Thị trường tài chính 24h: Chưa thể lạc quan

(ĐTCK) VN-Index lấy lại được ngưỡng 950 điểm; “Cuộc chiến khô máu” của ví điện tử; Làm mới công cụ cạnh tranh trên thị trường chứng khoán; Gọi tên các mã được chọn xây chứng quyền; Công ty chứng khoán Việt tiếp tục “hút” vốn Hàn Quốc; Chứng khoán châu Á chưa thể hồi phục; Mỹ châm ngòi chiến tranh thương mại khắp thế giới...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Ảnh: Shutterstock. Ảnh: Shutterstock.

VN-Index tăng trở lại nhưng với thanh khoản giảm

Thị trường mở cửa phiên sáng nay trong sắc xanh khi nhiều mã bluechips cũng như cổ phiếu ngân hàng, dầu khí... tăng điểm. Tuy nhiên, do sức cầu hạn chế, trong khi áp lực bán vẫn hiện hữu nên đà tăng không mạnh.

Trong phiên chiều, sự thận trọng của bên mua khiến giao dịch không mấy hào hứng, thậm chí VN-Index có lúc đã rơi sâu xuống ngưỡng 943 điểm.

Từ mức đáy này, lực cầu bắt đáy đã được kích hoạt, kéo VN-Index lên lại mức tham chiếu và vọt lên trên 950 điểm khi đóng cửa.

Trong số 30 mã vốn hóa cao nhất sàn, có tới 22 mã tăng và chỉ có 8 mã giảm. Trong đó, các mã tăng mạnh phải kể đến BHN +3,9%, VRE +1%, BID +1,5%, VCB +0,7%, PLX +0,7%... Các mã giảm mạnh nhất là VHM -1,4%, EIB -1,1%, VJC -0,9%...

Tại nhóm cổ phiếu thị trường, đa phần cổ phiếu thanh khoản cao đều giảm điểm như FLC, ROS, HAG, ITA, HQC, HBC, ASM, TTF...

Tính chung trên toàn thị trườngnhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 7,66 triệu đơn vị, giá trị 195,73 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 4/6: VN-Index tăng 4,69 điểm (+0,5%), lên 951,16 điểm; HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,22%), xuống 103,06 điểm; UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,18%), lên 54,9 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Sau tháng 5 tồi tệ do chịu tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại, Dow Jones và S&P 500 đã lấy lại được sự cân bằng trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6.

Hai chỉ số này giao dịch giằng co nhẹ quanh tham chiếu, trong đó Dow Jones may mắn chặn được đà tăng khi chốt phiên, còn S&P 500 cũng chỉ còn giảm nhẹ do tác động của một số mã lớn.

Tuy nhiên, điều đó không xảy ra với Nasdaq khi chỉ số này thậm chí còn lao dốc mạnh hơn phiên cuối tuần trước do đà giảm mạnh của Alphabet, Facebook và Amazon vì lo ngại các ông lớn này sẽ là mục tiêu của các cơ quan quả lý chống độc quyền của Chính phủ Mỹ.

Trong đó, cổ phiếu Facebook giảm 7,5%, mức giảm theo ngày mạnh nhất kể từ ngày 26/7/2018 sau khi Wall Street cho biết, Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) sẽ tiến hành các cuộc kiểm tra về hoạt động của mạng xã hội này ảnh hưởng đến cạnh tranh kỹ thuật số.

Cổ phiếu Alphabet giảm 6% sau khi các nguồn tin nói với Reuters rằng, Bộ Tư pháp Mỹ đang chuẩn bị một cuộc điều tra để xác định xem công ty mẹ của Google có vi phạm luật chống độc quyền hay không. Amazon cũng giảm 4,6% khi một báo cáo cho biết, gã khổng lồ thương mại điện tử có thể được đặt dưới sự giám sát của FTC.

Về thông tin kinh tế, một cuộc khảo sát của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) cho thấy, tăng trưởng sản xuất của Mỹ bất ngờ chậm lại trong tháng 5, khiến nhà đầu tư hướng tới các kênh phòng ngừa rủi ro như vàng và trái phiếu chính phủ Mỹ.

Những dữ liệu trên khiến nhà đầu tư tin rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất để ngăn chặn suy thoái kinh tế, khiến lợi suất trái phiến chính phủ Mỹ kỳ hạn hai năm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017.

Kết thúc phiên 3/6, chỉ số Dow Jones tăng 4,74 điểm (+0,02%), lên 24.819,78 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,61 điểm (-0,28%), xuống 2.744,45 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 120,13 điểm (-1,61%), xuống 7.333,02 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản gần như không đổi, khi căng thẳng thương mại và đồng yên mạnh lên đã kiềm chế dòng tiền tham gia, , trong khi tổn thất kéo dài ở cổ phiếu lớn SoftBank tiếp tụ đè nặng thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,01% xuống 20.408,54 điểm. Topix tăng chưa đến 0,01% lên 1.499,09 điểm.

