Nỗi đau từ Trung Quốc chuyển hướng sang nền kinh tế toàn cầu

(ĐTCK) Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, Trung Quốc đang phải trả thuế cao hơn khi bán hàng vào Mỹ. Mack Yuan, một nhân viên kinh doanh nội thất tại Chiết Giang không nghĩ vậy.
Nỗi đau từ Trung Quốc chuyển hướng sang nền kinh tế toàn cầu

“Chúng tôi chẳng trả thêm gì khi thuế nâng lên”, Yuan cho biết. Anh hiện là nhân viên tại Dakang Holdings Co, công ty bán một nửa số sản phẩm sản xuất được sang Mỹ, với các bạn hàng bao gồm Walmart Inc và Costco Wholesale Corp.

Sự tự tin của Mack Yuan, cũng như nhiều thương nhân Trung Quốc khác xuất phát từ việc, họ bán các sản phẩm mà người mua tại Mỹ khó có thể thay thế. Thực tế, doanh số bán hàng sang Mỹ của Dakang không bị ảnh hưởng, trong khi Walmart đã phải tăng giá bán sản phẩm lên gần 10%, Yuan cho biết. Người phát ngôn của Walmart từ chối bình luận về trường hợp này.

Tương tự, Taizhou Jinba Health Technology Co, nhà sản xuất máy sấy và tạo kiểu tóc tại Chiết Giang cho biết, sản phẩm của họ nằm trong danh sách bị đánh thuế, nhưng doanh nghiệp không lấy làm bận tâm. Công ty mua hàng tại Mỹ và người tiêu dùng sẽ phải trả phần tăng thêm này, bởi họ không thể tìm được sản phẩm thay thế nào hợp lý hơn.

“Các quốc gia Đông Nam Á không sở hữu chuỗi cung ứng, họ thậm chí còn không thể chế tạo các bộ phận cấu thành sản phẩm. Vậy nếu muốn mua máy sấy tóc, người tiêu dùng sẽ chọn sản phẩm từ đâu? Nếu từ châu Âu, giá cả thậm chí còn đắt đỏ hơn”, đại diện Taizhou Jinba Health Technology cho biết.

Nỗi đau từ Trung Quốc chuyển hướng sang nền kinh tế toàn cầu ảnh 1

10 mặt hàng Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp thuế từ 10% lên 25%

Theo các chuyên gia, việc Mỹ nâng thuế từ 10% lên 25% đã bắt đầu tạo tác động tiêu cực tới toàn bộ hệ thống phân phối, mà điều dễ thấy nhất là giá cả hàng hóa bắt đầu tăng lên trên quy mô toàn cầu. Người tiêu dùng tại Mỹ trả giá nhiều hơn cho các hàng hóa vẫn sử dụng, lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc đi xuống, kéo theo đó là tăng trưởng kinh tế của các quốc gia giữa làn đạn, từ đó lan ra toàn cầu.

“Về lý thuyết, Trung Quốc là đối tượng chịu thiệt hại bởi có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Tuy nhiên, người tiêu dùng Mỹ cũng phải trả tương xứng. Bên cạnh đó, đa phần các quốc gia khác đều có thặng dư với Trung Quốc, nên nếu nền kinh tế lớn thứ hai tăng trưởng chậm lại, các quốc gia khác cũng bị kéo xuống”, Tao Dong, Phó chủ tịch Credit Suisse Private Banking tại Hong Kong cho biết.

Theo ước tính của Bloomberg Economics, nếu xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng, 2 bên áp dụng hết các mức thuế suất mới với hàng hóa của nhau, khoảng 600 tỷ USD sẽ bốc hơi khỏi nền kinh tế toàn cầu cho tới năm 2021.

Trong khi đó, Yao Wei, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Societe Generale SA nhận định, nguy cơ lớn nhất với Trung Quốc là ảnh hưởng tới vị thế quốc gia như một trung tâm sản xuất trên toàn cầu trong dài hạn.

Các tập đoàn đa quốc gia và cả doanh nghiệp Trung Quốc đều đang tích cực tìm kiếm khu vực mới để thiết lập cơ sở sản xuất. Điều này cũng khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đại lục giảm sút, tạo mối nguy cơ về sáng tạo và năng lực sản xuất trong dài hạn.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục