biết nền kinh tế vẫn mạnh mẽ trong khi Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic cho biết ông "thoải mái kiên nhẫn" khi lạm phát quay trở lại mục tiêu 2% của Fed chậm hơn dự kiến.

Kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25% vào tháng 6 đã giảm xuống còn 15,2%, cùng với tháng 7 đứng ở mức 41,5%, giảm so với mức 48,4% của một tuần trước.

Kết thúc phiên 18/4: Chỉ số Dow Jones tăng 22,07 điểm (+0,06%), lên 37.775,38 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,09 điểm (-0,22%), xuống 5.011,12 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 81,87 điểm (-0,52%), xuống 15.601,50 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm mạnh nhất trong hơn hai năm rưỡi, khi các cổ phiếu liên quan đến chip bị bán tháo, ngay cả khi công ty cùng ngành là TSMC công bố kết quả kinh doanh tích cực, trong khi sự leo thang căng thẳng ở Trung Đông cũng khiến áp lực bán gia tăng.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,66% xuống 37.068,35 điểm, phiên giảm hàng ngày mạnh nhất kể từ tháng 9/2022. tuần, chỉ số này mất 6,2% đợt giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2022.

Cổ phiếu TSMC đã giảm gần 7% sau báo cáo lợi nhuận quý đầu tiên đạt khoảng 6,98 tỷ USD, doanh thu tăng 13% so với cùng năm ngoái lên 18,87 tỷ USD và dự báo doanh số quý II có thể tăng tới 30%.

Tuy nhiên, TSMC cũng thông báo giữ nguyên kế hoạch chi tiêu vốn cho năm nay ở mức từ 28-32 tỷ USD và nhắc lại rằng họ dự kiến doanh thu năm 2024 sẽ tăng trong phạm vi từ thấp đến trung bình 20% tính theo đồng USD.

Cổ phiếu chip Nhật Bản bị bán mạnh với Tokyo Electron giảm 8,74% và là lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225. Theo sau là nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest mất 4,38%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, ảnh hưởng bởi báo cáo cho thấy một cuộc tấn công trả đũa của Israel vào lãnh thổ Iran.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,29% xuống 3.065,26 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,79% xuống 3.541,66 điểm.

Những diễn biến mới nhất tại Trung Đông đã làm dấy lên lo ngại về việc cuộc chiến Israel-Hamas ở Gaza sẽ leo thang, khiến các nhà đầu tư phải tìm đến nơi an toàn.

Các bản tin ban đầu của Mỹ vào cuối ngày thứ Năm cho biết Israel đã phóng tên lửa vào Iran để trả đũa cuộc tấn công ngày 13/4. Các quan chức Iran hôm thứ Sáu nói với Reuters rằng không có cuộc tấn công tên lửa nào.

Thông tin đáng chú ý khác là Trung Quốc dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn vào thứ Hai tuần tới, kết quả một cuộc khảo sát của Reuters, khi dữ liệu kinh tế quý đầu tiên đáng khích lệ làm giảm tính cấp thiết của việc kích thích tiền tệ.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi các nhà đầu tư đã ngay lập tức trú ẩn sau khi có báo cáo về các vụ nổ đã được nghe thấy ở Iran và Syria, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột toàn khu vực ở Trung Đông.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,99% xuống 16.224,14 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,99% xuống 5.746,61 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm mạnh, sau khi Israel phát động các cuộc tấn công trả đũa Iran.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 42,84 điểm, tương đương 1,63% xuống 2.591,86 điểm.

Thông điệp đáng chú ý khác là Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết hôm thứ Sáu rằng các nhà chức trách sẽ có hành động ngay lập tức và quyết đoán nếu cần thiết để đối phó với sự biến động quá mức trên thị trường ngoại hối.

Các nhà chức trách sẵn sàng sử dụng chương trình ổn định thị trường trị giá 94 nghìn tỷ won (68 tỷ USD) nếu cần thiết để ổn định thị trường tài chính, một tuyên bố dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok cho biết.

Các bình luận được đưa ra sau khi các nguồn tin cho biết Israel đã tấn công Iran, làm chao đảo thị trường tài chính. Đồng won Hàn Quốc suy yếu tới 1,4% so với đồng USD và chỉ số chứng khoán KOSPI có thời điểm giảm tới 3,1% trong phiên

Kết thúc phiên 19/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 509,40 điểm (-1,32%), xuống 37.961,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 64,31 điểm (+2,14%), lên 3.071,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 2,67 điểm (+0,01%), lên 16.251,84 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 25,45 điểm (-0,98%), xuống 2.584,18 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tỷ giá tăng 4,9%, Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ can thiệp cho các tổ chức tín dụng âm trạng thái

Từ hôm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán can thiệp ngoại tệ cho các TCTD có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0. Đây là biện pháp rất mạnh mẽ của NHNN để giải tỏa tâm lý thị trường..>> Chi tiết

- Margin "phình to" quý I và câu trả lời cho đà giảm của VN-Index

Dư nợ margin của nhiều công ty chứng khoán đã đạt mức cao nhất trong nhiều quý khi định giá thị trường không còn rẻ, điều này kích hoạt động thái bán ra và áp lực giảm dư nợ khi thị trường tiếp tục giảm điểm..>> Chi tiết

- Mùa đại hội cổ đông, mùa tái cấu trúc doanh nghiệp!

Các doanh nghiệp đang bước vào cao điểm mùa đại hội cổ đông, đây cũng là dịp nhiều doanh nghiệp trình kế hoạch tái cấu trúc hoạt động, đặc biệt là những đơn vị thua lỗ kéo dài..>> Chi tiết

- Châu Á ra sức hỗ trợ tiền tệ khi đồng đô la tăng mạnh

Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở châu Á đã đồng loạt đưa ra các biện pháp để hỗ trợ đồng nội tệ trước sự tăng giá mạnh mẽ của đồng đô la..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục