Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán giữ nhịp tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index duy trì đà tăng nhẹ; Chứng khoán: “Cuộc chơi” cảm xúc; Đo đếm triển vọng các kênh đầu tư năm 2025; Anh tiếp tục cắt giảm lãi suất khi kinh tế trì trệ…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán giữ nhịp tăng

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 7/2 tăng 400.000 đồng/lượng chiều mua vào và 700.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 86,80 – 90,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 11 USD, xuống 2.855,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về 2.860 USD, trước khi bật trở lại gần 2.870 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 107,65 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 7/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.462 đồng/USD, tăng 37 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.110 – 25.470 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 98.400 USD xuống 96.700 USD, thì sang ngày hôm nay đã chững lại và đi ngang quanh 97.000 USD/BTC cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,44 USD (+0,62%), lên 71,05 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,49 USD (+0,66%), lên 74,78 USD/thùng.

VN-Index thêm một phiên tăng nhẹ

Mặc dù vẫn gặp áp lực bán gia tăng khiến VN-Index rung lắc nhẹ ngay khi mở cửa, nhưng lực cầu tham gia khá tốt ở vùng giá 1.270 điểm đã giúp chỉ số giữ được đà tăng. Thậm chí có lúc đã tiến gần mốc 1.280 điểm nhờ dòng tiền sôi động hơn với tâm điểm hướng vào nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Tuy nhiên, lực cầu chưa đủ mạnh để kéo chỉ số chung vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh này và kết phiên hạ nhiệt đôi chút về 1.275 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch 7/2: VN-Index tăng 3,72 điểm (+0,29%), lên 1.275,2 điểm; HNX-Index tăng 0,36 điểm (+0,16%), lên 229,49 điểm; UPCoM-Index tăng 0,49 điểm (+0,51%), lên 97,24 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên thứ Năm (6/2), với Dow Jones điều chỉnh nhẹ, trong khi S&P 500 và Nasdaq nhích lên, trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi động thái chính sách tiếp theo của Tổng thống Mỹ Donald Trump và một báo cáo việc làm quan trọng khác sắp được công bố.

Các nhà giao dịch không mong đợi Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào tháng Ba, nhưng việc cắt giảm được dự đoán sẽ diễn ra vào tháng Sáu, theo FedWatch của CME.

Kết thúc phiên 6/2: Chỉ số Dow Jones giảm 125,65 điểm (-0,28%), xuống 44.747,63 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 22,09 điểm (+0,36%), lên 6.083,57 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 99,66 điểm (+0,51%), lên 19.791,99 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi đồng yên mạnh lên ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu có triển vọng mạnh mẽ và giúp hạn chế đà sụt giảm của thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,72% xuống 38.787,02 điểm và mất 2% trong tuần. Chỉ số Topix giảm 0,54% xuống 2.737,23 điểm.

Đồng yên đã tăng lên mức cao nhất trong chín tuần so với đồng USD, khi giới đầu tư tăng đặt cược vào việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất nhiều hơn trong năm nay.

Phiên này, cổ phiếu Tokyo Electron giảm 4,6% và kéo lùi Nikkei 225 nhiều nhất, ngay cả khi nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip này cho biết lợi nhuận hoạt động trong quý vừa qua tăng 50,7% so cùng kỳ năm trước.

Cổ phiếu Nikon giảm tới hơn 9,2% sau khi nhà sản xuất máy ảnh hạ triển vọng lợi nhuận hoạt động trong năm nay.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, dẫn đầu bởi hiệu suất mạnh mẽ của cổ phiếu AI khi thành công của công ty khởi nghiệp DeepSeek đã thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,01% lên 3.303,67 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,30% lên 3.892,70 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi lĩnh vực AI tăng 4,6%, và ghi nhận mức tăng hơn 10% trong tuần qua.

"Chúng tôi nghĩ rằng năm 2025 là năm mà thế giới đầu tư nhận ra Trung Quốc đang cạnh tranh vượt trội so với phần còn lại của thế giới trong lĩnh vực AI", Peter Milliken, nhà phân tích nghiên cứu tại Deutsche Bank cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhờ đà đi lên của cổ phiếu các công ty công nghệ, ngay cả khi một số nhà đầu tư giảm vị thế trước khi báo cáo việc làm của Mỹ được công bố.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,12% lên 21.125,02 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,16% lên 7.779,37 điểm.

Tập đoàn Lenovo dẫn đầu với mức tăng 5,6%, trong khi Xiaomi tăng 4,6% sau khi công bố dòng xe điện (EV) và điện thoại mới. HSBC đã nâng mục tiêu giá của Xiaomi lên 49,90 đô la Hồng Kông từ 37,90 đô la Hồng Kông và cho biết, nhà sản xuất điện tử tiêu dùng đã trở thành người hưởng lợi lớn nhất từ chương trình trợ cấp của Trung Quốc.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, trong bối cảnh các nhà đầu tư thận trọng trước dữ liệu việc làm của Mỹ sẽ được công bố vào cuối ngày.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI đóng cửa giảm 14,83 điểm, tương đương 0,58% xuống 2.521,92 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này trong tuần đã tăng 0,2%.

Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok đã ra lệnh cho các nhà chức trách theo dõi chặt chẽ tác động của các chính sách của Mỹ đối với nền kinh tế trong nước và thị trường tài chính.

Trong một động thái khác, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc Rhee Chang-yong cho biết hôm thứ Năm rằng việc cắt giảm lãi suất dự kiến trong tháng này không phải là một "quyết định đã được ký", Bloomberg News đưa tin.

Kết thúc phiên 7/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 279,51 điểm (-0,72%), xuống38.787,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 33,01 điểm (+1,01%), lên 3.303,67 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 241,92 điểm (+1,16%), lên 21.133,54 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 14,83 điểm (-0,58%), xuống 2.521,92 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Chứng khoán: “Cuộc chơi” cảm xúc

Chứng khoán là kênh đầu tư mang lại cảm xúc mạnh mẽ với những người tham gia. Song nghịch lý là để thành công, nhà đầu tư phải biết kiểm soát chặt chẽ cảm xúc..>> Chi tiết

- Đo đếm triển vọng các kênh đầu tư năm 2025

Trên thế giới, kinh tế toàn cầu nhìn chung tăng trưởng ổn định với lạm phát dần hạ nhiệt, tạo dư địa cho ngân hàng trung ương các nước mạnh tay cắt giảm lãi suất. Bên cạnh đó, trật tự thế giới đang thay đổi khi ông Donald Trump một lần nữa quay lại Nhà Trắng với các chính sách thương mại quyết liệt hơn..>> Chi tiết

- Anh tiếp tục cắt giảm lãi suất khi kinh tế trì trệ

Hôm thứ Năm (6/2), Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã quyết định tiếp tục nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế Anh..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục