Tháng trước, Chủ tịch Fed Boston, Eric Rosengren đã đưa ra cảnh báo về Tether và gọi đây là một rủi ro tiềm ẩn về ổn định tài chính. Trong khi đó, một số nhà đầu tư cho rằng việc mất niềm tin vào Tether có thể là hiện tượng “thiên nga đen” của tiền điện tử, một sự kiện không thể đoán trước sẽ tác động nghiêm trọng đến thị trường.
Các vấn đề xung quanh Tether có ý nghĩa quan trọng đối với thế giới tiền điện tử và các nhà kinh tế ngày càng lo sợ rằng Tether cũng có thể tác động đến các thị trường khác ngoài tiền tệ kỹ thuật số.
Tether là gì?
Giống như Bitcoin, Tether là một loại tiền điện tử. Trên thực tế, đây là đồng tiền kỹ thuật số lớn thứ ba thế giới theo giá trị thị trường, nhưng nó rất khác so với Bitcoin và các loại tiền ảo khác.
Tether được biết đến như một loại tiền điện tử có tính chất ổn định. Đây là loại tiền kỹ thuật số được gắn với tài sản trong thế giới thực như đồng USD để duy trì giá trị ổn định mà không giống như hầu hết các loại tiền điện tử được biết là biến động rất mạnh và là một dạng stablecoin.
Tether được thiết kế để neo theo đồng USD. Trong khi các loại tiền điện tử khác thường dao động về giá trị, giá của tether thường tương đương với 1 USD.
Các nhà giao dịch tiền điện tử thường sử dụng Tether để mua tiền điện tử khác như một sự thay thế cho đồng USD. Điều này về cơ bản cung cấp cho họ một cách để tìm kiếm sự an toàn trong một tài sản ổn định hơn trong thời điểm thị trường tiền điện tử biến động mạnh.
Tuy nhiên, tiền điện tử không được quản lý và nhiều ngân hàng tránh kinh doanh với các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số do mức độ rủi ro liên quan.
Tại sao đồng tiền này lại gây tranh cãi?
Một số nhà đầu tư và nhà kinh tế đang lo lắng rằng nhà phát hành của đồng Tether không có đủ dự trữ USD để lý giải cho việc neo theo tỷ giá USD của đồng tiền này.
Vào tháng 5, Tether đã chia nhỏ lượng dự trữ cho đồng tiền này. Tether Limited tiết lộ rằng, chỉ một phần nhỏ lượng dự trữ hiện tại cho đồng Thether bằng đồng USD là khoảng 2,9% là tiền mặt, trong khi phần lớn là thương phiếu, một dạng nợ ngắn hạn không có bảo đảm.
Theo JPMorgan, điều đó sẽ đưa Tether vào top 10 công ty nắm giữ thương phiếu lớn nhất thế giới. Tether đã được so sánh với các quỹ thị trường tiền tệ truyền thống nhưng lại không có bất kỳ quy định nào.
Bên cạnh đó, từng có những lo ngại về việc liệu Tether có đang được sử dụng để thao túng giá Bitcoin hay không khi một nghiên cứu cho rằng đồng tiền này đã được sử dụng để hỗ trợ Bitcoin trong những đợt giảm giá mạnh sau khi tăng mạnh trong năm 2017.
Sự lây lan sang các thị trường khác
Các nhà phân tích tại JPMorgan trước đây đã cảnh báo rằng việc mất niềm tin đột ngột vào Tether có thể dẫn đến “cú sốc thanh khoản nghiêm trọng đối với thị trường tiền điện tử rộng lớn hơn”.
Nhưng cũng có những lo ngại rằng việc rút tiền Tether tăng đột ngột có thể dẫn đến khả năng lây lan thị trường tài chính và làm ảnh hưởng đến các tài sản khác ngoài tiền điện tử.
Vào tháng 6, Chủ tịch Fed Boston Rosengren đã đề cập đến Tether và các loại stablecoin khác như một trong những rủi ro tiềm ẩn đối với sự ổn định tài chính.
“Một cuộc khủng hoảng trong tương lai có thể dễ dàng được kích hoạt khi chúng trở thành một lĩnh vực quan trọng hơn của thị trường tài chính, trừ khi chúng tôi bắt đầu điều chỉnh chúng và đảm bảo rằng thực sự có sự ổn định ổn định hơn rất nhiều cho những gì đang được tiếp thị cho công chúng như một stablecoin”, ông cho biết.
Tuần trước, Fitch Ratings đã cảnh báo việc mua lại hàng loạt đồng Tether đột ngột có thể gây bất ổn cho thị trường tín dụng trong ngắn hạn.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Mỹ cho biết: “Các đồng tiền được hỗ trợ hoàn toàn bởi các tài sản an toàn, có tính thanh khoản cao sẽ ít rủi ro hơn mặc dù các nhà chức trách vẫn có thể lo ngại nếu có dấu vết tiềm ẩn trên toàn cầu hoặc rủi ro hệ thống”.
Tether không phải là stablecoin duy nhất hiện có, nhưng cho đến nay nó vẫn là đồng stablecoin lớn nhất và phổ biến nhất. Những đồng stablecoin khác có thể kể đến là USD Coin và Binance USD.