Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán, dầu thô giảm mạnh trên toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đảo chiều giảm; Vẫn chuyện bên lề bảo hiểm liên kết; Góc nhìn của một Fn về cổ phiếu “rác”; Quan ngại lạm phát thúc đẩy lãi suất trái phiếu của Đông Á mới nổi; Giá cước vận chuyển trong tương lai có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu nhiều hơn dự báo… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán, dầu thô giảm mạnh trên toàn cầu

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 26/11 tăng 300.000 đồng/lượng so với ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và 600.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại mức 60,25 – 61,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua giảm 2,6 USD xuống 1.788,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục dần và tăng mạnh lên trên 1.810 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 96,41 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 26/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.145 đồng/USD, giảm 2 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.575 - 22.775 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 5,02 USD (-6,4%), xuống 73,37 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 4,45 USD (-5,41%), xuống 77,77 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua hồi phục lên trên 59.100 USD, thì sang ngày hôm nay đã đổ đèo và giảm về dưới 55.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index điều chỉnh

Trong phiên sáng nay, biến thể mới và khả năng “quái ác” hơn cả Delta được phát hiện ở một số nơi trên thế giới, thì thị trường trong nước cũng nguội dần về cuối phiên do áp lực bán gia tăng.

Áp lực bán khá lớn lan sang phiên chiều khiến thị trường quay đầu giảm điểm và phải nhờ đến VIC, khi vọt 4,8% giúp thị trường mới hãm đà giảm, nhưng chia tay vùng đỉnh lịch sử 1.500 điểm vừa được thiết lập

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, áp lực bán chốt lời gia tăng mạnh khiến nhiều mã đảo chiều giảm như FLC, ROS, HQC, HAG, TCH… Trong khi LDG, SJF, TNI, LCG, IDI… tiếp tục tăng trần.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 52,52 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 2.107,51 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 26/11: VN-Index giảm 7,78 điểm (-0,52%) xuống 1.493,03 điểm; HNX-Index giảm 1,04 điểm (-0,23%), xuống 458,63 điểm; UpCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,24%), xuống 114,34 điểm.

Chứng khoán Mỹ nghỉ giao dịch dịp lễ Tạ ơn.

Chứng khoán châu Á giảm mạnh

Chứng khoán Nhật Bản lao dốc, khi một biến thể virus corona mới được tìm thấy ở Nam Phi đã làm dấy mối lo ngại về dịch Covid-19 và lực bán dâng cao khi chỉ số chuẩn tiến về ngưỡng cản 30.000 điểm.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,53% xuống 28.751,62 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 25/10, và là phiên giảm mạnh nhất trong hơn 5 tháng qua.

Chỉ số Topix giảm 2,01% xuống mức thấp nhất trong sáu tuần là 1.984,98 điểm.

Trong tuần này, chỉ số Nikkei 225 mất 3,3%, trong khi Topix giảm 2,9%.

Kazuharu Konishi, người đứng đầu bộ phận quản lý tài sản Mitsubishi UFJ Kokusai Asset, cho biết: “Các yếu tố cơ bản của thị trường đã yếu đi do các nhà đầu tư tiếp tục bán ra khi chỉ số Nikkei 225 tiến gần đến 30.000 điểm”.

Tin tức về biến thể virus corona đã giáng một đòn mạnh vào nhóm cổ phiếu hàng không, với chỉ số phụ theo dõi giảm tới 5,4%, các nhà khai thác tàu hỏa mất 2,9%.

Trong đó, ANA Holdings đã giảm 4,5%, Keisei Electric Railway giảm 6,3%. Đường sắt miền Trung Nhật Bản mất 3,3% và Đường sắt Tây Nhật Bản giảm 3,2%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi các trường hợp nhiễm mới Covid-19 trong nước lên mức gần cao kỷ lục trong một ngày và một biến thể kháng vắc-xin mới được phát hiện ở châu Phi đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,56% xuống 3.564,09 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,74% xuống 4.860,13 điểm.

Trong tuần, chỉ số CSI300 giảm 0,6%, trong khi Shanghai Composite tăng nhẹ 0,1%.

Trên thị trường toàn cầu, việc phát hiện ra một biến thể virus corona mới ở Nam Phi đã khiến các nhà đầu tư hoảng sợ, thúc đẩy việc bán ồ ạt các tài sản rủi ro và tìm đến những nơi trú ẩn an toàn.

Chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh theo nhiều thị trường khác trên toàn cầu, khi những lo lắng dâng cao về một biến thể virus corona mới và có thể kháng vắc-xin.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,67% xuống 24.080,52 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 2,65% xuống 8.576,07 điểm.

Trong tuần, Chỉ số Hang Seng mất 3,9%, còn HSCE giảm 4,4%.

Nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán mạnh trở lại, với các gã khổng lồ Tencent Holdings, Meituan và Alibaba Group giảm từ 3% đến 4,7%, sau khi cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc đã đề xuất các quy định mới nhằm tăng cường giám sát đối với lĩnh vực quảng cáo trên internet.

Thông tin đáng chú ý khác là việc các nhà quản lý Trung Quốc đã yêu cầu tập đoàn gọi xe Didi hủy niêm yết tại phố Wall do lo ngại về bảo mật dữ liệu, Bloomberg News đưa tin.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm khá mạnh, do số lượng trường hợp nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc trong một ngày đã gần ở mức cao kỷ lục và một biến thể mới của virus corona ở châu Phi đã khiến các nhà đầu tư lo sợ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 1,47% xuống 2.936,44 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 11/11.

Chỉ số này đã mất 1,16% trong tuần này, mức giảm trong một tuần lớn nhất trong 4 tuần qua.

Trong số các cổ phiếu lớn, Samsung Electronics giảm 1,9%, SK Hynix giảm 1,7%. Nhà sản xuất pin LG Chem giảm 2,44% và Naver giảm 1,89%.

Kết thúc phiên 26/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 747,66 điểm (-2,53%), xuống 28.751,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 20,09 điểm (-0,56%), xuống 3.564,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 659,64 điểm (-2,67%), xuống 24.080,52 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 43,83 điểm (-1,47%), xuống 2.936,44 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Vẫn chuyện bên lề bảo hiểm liên kết

Đẩy mạnh hợp tác ngân hàng - bảo hiểm đã đem lại nguồn thu lớn cho cả hai bên, nhưng đà tăng trưởng nóng của hoạt động này cũng để lại nhiều hệ lụy..>> Chi tiết

- Góc nhìn của một Fn về cổ phiếu “rác”

Nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp yếu kém, kinh doanh thua lỗ có giá tăng mạnh, thu hút dòng tiền đầu cơ..>> Chi tiết

- Quan ngại lạm phát thúc đẩy lãi suất trái phiếu của Đông Á mới nổi

Thị trường trái phiếu của khu vực Đông Á mới nổi đã tăng trưởng 3,4% trong quý III, lên tới 21,7 nghìn tỷ USD, dù lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu và sự chuyển dịch trong lập trường tiền tệ của Hoa Kỳ đã làm suy yếu các điều kiện tài chính của khu vực..>> Chi tiết

- Giá cước vận chuyển trong tương lai có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu nhiều hơn dự báo

Phân tích của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho thấy, mức tăng giá cước vận tải container nếu còn tiếp diễn, có thể làm tăng mức giá nhập khẩu toàn cầu lên 11% và mức giá tiêu dùng lên 1,5% từ nay đến năm 2023..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,182.4 -7.82 -0.66% 71,572 tỷ
HNX 223.38 -1.93 -0.86% 471 tỷ
UPCOM 87.92 -0.11 -0.12% 165 tỷ