Đồng USD tăng thêm 0,1% lên 108,98 yên/USD, sau khi chạm đánh 107,86 yên/USD, mức thấp nhất kể từ ngày 10/1 đã khiến giới đầu tư thêm phần lo ngại, ngoài sự chán nản bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây ra, vốn khiến Nikkei 225 mất 8% trong tháng 5 vừa qua.

Thị trường phân hóa, với Fanuc Corp đã tăng 2,2% sau khi giảm 12% trong tháng qua, trong khi Tokyo Electron tăng 3,2% sau khi giảm 15%.

Casio Computer đã tăng 1,7% sau khi cho biết sẽ mua lại số lượng cổ phiếu quỹ trị giá 5 tỷ yên.

Nhưng, SoftBank Group giảm 3,3%, với các viện dẫn lo ngại về lợi nhuận của Quỹ Vision vốn tập trung đầu tư vào các công ty công nghệ, ngành nghề giảm mạnh tại phố Wall phiên đêm qua.

Chứng khoán Trung Quốc giảm khi Bắc Kinh và Washington trao nhau những lời chỉ trích về chuyển giao công nghệ và thương mại, cho thấy ít có dấu hiệu giải quyết tranh chấp thuế.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm  0,98% xuống 2.862,28 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,92% xuống 3.598,47 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành tài chính giảm 0,6%, ngành tiêu dùng giảm 1,6%, bất động sản giảm hơn 0,5% và y tế giảm 1,8%.

Chính phủ Mỹ cho biết rằng Trung Quốc đang theo đuổi một trò chơi “đổ lỗi”  trong các tuyên bố gần đây và sách trắng về các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất là Gansu Dunhuang Seed Group Co Ltd, Wanxiang Doneed Co Ltd và Shanghai Industrial Development Co Ltd tất cả đều giảm 10%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm khi cuộc chiến thương mại với Mỹ có thêm thông tin xấu về Huawei.

Đóng cửa, Hang Seng giảm 0,49% xuống 26.761,52 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,86% xuống 10.341,12 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng giảm 0,2%, ngành CNTT giảm 2,1%, ngành tài chính giảm 0,4% và bất động sản mất 0,1%.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong chuyến thăm cấp cao tới Anh, dự kiến sẽ cảnh báo rằng, an ninh hợp tác với Washington có thể bị tổn thương nếu London cho phép Huawei xây dựng mạng 5G.

Phiên hôm nay, cổ phiếu tăng cao nhất là WH Group Ltd, tăng 2,2%, trong khi thua lỗ lớn nhất là CSPC Pharmaceutical Group Ltd, giảm 3,8%.

Nhóm cổ phiếu H giảm sâu nhất gồm New China Life Insurance Co Ltd, giảm 4,5%, CSPC Pharmaceutical Group Ltd, giảm 3,8% và Sinopharm Group Co Ltd, giảm 3%.

Kết thúc phiên 4/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 2,34 điểm (-0,01%), xuống 20.408,54 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 27,8 điểm (-0,96%), xuống 2.862,28 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 132,34 điểm (-0,49%), xuống 26.761,52 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC tiếp tục tăng. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.465 đồng/USD

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 170.000 đồng/lượng chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,82 - 37,04 triệu đồng/lượng, tăng thêm 10.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 23.052 đồng/USD, giảm 8 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.345 - 23.465 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

“Cuộc chiến khô máu” của ví điện tử

Sự góp mặt của nhiều tân binh không chỉ khiến thị trường ví điện tử tại Việt Nam thêm sôi động, mà còn trở nên cực kỳ khắc nghiệt với những “cuộc chiến khô máu”, khi các đối thủ cạnh tranh quyết liệt và bất chấp để giành chiến thắng..>> Chi tiết

Làm mới công cụ cạnh tranh trên thị trường chứng khoán

Không còn đơn thuần cung cấp các dịch vụ như ứng trước tiền bán, cho vay ký quỹ (margin), nhiều công ty chứng khoán đang nỗ lực nâng cấp hạ tầng, hệ thống công nghệ, ra mắt các ứng dụng công nghệ mới để cải thiện chất lượng phục vụ nhà đầu tư trên sàn..>> Chi tiết

Gọi tên các mã được chọn xây chứng quyền

Dự kiến, ngày 28/6/2019, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) sẽ được niêm yết và giao dịch. Khoảng 7 - 8 công ty chứng khoán sẽ tham gia phát hành CW đợt đầu tiên, dựa trên các cổ phiếu như MBB, FPT, MWG, HPG, PNJ…>> Chi tiết

Công ty chứng khoán Việt tiếp tục “hút” vốn Hàn Quốc

Tiềm năng rộng mở của thị trường chứng khoán Việt Nam, cộng thêm nhiều “ông lớn” trong ngành cung cấp dịch vụ chứng khoán Hàn Quốc đang "ăn nên, làm ra" tại đây, vốn từ "xứ sở Kim Chi" tiếp tục chảy vào các công ty chứng khoán Việt...>> Chi tiết

Mỹ châm ngòi chiến tranh thương mại khắp thế giới

Để đạt các mục tiêu chính sách, Mỹ sử dụng thương mại làm vũ khí trong cuộc chiến với hàng loạt nền kinh tế..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục