Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán châu Á chịu sức ép lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm hơn 13 điểm; Gạt nỗi lo tiền đồng mất giá; Nhóm cổ phiếu gỗ nổi chìm cùng giá gỗ; Nóng, lạnh cổ phiếu điện; Doanh nghiệp đại chúng lưu ý thỏa thuận cổ đông; Chứng khoán Hồng Kông lao dốc; Các quan chức Fed không muốn vội vàng tăng lãi suất…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán châu Á chịu sức ép lớn

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 8/7 không đổi so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại mức 56,90 – 57,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 6,9 USD lên 1.803,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng dần lên gần 1.815 USD/ounce, trước khi hạ nhiệt nhẹ về cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,15% xuống 92,51 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.190 đồng, tăng 9 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.920 - 23.120 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,75 USD (-1,04%), xuống 71,45 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,68 USD (-0,93%), xuống 72,75 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm giảm về dưới 34.000 USD/BTC thì sang phiên hôm nay tiếp tục giảm và chạm đáy gần 32.000 USD, trước khi bật trở lại về 32.500 USD/BTC vào cuối giờ chiều.

Chứng khoán trong nước

VN-Index lại giảm mạnh

Thị trường dao động trong sắc đỏ suốt phiên sáng với thanh khoản thấp và lực bán gia tăng ở một số blulechip trong phiên chiều, đặc biệt là NVL, khiến VN-Index bị đẩy mạnh xuống dưới 1.365 điểm.

Ở vùng giá này, lực cầu bắt đáy nhập cuộc, nhưng dè dặt chỉ đủ VN-Index tránh khỏi phiên giảm sâu.

Cổ phiếu NVL có thời điểm đã về mức giá sàn, trước khi đóng cửa -6,1%. Gây sức ép khác còn TCH -3,9%, VRE -3,2%, STB -2,7%, VIC -2,6%, VCB -2,1%, VPB -2%, HPG -1,8%...

MWG và MSN vẫn tiếp tục là điểm đỡ giúp VN-Index không giảm sâu thêm. Kết phiên MWG +4%,MSN +3,3%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1,44 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 257,13 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 8/7: VN-Index giảm 13,87 điểm (-1,00%), xuống 1.374,68 điểm; HNX-Index giảm 3,85 điểm (-1,2%), xuống 315,98 điểm; UpCoM-Index giảm 0,65 điểm (-0,73%), xuống 88,49 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall quay trở lại với đà tăng trong phiên ngày thứ Tư (7/7), khi biên bản cuộc họp mới nhất của Fed cho thấy, các quan chức của cơ quan này có thể chưa sẵn sàng thực hiện chính sách thắt chặt.

Sự “mềm mỏng” bất ngờ của Fed đã xoa dịu nỗi lo thắt chặt chính sách âm ỉ trên thị trường trong thời gian gần đây.

Lợi suất trái phiếu giảm và thị trường chứng khoán leo dốc sau khi biên bản được công bố. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức 1,296% vào ngày thứ Tư.

Kết thúc phiên 7/7, chỉ số Dow Jones tăng 104,42 điểm (+0,3%), lên 34.681,79 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,59 điểm (+0,34%), lên 4.358,13 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,42 điểm (+0,01%), lên 14.665,06 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi nước này tái áp dụng tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn sự bùng phát trở lại của Covid-19.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,88% xuống 28.118,03 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,9% xuống 1.920,32 điểm.

Thị trường chịu áp lực lớn khi một bộ trưởng chủ chốt cho biết, Nhật Bản sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp thứ tư đối với Tokyo.

Shigetoshi Kamada, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu của Tachibana Securities, cho biết: “Tình trạng khẩn cấp được áp dụng trở lại là một lý do khiến các nhà đầu tư do dự mua cổ phiếu”.

Tích cực nhất hôm nay có lẽ là Daikin Industries, tăng 3,7% sau khi nhật báo Nikkei đưa tin, hãng sản xuất máy điều hòa không khí này đã phát triển chất làm lạnh cho xe điện có thể giúp gián tiếp mở rộng phạm vi hoạt động lên đến 50%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do các công ty tài chính và năng lượng đè nặng, trong khi các nhà đầu tư đứng ngoài, cân nhắc gợi ý bất ngờ của Bắc Kinh về việc nới lỏng tiền tệ.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,79% xuống 3.525,50 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,02% xuống 5.088,26 điểm.

Dẫn đầu đà giảm là chỉ số theo dõi ngành tài chính và năng, mất lần lượt 2% và 2,2%.

Thông tin bất ngờ đến từ việc Trung Quốc sẽ có thể cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng (RRR) để hỗ trợ nền kinh tế thực, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ.

Chứng khoán Hồng Kông lao dốc, giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tháng, khi các công ty công nghệ bị bán tháo do những quy định mới khắt khe hơn từ Bắc Kinh.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,89% xuống 27.153,13 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 4/1. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 3,22% xuống 9.822,56 điểm.

Giảm mạnh nhất là chỉ số công nghệ, khi mất 3,7% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 7/10, và ghi nhận ngày giảm điểm thứ bảy liên tiếp.

Các cổ phiếu như Bilibili Inc, Meituan, Baidu Inc và JD.Com Inc giảm từ 3,6% đến 7,3%. Còn hai gã khổng lồ Tencent và Alibaba lần lượt giảm 3,7% và 4,1%.

Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) cho biết, họ đã phạt một số công ty internet bao gồm Didi Chuxing, Tencent và Alibaba vì không báo cáo các giao dịch mua bán và sáp nhập trước đó để được phê duyệt, theo một tuyên bố trên trang web của Cục Quản lý Thị trường Nhà nước ( SAMR).

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong gần hai tháng, khi các trường hợp nhiễm mới Covid-19 trong một ngày lên mức kỷ lục đã khiến các nhà chức trách xem xét áp dụng biện pháp hạn chế tiếp xúc ở thủ đô Seoul.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,99% xuống 32.252,68 điểm, phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 13/5.

Hàn Quốc đã báo cáo 1.275 trường hợp nhiễm mới Covid-19, vượt mức cao nhất trong một ngày trong đợt bùng phát dịch lần thứ ba vào tháng 12 vừa qua.

Kết thúc phiên 8/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 248,92 điểm (-0,88%), xuống 28.118,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 28,21 điểm (-0,79%), xuống 3.525,50 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 807,49 điểm (-2,89%), xuống 27.153,13 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 32,66 điểm (-0,99%), xuống 3.252,68 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Gạt nỗi lo tiền đồng mất giá

Đồng tiền Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi, tích cực để củng cố sức mạnh..>> Chi tiết

- Nhóm cổ phiếu gỗ nổi chìm cùng giá gỗ

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, các doanh nghiệp chế biến gỗ đang chứng kiến giá gỗ trên thị trường thế giới giảm mạnh trở lại cùng sức cầu đi xuống..>> Chi tiết

- Nóng, lạnh cổ phiếu điện

Giữa cao điểm mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng vọt, song không phải cổ phiếu ngành điện nào cũng được hưởng lợi..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp đại chúng lưu ý thỏa thuận cổ đông

Thị trường luôn đòi hỏi doanh nghiệp đại chúng nâng cao tính minh bạch thông tin, song những thỏa thuận cổ đông riêng vẫn tồn tại trong một bộ phận công ty niêm yết và có thể gây ra xung đột lợi ích giữa các cổ đông..>> Chi tiết

- Các quan chức Fed không muốn vội vàng tăng lãi suất

Theo biên bản cuộc họp được công bố hôm thứ Tư (7/7), các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã thảo luận về việc giảm dần chính sách kích thích trong cuộc họp gần đây nhất nhưng có vẻ như ít quan điểm vội vàng đẩy nhanh tiến trình..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục